Thứ Năm, 21/01/2010 21:35

Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái kép

Nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhanh chóng từ suy thoái, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái kép trong trường hợp nhu cầu của khu vực tư nhân không đủ sức thay thế cho biện pháp kích cầu của các chính phủ.

Trong báo cáo kinh tế toàn cầu đầu tiên kể từ tháng 6/2009, công bố ngày 20/1, WB tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới năm nay.

WB dự báo, kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2010, từ mức dự báo 2% đưa ra trong báo cáo trước. Ngoài ra, mức suy giảm của kinh tế toàn cầu trong năm 2009 cũng được WB ước tính còn 2,2%, so với mức dự báo 2,9% trước đây.

WB cũng tiếp tục duy trì mức dự báo tăng trưởng 3,2% cho kinh tế thế giới năm 2011. Tuy nhiên, tổ chức này đưa ra một bức tranh ảm đạm hơn cho năm sau và cả thời gian sau đó, dựa trên cơ sở các điều kiện tín dụng còn thắt chặt, trong khi các chính phủ bắt đầu giảm dần các biện pháp kích thích tăng trưởng, vốn được xem là chưa từng có tiền lệ.

“Nếu khu vực tư nhân tiếp tục tiết kiệm để tạo sự cân bằng cho bảng cân đối kế toán của họ, suy thoái kép với sự suy giảm sâu hơn của tăng trưởng trong năm 2011 hoàn toàn là điều có thể xảy ra, đặc biệt xét tới ảnh hưởng của việc kết thúc các biện pháp kích thích tài khóa đối với kinh tế thế giới”, báo cáo của WB có đoạn viết.

Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới hiện đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng trong một khoảng thời gian đủ để nhu cầu của khu vực tư nhân phục hồi tới mức cần thiết, nhưng lại không được duy trì quá lâu các biện pháp này, vì nếu làm vậy có thể sẽ tạo ra những rủi ro về nợ xấu và bong bóng tài sản.

Ông Hans Timmer, Giám đốc World Bank Prospects Group, bộ phận thực hiện bản báo cáo, cho rằng, còn quá sớm để tính tới chuyện kết thúc các gói kích cầu. Theo ông, ngoài việc tính toán thời gian rút lui các biện pháp kích cầu, các chính phủ cần xác định xem dạng hỗ trợ tăng trưởng nào là cần thiết. “Thay vì chỉ kích cầu, các chính phủ cần tập trung vào các biện pháp có tác dụng thực sự làm tăng năng suất của nền kinh tế, vì đó là cách triệt để nhất để giúp kinh tế thế giới phục hồi”, ông Timmer phát biểu.

Ông cũng cho rằng, sự phục hồi mạnh của các nền kinh tế đang phát triển - đầu tàu của kinh tế thế giới hiện nay - một phần là nhờ các chương trình kích thích kinh tế của các nước như Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ đặt mục tiêu kích cầu mà còn nhằm gia tăng năng suất trong nền kinh tế.

Theo ông Timmer, triển vọng tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển trong năm tới sẽ tươi sáng hơn nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập cao, vì tiềm năng tăng trưởng hạn chế trong những ngành công nghiệp truyền thống vốn đang đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng tại các quốc gia này.

WB nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2010 cho các nước phát triển lên mức 1,8% từ mức 1,3% trong báo cáo tháng 6/2009. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng cho nhóm nước này trong năm 2011 bị giảm xuống 2,3% từ mức 2,4%.

Trong khi đó, các nước đang phát triển được WB dự báo tăng trưởng 5,2% trong năm nay và 5,8% trong năm 2011, so với mức dự báo tương ứng lần lượt 4,4% và 5,7% trong năm 2011 trong báo cáo trước.

“Kinh tế thế giới không còn phụ thuộc vào thị trường Mỹ nhiều như trước. Ngày nay, nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào hoạt động đầu tư tại các nước đang phát triển, và đó là lý do tại sao quá trình đầu tư cần phải được hỗ trợ”, ông Timmer phát biểu.

Tuy nhiên, theo ông Timmer, các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với một môi trường bên ngoài nhiều khó khăn hơn ở thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng, do việc thắt chặt các quy định giám sát tài chính và sự lo ngại rủi ro ở các nền kinh tế phát triển sẽ làm gia tăng chi phí vốn và hạn chế thanh khoản. Theo WB, các điều kiện cấp vốn bị thắt chặt sẽ tốc độ tăng trưởng tiềm năng của các nước đang phát triển khoảng 0,2-0,7% trong 7 năm tới.

WB cho rằng, các dòng vốn tư nhân chảy vào các nước đang phát triển sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn sau khi suy giảm mạnh từ mức kỷ lục 1.200 tỷ USD trong năm 2007. WB dự báo, các dòng vốn này sẽ tăng lên mức 517 tỷ USD trong năm nay từ mức 364 tỷ USD trong năm 2009. Theo ngân hàng này, cách tốt nhất để các nước đang phát triển đối phó với chi phí vay vốn tăng cao ở bên ngoài là đẩy mạnh việc phát triển thị trường và hệ thống tài chính trong nước.

Báo cáo của WB nhận định, kinh tế Mỹ có thể đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và 2,7% trong năm 2011. Các mức dự báo dành cho khu vực sử dụng đồng Euro là 1% trong năm 2010 và 1,7% trong năm sau. Nhật Bản được dự báo sẽ đạt mức tăng GDP 1,3% trong năm nay và 1,8% trong năm 2011.

Trong số các nước đang phát triển, Trung Quốc được WB dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng, với mức tăng 9% trong năm nay và năm tới, tiếp đó là kinh tế Ấn Độ với mức tăng dự báo 7,5% trong năm 2010 và 8% trong năm 2011, Brazil với 3,6% và 3,9%...

Kiều Oanh (Theo Wall Street Journal)

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Hongkong là nền kinh tế tự do nhất thế giới (21/01/2010)

>   Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại trong năm (21/01/2010)

>   Thế giới đã chi 2.600 tỷ USD kích cầu kinh tế (21/01/2010)

>   Suy thoái kinh tế: Giàu mà khổ! (21/01/2010)

>   Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8.7% trong năm 2009 (21/01/2010)

>   Vốn FDI toàn cầu giảm gần 40% trong năm 2009 (21/01/2010)

>   Kinh tế thế giới năm 2010 thực sự khó khăn (20/01/2010)

>   Trung Quốc với 123 nghìn tỷ USD? Không thể! (20/01/2010)

>   Thủ tướng TQ: Đẩy nhanh điều chỉnh mô hình kinh tế (19/01/2010)

>   Châu Á dẫn đầu sự phục hồi kinh tế toàn cầu?  (19/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật