Thứ Ba, 05/01/2010 09:47

Số doanh nghiệp lên UPCoM không như kỳ vọng

Thị trường UPCoM (thị trường giao dịch chứng khoán doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết) được kỳ vọng nhiều, nhưng hiện số công ty đăng ký giao dịch vẫn chưa đạt được chỉ tiêu về hàng hóa đề ra trong giai đoạn 2 (gần 200 công ty) và còn khá khiêm tốn so với gần 1.000 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

* Thưa bà, con số công ty đại chúng lên sàn UPCoM quá ít so với kế hoạch ban đầu mà Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã đặt ra, tại sao như vậy?

- Sau sáu tháng vận hành thị trường UPCoM, có thể nhận thấy sự ra đời của thị trường UPCoM đã góp phần thúc đẩy quá trình tham gia thị trường do Nhà nước quản lý của các công ty đại chúng. Số công ty niêm yết tại hai Sở Giao dịch chứng khoán tăng từ 360 công ty (tại thời điểm khai trương UPCoM) lên đến 422 công ty hiện nay, số công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM tăng từ 10 công ty tại thời điểm khai trương, đến nay đã có 33 công ty.

Theo nhận xét của các công ty chứng khoán, khối lượng giao dịch của các chứng khoán này đã tăng lên đáng kể so với thời điểm trước khi tham gia thị trường.

Tuy nhiên, số lượng công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vẫn chưa đạt được chỉ tiêu về hàng hóa đề ra trong giai đoạn 2 (gần 200 công ty) và còn khiêm tốn. Theo chúng tôi, có một số nguyên nhân cơ bản như sau:

+ Nhiều công ty chưa hiểu biết đầy đủ về lợi ích khi tham gia thị trường do Nhà nước quản lý (thị trường niêm yết và thị trường UPCoM).

+ Các công ty chứng khoán làm thành viên hệ thống UPCoM tương đối nhiều nhưng chưa đầu tư đầy đủ nhân lực và nguồn lực phục vụ cho hoạt động của thị trường UPCoM.

- Cơ chế giao dịch của thị trường UPCoM còn mới, do đó chưa nhận được sự ủng hộ tích cực của các đối tượng tham gia thị trường...

* Vậy trong năm 2010, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có những đề xuất gì nhằm cải thiện tính thanh khoản cho thị trường UPCoM?

Năm 2010, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đặt mục tiêu nghiên cứu đánh giá kết quả phát triển các thị trường trong tổng thể phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó việc tiếp tục duy trì, phát triển thị trường UPCoM là giải pháp hiệu quả và cần thiết để đưa giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết vào dưới sự quản lý của Nhà nước.

- Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của thị trường UPCoM và ý kiến của các thành viên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện tính thanh khoản của thị trường UPCoM như sau:

+ Cải tiến phương thức giao dịch: Trước mắt, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đề xuất thực hiện cải tiến hình thức thỏa thuận điện tử sang hình thức khớp lệnh liên tục theo đề nghị của một số công ty chứng khoán để tăng tính thanh khoản của thị trường, giúp thành viên tiết kiệm được nhân lực phục vụ cho hoạt động giao dịch chứng khoán UPCoM. Về lâu dài, Sở sẽ nghiên cứu để có thể áp dụng một số phương thức giao dịch mới, phù hợp với cơ chế nhà tạo lập thị trường khi thị trường đã có đầy đủ điều kiện để triển khai.

+ Để tăng tính hấp dẫn của thị trường UPCoM, khuyến khích các đối tượng tham gia thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước điều chỉnh và bổ sung một số quy định về giao dịch trên thị trường UPCoM như nới lỏng biên độ giao dịch (từ 10% lên 20%), rút ngắn thời gian thanh toán vào sáng ngày T+3 (tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể giao dịch vào chiều ngày T+3), cho phép nhà đầu tư được đồng thời vừa mua vừa bán cùng một loại cổ phiếu trong một ngày giao dịch, cho phép Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mở rộng thời gian giao dịch hằng ngày (10g đến 15g) thành (8g30 đến 15g), thời gian nghỉ giữa phiên từ 11g30 đến 13g30...

* Hiện có đến 60% số công ty đại chúng chưa thông báo về kế hoạch đăng ký, lưu ký tập trung cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Trong khi đó, theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chậm nhất là 31-12-2009 các công ty đại chúng phải thực hiện việc thông báo. Nếu trong những tháng đầu năm 2010 các công ty đại chúng chưa kịp thông báo về Trung tâm Lưu ký chứng khoán thì sẽ bị xử lý như thế nào?

- Đối với các công ty đại chúng không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài chính ban hành nghị định bổ sung, sửa đổi một số điều của nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đối với các công ty đại chúng không tuân thủ quy định đăng ký, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ có các hình thức xử phạt.

Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cho phép các công ty này thực hiện phát hành thêm, về lâu dài có thể luật hóa đưa ra biện pháp kiên quyết hơn là không công nhận các kết quả phát hành của công ty đại chúng vi phạm.

Hồng Nhựt

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp (04/01/2010)

>   Tháng 12/2009: Giá trị giao dịch UPCoM đạt 53,84 tỷ đồng (04/01/2010)

>   Thêm 2 công ty được giao dịch trên UPCoM (04/01/2010)

>   UPCoM-Index tăng trong phiên cuối năm (31/12/2009)

>   UPCoM sẽ được “khơi thông” thanh khoản! (31/12/2009)

>   UPCoM chung vui cùng niêm yết (30/12/2009)

>   OTC: Vẫn án binh bất động (30/12/2009)

>   UPCoM-Index lại phá đáy  (29/12/2009)

>   Quanh việc mua bán cổ phiếu quỹ (29/12/2009)

>   “Làm đẹp” báo cáo tài chính cuối năm: Thật không? (28/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật