Thứ Ba, 26/01/2010 09:50

Sáng, tối kết quả kinh doanh quý IV/2009

Tính đến chiều 22/1, website của HOSE mới đăng tải báo cáo kết quả kinh doanh quý IV của 32 DN niêm yết. Nhưng cùng với các con số lợi nhuận ước tính được DN chủ động công bố trước đó, bức tranh lợi nhuận quý IV đang dần hé mở.

BĐS, hàng tiêu dùng vượt tài chính

Quý IV/2009, thị trường chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu BĐS. Và thực tế chứng tỏ đó là sự kỳ vọng hợp lý. Kết thúc quý IV, các DN BĐS công bố kết quả kinh doanh rất tốt: CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) ước tính lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm đạt 680,5 tỷ đồng, trong đó riêng quý IV đạt gần 345 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cả năm ước đạt 400 tỷ đồng LNST, trong đó riêng quý IV là 200 tỷ đồng… Các DN BĐS có quy mô nhỏ hơn cũng đạt kết quả ấn tượng: CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 72 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt mức kế hoạch điều chỉnh 36%; CTCP Sao Mai - An Giang (ASM) ước tính tối thiểu đạt 60 tỷ đồng LNST, gấp đôi kế hoạch… Xét về tổng thể nhóm ngành, các DN BĐS đang có kết quả kinh doanh tốt và đồng đều nhất.

Sau BĐS, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV: CTCP Nước giải khát Chương Dương (SCD) thông báo cả năm đạt 35,6 tỷ đồng LNST, trong đó riêng quý VI là 21,3 tỷ đồng, chiếm 60% lợi nhuận cả năm; CTCP Kinh Đô Miền Bắc (NKD) công bố LNST quý IV đạt 27,6 tỷ đồng, tăng 7 lần so với cùng kỳ. CTCP Kinh Đô thông báo nhanh cả năm đạt 578 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch điều chỉnh gần 50 tỷ đồng… Lợi nhuận của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng mạnh trong quý IV được lý giải bởi tính chu kỳ vào cuối năm. Nhóm cổ phiếu ngành đường có kết quả kinh doanh tốt do được hưởng lợi lớn từ việc giá bán tăng. CTCP Đường Biên Hòa (BHG) công bố lãi 120 tỷ đồng sau thuế, trong khi năm ngoái Công ty còn thua lỗ nặng.

Nhóm cổ phiếu ngành cao su tự nhiên hoàn thành kế hoạch sớm: CTCP Cao su Đồng Phú công bố vượt 140% kế hoạch năm 2009. Trước đó, các cổ phiếu trong nhóm như  PHR, HRC, TRC đã công bố đạt hoặc vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch thận trọng hồi đầu năm giảm phần nào ý nghĩa hoành tráng của các con số.

Trong ngành dược, mới chỉ có Imexpharm công bố lợi nhuận (vượt 17%), nhưng sự ổn định đặc thù của ngành cho phép giới phân tích dự báo DN ngành dược sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cả năm trung bình ở mức 2 con số.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thủy sản phân hóa mạnh. ABT, AAM gây chú ý khi vượt xa kế hoạch thì MPC, HVG công bố hoàn thành chỉ tiêu, riêng AGF ước tính LNST đạt 14,4 tỷ đồng, tương ứng 35% kế hoạch. Kết quả kinh doanh của ANV, BAS và nhiều DN thủy sản có lỗ lũy kế đang được chờ đợi nhưng với kỳ vọng khá dè dặt.

Theo truyền thống, nhóm cổ phiếu ngân hàng công bố lợi nhuận đều đặn và sớm nhất. Các ngân hàng hầu hết đã công bố vượt mức chỉ tiêu, dù con số khá khiêm tốn. Thiếu đột biến về lợi nhuận, khối lượng niêm yết khổng lồ tạo nên sức ỳ lớn, ngân hàng là tâm điểm ảnh hưởng của nguy cơ lạm phát và chính sách tiền tệ trong năm 2010…, là lý do giải thích phần nào tâm lý dè dặt của giới đầu tư với nhóm cổ phiếu "vua".

