Tranh chấp dầu mỏ Nga - Belarus chưa kết thúc
Trong khi Minsk khăng khăng yêu cầu Mátxcơva phải miễn thuế đối với toàn bộ khối lượng dầu mỏ mà Nga cung ứng cho nước này, trong khi Mátxcơva lại chỉ chấp thuận phương án không đánh thuế đối với khối lượng dầu mỏ vừa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Belarus, còn số dầu mà Belarus dùng để chế biến rồi xuất khẩu thì phải chịu thuế.
Cuộc tranh cãi này hiện vẫn chưa đến hồi kết, khiến nỗi lo sợ của người dân một số nước châu Âu, vốn đang phải chịu cái rét bất thường của mùa Đông năm nay, về nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn là hoàn toàn có cơ sở.
Xung đột lợi ích
Trên thực tế, việc Nga không đánh thuế đối với toàn bộ khối lượng dầu mỏ cung ứng cho Belarus đã được thực hiện vào đầu những năm 1990.
Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm ngân sách của Nga bị thất thu khoảng 3-5 tỷ USD, trong khi nhờ được hưởng chế độ thuế quan ưu đãi nên hàng năm Minsk nhập khẩu một khối lượng lớn dầu thô của Nga, năm 2009 hơn 25 triệu tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 6 triệu tấn, để chế biến và thực tế phần lớn số dầu này được đem bán cho các nước phương Tây, mang lại khoản thu đáng kể cho ngân sách nước này.
Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng như đã được giải quyết vào giữa những năm 1990, sau khi hai bên ký kết thỏa thuận song phương về các điều kiện cung ứng dầu mỏ, về điều khoản thuế quan xuất khẩu và xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Nhờ vậy, trong năm 1995 và 10 tháng năm 1996, Belarus đã trả cho Nga tổng cộng 8,5 triệu USD, nhưng sau đó, Nga không nhận được thêm đồng nào nữa và đến năm 2001, Belarus đơn phương hủy bỏ thỏa thuận trên.
Mối quan hệ giữa Mátxcơva và Minsk thực sự trở nên căng thẳng vào đầu năm 2007, sau khi Nga quyết định nâng mức giá bán khí đốt cho Belarus lên 180,7 USD/tấn. Để đáp lại, Belarus tuyên bố áp dụng mức phí trung chuyển khí đốt trên lãnh thổ nước mình rất cao là 45 USD/tấn.
Ít ngày sau, với lý do Mátxcơva không thanh toán những khoản thuế này, Belarus không cho dầu của Nga đi qua đường ống dẫn dầu "Druzhba", chạy qua lãnh thổ Belarus tới các nước Ba Lan, Đức, Séc, Slovakia và Hungary.
Tuy nhiên, cuối cùng Mátxcơva và Minsk cũng chấm dứt tranh cãi bằng việc ký kết một thỏa thuận, theo đó Nga vẫn giữ mức giá 100 USD/1.000m3 bán cho Belarus và không đánh thuế đối với toàn bộ khối lượng khí đốt cung ứng cho Minsk, đổi lại, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom được mua 50% cổ phần của đối tác Belarus Beltransgaz trong vòng 4 năm theo giá thị trường, với tổng trị giá 2,5 tỷ USD.
Sự “mặc cả” đúng lúc
Nga và Belarus bước vào năm nay mà không có bất cứ thỏa thuận nào về việc cung ứng và trung chuyển dầu mỏ, nhưng đây cũng là thời điểm mà Liên minh thuế quan gồm Nga, Kazakhstan và Belarus bắt đầu có hiệu lực, giúp Minsk có cái để "mặc cả" với Mátxcơva.
Vấn đề đã nảy sinh khi phía Nga cho rằng trong trường hợp hai bên không ký được thỏa thuận thì kể từ ngày 1/1, Belarus phải trả 100% thuế đối với toàn bộ khối lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Trước đó Nga đề nghị Belarus ký một thỏa thuận mà theo đó Mátxcơva sẽ không đánh thuế khối lượng dầu mỏ nhập khẩu tiêu thụ nội địa, nhưng Minsk không đồng ý.
Trong khi đó, Belarus tuyên bố, với tư cách thành viên Liên minh thuế quan, họ được hưởng chế độ thuế quan ưu đãi, nếu không Minsk sẽ rút khỏi liên minh này; đồng thời đe dọa sẽ tăng thuế trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này lên 2,5 lần.
Thế nhưng, Nga lại cho rằng vấn đề cung ứng dầu mỏ không nằm trong khuôn khổ Liên minh thuế quan. Theo Minsk, sở dĩ họ giữ lập trường cứng rắn là do lo ngại việc đưa vấn đề cung ứng dầu mỏ ra ngoài khuôn khổ Liên minh thuế quan sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Tiếp sau dầu mỏ có thể là khí đốt và điện năng và cũng rất có thể là các hàng hóa khác không thuộc nhóm hàng nguyên liệu thô cũng sẽ rơi vào cảnh tương tự. Chính sách loại trừ các nhóm hàng hóa sẽ khiến Liên minh thuế quan bị tổn hại và biến dạng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Liên minh thuế quan mang lại lợi ích kinh tế trước mắt cho Belarus và Kazakhstan nhiều hơn, nhưng về lâu dài lợi ích địa chính trị sẽ thuộc về Mátxcơva.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Belarus về vấn đề cung ứng dầu mỏ được bắt đầu từ cuối năm 2009 tiếp tục bế tắc, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hai bên sẽ nhượng bộ lẫn nhau./.
Dương Trí
Vietnam+
|