Quy định mới có mâu thuẫn với luật?
Ngày 4-1-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2010/NĐ-CP quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Theo đó, các công ty cổ phần hay công ty chuyển đổi sang hình thức cổ phần muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư (dưới 100 nhà đầu tư) phải đăng ký thủ tục tùy theo lĩnh vực kinh doanh với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Công ty chỉ được tiến hành chào bán khi nhận được thông báo của cơ quan quản lý dưới hình thức công bố “Danh sách tổ chức chào bán cổ phần riêng lẻ" hay sau 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp vi phạm nghị định này mức xử phạt tối đa lên đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, công ty còn phải báo cáo kết quả chào bán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chào bán và phải sử dụng số tiền thu được đúng mục đích của việc huy động ban đầu. Nếu muốn thay đổi phải được Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị (được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền) thông qua.
Một yếu tố hết sức quan trọng là nghị định đã quy định về hạn chế thời gian chuyển nhượng của các cổ đông mới mua cổ phần trong một năm kể từ khi hoàn thành đợt chào bán.
Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ hạn chế quyền chuyển nhượng của cổ đông sáng lập trong 3 năm. Nghị định 14/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán chỉ hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ.
Như vậy, quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông trong vòng một năm kể từ khi hoàn thành đợt chào bán như được nêu tại nghị định này có thể đã mâu thuẫn với luật hiện hành?
Luật sư Trần Văn Trí
TBKTSG
|