Bên cạnh ngân hàng, nhóm chứng khoán thể hiện các trạng thái khác nhau: Trong khi SSI, KLS, HCM công bố lãi lần lượt 269, 89, 59 tỷ đồng trong quý IV, thì CTS chỉ lãi nhẹ 9,8 tỷ đồng, AGR thậm chí còn lỗ hơn 48 tỷ đồng… Xét về mức vốn hóa và mức độ ảnh hưởng, nhóm cổ phiếu tài chính có tác động lớn nhất đến chỉ số VN-Index, nhưng đang mất dần vị thế do thiếu đột biến.

Những nốt trầm

Một con sóng lớn trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV có thể lỗi hẹn với nhiều NĐT khi hầu hết các tin tốt đã phản ánh vào giá. Tuy nhiên, trong xu thế giằng co của thị trường, sự phân hóa cổ phiếu đang trở nên khá rõ nét. Các DN hoạt động kinh doanh ổn định đang được NĐT tổ chức mua vào, đặc biệt trong những phiên giảm điểm mạnh. Ở phía đối lập, nhiều cổ phiếu chịu cảnh bán tháo khi kết quả kinh doanh quý IV không tốt. Hay đơn giản, kết quả bình thường nhưng như giọt nước làm tràn ly bởi kỳ vọng của NĐT quá lớn. Cổ phiếu TS4 của CTCP Thủy sản số 4 là một trường hợp điển hình. Ba quý đầu năm, TS4 công bố đạt lợi nhuận sau thuế gần 26 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quý IV, lợi nhuận của TS4 đã giảm mạnh, chỉ đạt 1,23 tỷ đồng. Sự thất vọng của giới đầu cơ dành cho TS4 là khá lớn khi  quý IV theo thông lệ là thời điểm vàng của các DN thủy sản và thị trường cũng đã có khá nhiều ước lượng về lợi nhuận Công ty sẽ hạch toán từ kinh doanh BĐS vào cuối năm. Sự thất thường về lợi nhuận của TS4 cho thấy tính chất hai mặt của các cổ phiếu "lưỡng tính" (phần lớn thu nhập từ BĐS nhưng hoạt động lõi trong một lĩnh vực khác) phụ thuộc khá lớn vào cách DN hạch toán kế toán.

Một cổ phiếu cũng chịu cảnh bán tháo trong vài phiên giao dịch vừa qua là VIP. Mặc dù đã có công văn giải trình của Công ty gửi cơ quan quản lý nhưng phản hồi với ĐTCK sau văn bản trên, nhiều NĐT vẫn bày tỏ quan điểm tiêu cực. Lý do sâu xa có thể bởi cơ chế hoạt động của VIP: là CTCP nhưng VIP vẫn vận hành giống như công ty nhà nước với cổ đông lớn Petrolimex chiếm 51% cổ phần. Mối quan hệ khá đặc thù này như một tấm đệm giúp VIP duy trì lợi nhuận khả quan trong 10 tháng đầu năm, lúc hầu hết các DN vận tải đều bầm dập (dự báo kết quả kinh doanh quý IV của các DN này cũng chưa khả quan). Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, chính mối quan hệ này cũng có thể tạo ra các quyết định "phi thị trường" - ngoài các nhân tố khách quan tác động đến lợi nhuận Công ty như biến động tỷ giá. Trường hợp của VIP có thể chỉ là phát súng mở màn về hiện tượng DN giảm lợi nhuận do biến động về tỷ giá.

Ngọc Giang

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   PPC đạt gần 4,421 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2009 (26/01/2010)

>   VIS: Lợi nhuận năm 2009 gấp 10 lần kế hoạch đề ra (26/01/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng thu nhập “bèo” (26/01/2010)

>   Năm 2009: LNST của S91 đạt hơn 5 tỷ đồng và SDU gần 52 tỷ đồng (25/01/2010)

>   Năm 2009, LNST của KBC đạt gần gấp đôi kế hoạch (25/01/2010)

>   BVS công bố lỗ hơn 21 tỷ đồng trong quý 4/2009 (25/01/2010)

>   13 công ty xin hạn nộp BCTC quý 4/2009 (25/01/2010)

>   Doanh thu của VNR đạt 46% kế hoạch năm (25/01/2010)

>   VGS đạt 1,116 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2009 (25/01/2010)

>   LIX: LNST 2009 xấp xỉ 111 tỷ đồng, vượt 25.7% kế hoạch (25/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật