Chu kỳ bong bóng đầu tư trong kỷ nguyên tới?
Tham vọng, thiếu hiểu biết và những khoản vay dễ dàng đã trở thành những cái bẫy cho các nhà đầu tư cá nhân mong muốn kiếm lời nhanh chóng.
Họ đã không nhìn ra những rủi ro tiềm ẩn đối với doanh nghiệp Internet không có kế hoạch bán hàng, hay hàng nghìn ngôi nhà đắt ngoài khả năng thanh toán, để rồi kết thúc bằng việc bị tịch biên tài sản.
Trong suốt giai đoạn 2000-2009, một chuỗi bong bóng đầu tư đã vỡ tung, mở đầu là các công ty kinh doanh mạng dot.com và kết thúc bằng những vụ thế chấp và giá dầu mỏ. Xem ra kỷ nguyên tiếp theo cũng sẽ không có gì thay đổi.
David Darst, chiến lược gia đầu tư chủ chốt thuộc Morgan Stanley Smith Barney tại New York, cho biết: “Pets.com đã có một thị trường lớn hơn Exxon Mobil”, nhưng cuối cùng trang mạng này đã sập vào tháng 11/2000, chỉ 9 tháng sau khi nhận được số tiền đầu tư tổng cộng 82,5 triệu USD của giới thương gia.
Theo ông Darst, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục vấp ngã trên con đường tìm kiếm những hướng đi mới. Ông nói: “Bản chất của con người không thay đổi. Cho dù cơ chế thị trường thay đổi, nhưng nỗi e ngại và tham vọng của con người thì sẽ vẫn giống như những thập kỷ này và thế kỷ sau cũng thế”.
Dường như không thành vấn đề đối với nhiều thương nhân quỹ đầu tư phòng ngừa rủi ro và những nhà đầu tư chuyên nghiệp khác khi chỉ số S&Ps 500 đã trở lại giai đoạn hoạt động thua lỗ đầu tiên trong vòng một thập kỷ sau khi đã giảm 23% từ 1.469,25 điểm vào đầu năm 2000 xuống còn 1.126,20 điểm cuối năm 2009.
Hoặc chính họ hoặc các nhà đầu tư khác đã giúp tạo ra và sau đó phá hủy những bong bóng khiến các cổ phiếu trị giá 2.500 tỷ USD hôm nay đây ít hơn so với hồi đầu thập kỷ - đấy là chưa tính đến yếu tố lạm phát.
Hiện nay, những nhà đầu tư này đã tìm cách thoát khỏi rủi ro lớn gần nhất bằng cách chuyển hướng sang những nhà đầu tư khác.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp để giúp khôi phục lại nền kinh tế và điều đó có nghĩa là vẫn có những đồng tiền dễ dàng ở khắp nơi, giúp các thương gia thổi phồng giá mọi thứ từ cổ phiếu đến các loại hàng hóa như vàng.
Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường thuộc Prudential Financial, đang hoài nghi về đợt tăng giá vàng gần đây và đã tăng 24% trong năm 2009.
Bà nhận xét, dễ dàng nhận ra lý do tại sao vàng có thể là ở trong tình trạng bong bóng. Có nhiều nhà đầu tư đã mua vàng đang tung ra thông tin rằng lạm phát sẽ bắt đầu tăng do toàn bộ dòng tiền đều đổ vào hệ thống tài chính. Một trong sức hấp dẫn lớn nhất của vàng là công cụ nhằm chống lại lạm phát. “Nó sẽ trong cung bậc tăng lên, nhưng bản hòa tấu luôn có điểm dừng”.
Những con số từ thập kỷ vừa qua nói lên một câu chuyện đáng kinh ngạc: Chỉ số tổng hợp Nasdaq, được đẩy mạnh bởi làn sóng mua vào cổ phiếu của công ty dot.com bắt đầu vào cuối thập niên 90, đã lên tới 5.048,62 điểm vào tháng 3/2000, sau đó tụt sâu xuống 1.114,11 điểm trong năm đáy của thị trường 2002.
Nó đã tăng mức cao là 2.859,12 điểm vào tháng 10/2007, nhưng không ai hy vọng nó có thể trở lại mức cao nhất trước đó.
Những chỉ số này không phản ánh tình trạng lạm phát, thuế và phí, khiến giá trị thực của việc đầu tư còn thấp hơn nhiều.
Thornburg Investment Management, tổ chức chuyên phân tích giá trị của hoạt động đầu tư sau hàng thập kỷ, cho biết 100 USD đầu tư trong năm 1978 thì 30 năm sau đó sẽ đáng giá như 376 SD, sau khi cân nhắc các yếu tố lạm phát, các phí tổn và thuế.
Giá dầu thô, được hỗ trợ nhờ đồng USD yếu hơn cùng những e ngại rằng các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ sớm không thể đáp ứng được nhu cầu toàn cầu, đã tăng 71% chỉ trong vòng 6 tháng lên đến mức cao 147,27 USD/thùng trong tháng 7/2008. Nhưng sau đó mức giá này đã giảm mạnh xuống còn 33,87USD chỉ trong 5 tháng.
Sự tuột dốc không phanh đó khiến nhiều quỹ phòng ngừa rủi ro bị phá sản vì sự liều mạng tin rằng dầu sẽ tiếp tục leo thang.
Lãi suất vay mượn thấp và nhu cầu vô độ đối với khoản nợ thế chấp của giới đầu tư đã khiến việc cho vay trở nên dễ dàng. Điều này đã giúp hỗ trợ giá nhà ở và tiếp “nhiên liệu” cho hoạt động đầu cơ chứng khoán dựa trên những khoản thế chấp đầy rủi ro.
Theo chỉ số theo dõi 20 thành phố S&P/Case Shiller, từ đỉnh cao là vào tháng 4/2006, giá nhà sau đó đã giảm 31,9% xuống mức thấp vào tháng 5/2009. Theo đà đó, 2 ngân hàng đầu tư, mà đã mua các chứng khoán dựa trên những tài sản thế chấp, bị phá sản, chính phủ buộc phải chi hàng trăm tỷ USD để nâng đỡ nhiều ngân hàng thương mại.
Giá đậu tương và ngô đạt mức kỷ lục trong mùa hè năm 2008 khi lũ lụt càn quét khu vực Trung Tây và tàn phá những vùng đất trồng trọng điểm. Sáu tháng đầu năm, sản lượng ngô tăng nhanh hơn 60% và sản lượng đậu tương tăng hơn 30%.
Bước nhảy vọt trong giá cả là một mối lợi đối với nhiều thương gia, nhưng lại dẫn đến những cuộc bạo động lương thực ở châu Phi, châu Á, và West Indies (thuộc địa của Anh vùng Caribe). Khoảng tháng 12 năm ngoái, cả hai loại lương thực trên đã mất đi một nửa giá trị của chúng.
Vấn đề đặt ra là cái gì sẽ là bong bóng tiếp theo? Hay bong bóng ấy đã tồn tại rồi? Và các nhà đầu tư cá nhân phải bảo vệ tiền tiết kiệm của họ như thế nào?
Một vài nhà phân tích đã băn khoăn liệu có phải thị trường chứng khoán đã tạo ra bong bóng với sự hồi phục mạnh vào năm 2009 hay không. Những bong bóng đó có thể bao gồm chứng khoán trong thị trường mới nổi như Trung Quốc, nơi mà chỉ số Thượng Hải tăng tới 76,4% trong năm 2009.
Theo iMoneyNet Inc., các nhà đầu tư vẫn có 3.200 tỷ USD trong những quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ đang đợi để được đầu tư.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng với lượng tiền mặt sẵn có trong khi các nhà đầu tư đang thèm muốn những món lời lớn thì bong bóng vẫn có thể xảy ra mà không thể tránh được. Trong khi những dấu hiệu của sự bùng lên khó có thể phát hiện được.
Các nhà hoạch định chính sách cũng tỏ ra lo ngại. Mới đây, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng chính sách thiên về vay mượn rẻ có nguy cơ tạo thêm nhiều bẫy đối với giới đầu tư. Ông đã không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào về bong bóng đang nổi lên, nhưng cũng phải thừa nhận rằng để phát hiện ra bong bóng hình thành là điều “đặc biệt khó khăn”.
Các nhà phân tích nói cách tốt nhất để tránh những bong bóng khác là luôn luôn thận trọng đa dạng hóa, tiến hành đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là phải biết bỏ qua một vài hoạt động cao trào để tránh những mạo hiểm mà ngay cả những người chiến thắng cũng sẽ vấp ngã.
Bằng cách đầu tư dàn trải và tiết kiệm hơn nữa, các nhà đầu tư có thể tạo ra lớp đệm chống lại những điều mà nhiều nhà phân tích lo ngại sẽ dẫn đến sự phá sản do lãi suất thấp và tiền mặt dễ dãi tung ra nhằm khôi phục nền kinh tế.
Simon Laing, giám đốc Newton Investment Management Ltd. tại London, lưu ý rằng các nhà đầu tư đang sử dụng tiền vay được với mức lãi suất thấp ở Mỹ và châu Âu để mua cổ phiếu ở các thị trường khác, tạo ra viễn cảnh những bong bóng mới. Điều này xảy ra khi những hậu quả của các bong bóng trước đó vẫn đang gây trở ngại trong hiện tại.
Ông Laing nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa uống thuốc trị bệnh. Chúng ta đã trải qua cả thập kỷ những bong bóng và tôi nghĩ rằng chúng vẫn đang trong kịch bản tương tự”.
Chiến lược gia Krosby cho rằng các nhà đầu tư cá nhân không nên bị suy nghĩ lừa phỉnh rằng các nhà điều hành có thể giảm bớt những rủi ro trong 2 năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán dựa trên các tài sản thế chấp bị sụp đổ.
Bà nói: “Chúng ta vẫn đang trong một thế giới mà các thương gia chuyên nghiệp thống trị, cho dù vừa trải qua cuộc cách mạng điều hành đầy biến động”./.
Vietnam +
|