Cổ phiếu ngân hàng thu nhập “bèo”
Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) vừa công bố lãi trong năm 2009 với mức khả quan. Qua con số lợi nhuận cho thấy tất cả đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng khá cao so với năm trước. Thế nhưng khi tính chỉ số thu nhập trên vốn điều lệ (tính trên lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại), nhiều nhà đầu tư cho rằng nó quá “bèo” so với những nhóm ngành khác.
Vốn tăng, thu nhập giảm
Hiện đã có 5/6 ngân hàng TMCP niêm yết trên sàn công bố lợi nhuận năm 2009. Xếp theo thứ tự thu nhập thì Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có mức lợi nhuận cao nhất. Theo báo cáo, năm qua, ACB đạt lợi nhuận trước thuế là 2.818 tỉ đồng (đã trích dự phòng rủi ro). Tạm tính, sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, lợi nhuận ròng là 2.113 tỉ đồng. Với số vốn điều lệ hiện tại xấp xỉ 7.780 tỉ đồng, thu nhập đạt 2.700 đồng/cổ phiếu.
Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), lợi nhuận trước thuế là 1.901 tỉ đồng, nếu sau khi trừ thuế thu nhập thì lãi ròng là 1.425 tỉ đồng và như vậy thu nhập đạt 2.100 đồng/cổ phiếu. Mã “bèo” nhất trong nhóm này là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (EIB). Theo công bố, EIB lãi ròng 1.144 tỉ đồng, với vốn điều lệ hiện tại là 8.760 tỉ đồng, thu nhập chỉ đạt 1.300 đồng/cổ phiếu... Qua số liệu công bố cho thấy so với các nhóm cổ phiếu như bất động sản, vật liệu xây dựng, dược, cao su... thì thu nhập cổ phiếu ngành ngân hàng thấp hơn nhiều lần.
Lý giải điều này, ông Lê Quang, một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm tại sàn giao dịch chứng khoán SSI, cho rằng trong năm qua, ngành ngân hàng gặp nhiều thuận lợi do chính sách rót vốn kích cầu, vì vậy hầu hết các đơn vị đều làm ăn thuận lợi nên thu lãi khá đồng đều. Nhưng do thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, số lượng ngân hàng thương mại tham gia hoạt động trên thị trường quá nhiều, làm cho chiếc bánh bị chia nhỏ ra nhiều phần nên thu nhập không còn hấp dẫn như trước. Mặt khác, do các đơn vị thường chạy đua tăng nhanh vốn điều lệ nên thu nhập ngày càng bị pha loãng. Chẳng hạn, đối với ACB, năm 2007, lợi nhuận ròng là 1.681 tỉ đồng, lúc đó vốn điều lệ chỉ có 2.630 tỉ đồng nên thu nhập đạt 6.400 đồng/cổ phiếu. Năm 2009, vốn điều lệ của ACB nâng lên đến 7.780 tỉ đồng (tăng 196% so với 2007) nhưng lãi ròng chỉ tăng gần 26%, vì vậy thu nhập trên cổ phiếu bị giảm mạnh.
2010 liệu có khả quan?
Chuyên gia Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, nhận định: “Năm 2010, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bị hạn chế nên lợi nhuận khó tăng cao. Một số dịch vụ như kinh doanh vàng qua tài khoản bị ngưng, kinh doanh ngoại tệ thiếu sôi động, chứng khoán tự doanh (do công ty con thực hiện) thiếu cơ hội lớn... nên nguồn thu nhập sẽ bị hẹp lại”. Được biết, năm 2010, nhiều ngân hàng không còn nguồn thu từ khoản trích dự phòng tài chính như năm trước nên cũng làm giảm nguồn thu. Tín dụng bất động sản và tín dụng kích cầu bùng nổ thời gian trước có thể để lại nhiều khoản nợ xấu cho ngân hàng. Để phòng ngừa rủi ro, ngân hàng phải trích dự phòng làm cho lợi nhuận có nguy cơ bị cắt giảm.
Khi phân tích giá trị cổ phiếu, các chuyên gia thường coi P/E (hệ số thị giá/thu nhập) là quan trọng. Đối chiếu với mức giá hiện tại, P/E của nhóm ngân hàng ở khoảng từ 11 – 17,7 lần. Như vậy, so với nhiều nhóm cổ phiếu khác đang giao dịch trên thị trường có P/E chỉ ở mức 6 – 8 lần thì cổ phiếu ngân hàng đang được định giá hơi cao, cho nên nếu năm nay không có lợi nhuận đột biến, mức giá khó cải thiện. Mặt khác, do lượng cổ phiếu giao dịch đang có xu hướng nhiều thêm (vì năm nay sẽ có nhiều ngân hàng niêm yết) nên thị trường sẽ tràn ngập cổ phiếu ngân hàng, làm cho nhà đầu tư thấy ngán.
Trần Phú Minh
người lao động
|