G7: Thời oanh liệt đã qua
2 năm kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G7 tổ chức lần cuối tại Canada, một Hội nghị tương tự mới được tiếp tục diễn ra tại Iqaluit, miền Bắc Canada. So với thời điểm năm 2008, qui mô của G7 đã bị suy giảm đáng kể cả về thế và lực với việc Tổ chức này đã đánh mất vị thế vào tay G20 và không còn là một diễn đàn chính thống về hợp tác kinh tế quốc tế.
Chính vì vây, thay vì việc thống kê xem đây là lần thứ bao nhiêu một diễn đàn kinh tế của G7 được tổ chức, người ta đã bắt đầu tiên đoán liệu đây đã phải một trong những lần cuối cùng chúng ta được chứng kiến một Hội nghị của G7 hay chưa.
Số phận các gói kích thích kinh tế và bóng ma Nợ nước ngoài tại khu vực EU
Vấn đề liên quan đến số phận của các gói kích cầu đạt được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía các Bộ trưởng Tài chính với 100% số phiếu ủng hộ. So với thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Pittsburgh, Mỹ vào cuối tháng 9/2009, kinh tế thế giới đã chứng kiến những biến chuyển tương đối tích cực song điều đó vẫn là chưa đủ để có thể dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn các gói kích thích kinh tế. Chi tiêu công vẫn đang chiếm một tỉ lệ lớn trong các giao dịch hàng ngày trong khi tiêu dùng cá nhân vẫn chưa đủ mạnh để có thể tự mình đứng vững chứ chưa nói đến vực dậy nền kinh tế toàn khu vực. Hơn nữa, sau khi trải qua một đợt suy thoái kinh tế có qui mô lớn nhất trong lịch sử thế giới thời kỳ hậu Thế chiến, việc các nhà quản lý thể hiện một một cách tiếp cận thận trọng với quá trình hồi phục kinh tế âu cũng là một điều dễ hiểu và nên làm.
Mặc dù vậy, sớm hay muộn thì các quốc gia cũng đã phải bắt đầu tính đến thời điểm kết thúc các gói kích thích kinh tế. Có thể đối với một số nền kinh tế, các gói kích thích này thực sự là những “liều thuốc tiên” nhưng đi kèm với những thần dược này lại là một cái giá không hề rẻ. Tập trung quá nhiều cho các gói kích thích cũng đồng nghĩa với việc các nước chấp nhận một mức độ thâm hụt lớn hơn trong ngân sách quốc gia và nợ nước ngoài gia tăng. Đây không còn là một hệ quả dài hạn nữa mà đã trở thành một hiểm họa hiển hiện trước mắt trong đó các quốc gia EU mà Hy Lạp chính là một “con bệnh” điển hình.
Với mức thâm hụt ngân sách lên đến 12,7% GDP, Hy Lạp gần như sẽ không thể nhận thêm bất kỳ khoản vay nào từ các tổ chức tín dụng cho đến khi họ có thể cải thiện được xếp hạng tín dụng của mình và điều đó sẽ đồng nghĩa với dấu chấm hết cho các nỗ lực của chính phủ nước này trong việc chèo lái nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mặc dù vậy , với những tuyên bố của các Bộ trưởng Tài chính lần tại Hội nghị G7, có thể khẳng định EU sẽ can thiệp để cứu Hy Lạp ra khỏi đợt khủng hoảng tồi tệ này, thậm chí không cần đến sự giúp đỡ từ IMF. Bài học phá sản của Ireland, một thành viên khác của EU vào cuối tháng 10/2008 chắc chắn sẽ khiến Tổ chức này khó có thể làm ngơ trước tình hình đang diễn ra tại Hy Lạp, bất chấp việc hành động này có thể tạo ra tiền lệ xấu cho các quốc gia EU khác trong việc sử dụng ngân sách quốc gia bừa bãi và kém hiệu quả. "Hãy cứu lấy Hy Lạp" là thông điệp rõ ràng nhất mà các quốc gia thuộc nhóm Công nghiệp phát triển G7, đặc biệt là các nước EU như Anh, Pháp, Đức, Ý phát đi từ hội nghị lần này.
Về phần mình, các quốc gia đang gặp vấn đề nghiêm trọng liên quan đến nợ nước ngoài như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng chưa thể tạm thời thở phào, hạn mức tín dụng mà EU dự định cung cấp chắc chắn sẽ đi kèm với các điều kiện cải cách tài chính ngặt nghèo mà nếu không được xử lí một cách khéo léo, nó sẽ khiến các quốc gia này lấn sâu thêm vào khủng hoảng và chịu sự chi phối của nước ngoài.
Chính sách "Đồng Nội tệ yếu" của Trung Quốc
Vấn đề liên quan đến chính sách duy trì đồng Nhân dân Tệ ở mức yếu của Trung Quốc cũng được đem lên bàn thảo tại Hội nghị lần này. Việc Chính phủ Trung Quốc can thiệp để kìm hãm giá trị của đồng Nhân dân tệ được đánh giá là đã tạo nên lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng cho hàng hóa Trung Quốc và làm méo mó cán cân thương mại toàn cầu mà mức thặng dư thương mại quốc gia này đạt được với Mỹ là một điển hình. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không có trong danh sách các nước phát triển G7 đã khiến tổ chức này bất lực trong việc phát ra những thông điệp mạnh mẽ. Thực tiễn đó đã khiến lời kêu gọi thả lỏng tiền tệ và giảm sự điều tiết của Chính phủ vào tỉ giá đồng tiền xét cho cùng cũng chỉ là những lời “nói cho nhau nghe” mà thôi.
Cắt giảm nợ cho Haiti, đúng nhưng chưa đủ
Một quyết định khác của G7 cũng dành được sự quan tâm của đông đảo công chúng là việc cắt giảm các khoản nợ cho Haiti, quốc gia Trung Mỹ vừa trải qua trận động đất lịch sử trong hôm 13/1 vừa qua. Động thái “hào hiệp” này mặc dù vậy chỉ mang ý nghĩa tinh thần hơn là thực chất khi mà nợ nước ngoài của Haiti đối với các nước thuộc G7 chỉ vào khoảng 1,2 tỷ USD, nhỏ hơn rất nhiều so với con số mà quốc gia này đang nợ các đối tác song phương khác như IMF, Venezuela và Đài Loan. Để quốc gia Carribe này vượt qua được tình trạng tồi tệ sau thảm họa động đất và tái xây dựng đất nước, sẽ cần nhiều hơn nữa sự "hào phóng" đến từ các nước phát triển.
Lời kết sau 35 năm?
Như vậy, lại một lần nữa Hội nghị G7 lại bộc lộ những hạn chế của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Việc thiếu vắng sự tham gia của các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil đã khiến tổ chức này ngày càng lúng túng trong việc đề ra cũng như thực hiện các giải pháp kinh tế một cách có hiệu quả. Không rõ Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính thuộc nhóm các nước Công nghiệp phát triển tại Canada 2/2010 liệu đã phải lần cuối nó được tổ chức chưa nhưng rõ ràng, sau 35 năm thành lập, có lẽ đã đến lúc G7 nên chấm dứt sự tồn tại của mình.
Sơn Tùng
Vietnamnet
|