Lợi nhuận quý IV: Nhiều DN...đi lùi
Đến trưa 26/1 đã có 96 báo cáp tài chính quý lV/2009 được công bố trên website của Sở GDCK TP.HCM (HOSE). Tương tự, tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), bên cạnh số ít DN niêm yết xin nộp trễ, hơn 100 DN đã công bố BCTC quý IV. Xét tổng thể lợi nhuận cả năm của hầu hết DN đều đạt mức khả quan. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều DN đã lỗ hay giảm mạnh lợi nhuận trong quý IV.
Tỷ giá và dự phòng kéo lợi nhuận thụt lùi
Quý IV/2008, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do biến động tỷ giá JPY/VND. Vào cuối năm 2009, rủi ro của khoản vay nợ hơn 34 tỷ yên tiếp tục là nhân tố chính kéo lợi nhuận của Công ty đi xuống, khi PPC thua lỗ tiếp 75,7 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là CTCP Xăng dầu VIPCO (VIP) phải điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận do biến động tỷ giá (ước 35 tỷ đồng).
Lợi nhuận của một số DN trong quý IV cũng bị ảnh hưởng mạnh khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá vào tháng cuối năm: CTCP Xi măng Hà Tiên 1, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 28,4 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Công ty chưa công bố BCTC chi tiết, nhưng theo phỏng đoán của bộ phận phân tích nhiều CTCK, khoản vay nợ ngoại tệ có thể là nguyên nhân chính; CTCP Vận tải Xăng dầu VITACO (VTO) lỗ do chênh lệch tỷ giá thực hiện trong quý IV là 28,9 tỷ đồng..., tăng gấp 3 lần so với năm trước.
Kết thúc năm 2009, VN-Index đóng cửa ở mức 494,77 điểm, thấp hơn nhiều mức 580,9 điểm trước đó 3 tháng. Sự suy giảm này kéo theo kết quả kinh doanh của một loạt CTCK đi xuống: trong quý IV, CTCK Bảo Việt (BVS) lỗ hơn 21 tỷ đồng, trong đó BVS phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 75 tỷ đồng.
Tương tự, CTCK Ngân hàng Nông Nghiệp (AGR) lỗ hơn 48 tỷ đồng trong quý IV. AGR chưa công bố thuyết minh BCTC nên khó định lượng các khoản dự phòng tác động đến lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, giải trình của công ty này gửi HOSE thì lý giải, khoản lỗ của AGR chủ yếu là do bán trái phiếu (lỗ) trong tháng 12.
Một số CTCK khác có kết quả kinh doanh nghèo nàn trong quý IV như CTCK Ngân hàng Công thương. Quý IV, Công ty chỉ lãi nhẹ 9,8 tỷ đồng so với số lãi hơn 50 tỷ đồng trong quý III. Sự thua lỗ hay suy giảm lợi nhuận của khối CTCK trong quý IV cho thấy tính chất không ổn định của ngành khi lợi nhuận phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thị trường.
Sản xuất và dịch vụ đều gặp thử thách
Một số ẩn số ngành thủy sản đã lộ diện với kết quả kinh doanh kém cỏi: quý IV, CTCP Nam Việt công bố lỗ 100,7 tỷ đồng, sau khi quý II đã lãi nhẹ 4,7 tỷ đồng. Như vậy trong 5 quý gần nhất ANV đã lỗ tới 4 quý với số tổng lỗ lũy kế hơn 300 tỷ đồng. Sự thua lỗ của một trong các DN xuất khẩu cá tra và ba sa lớn nhất nước đã được mổ xẻ khá nhiều và cũng là khó khăn chung của ngành thủy sản. Nhiều DN mất các thị trường chiến lược, giá bán và đơn hàng đều giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế. Tín hiệu lạc quan duy nhất tại ANV qua BCTC quý IV là lượng hàng tồn kho và nợ ngắn hạn tại Công ty đã giảm mạnh.
Trong khối sản xuất công nghiệp cũng xuất hiện những DN thua lỗ. Trong quý IV CTCP Dây và Cáp điện Taya (TYA) Việt Nam lỗ gần 560 triệu đồng, con số tuy không lớn nhưng cho thấy hiệu quả kinh doanh của TYA thất thường, dao động như đồ thị hình sin: từ giữa năm 2008 tới nay, cứ một quý TYA lãi, thì quý kế tiếp lại lỗ .
Là các DN gây ấn tượng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên sang quý IV lợi nhuận của một số công ty sản xuất công nghiệp lớn cũng đã sụt giảm mạnh: CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP) công bố lợi nhuận sau thuế trong quý IV chỉ đạt 46 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với quý III; CTCP Cao su Đà Nâng công bố lợi nhuận quý IV đạt 93 tỷ đồng, giảm gần 30 tỷ đồng so với quý trước. Điều này cho thấy, thời kỳ vàng khi các công ty tận dụng được yếu tố đầu vào giá rẻ đang dần chấm dứt.
Trong ngành dịch vụ, một số DN cũng có kết quả kinh doanh không khả quan: CTCP Du lịch Vinpearlland (VPL) công bố 37 tỷ đồng trong quý IV, khiến lợi nhuận cả năm giảm mạnh. Lý do kéo kết quả kinh doanh của VPL thụt lùi là chi phí tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 120 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (SED) thua lỗ gần 500 triệu đồng trong quý IV. Thời gian tới, với việc lãi suất cho vay có xu hướng tăng cao, lợi nhuận của các DN nhiều ngành có "truyền thống" vay nợ có nguy cơ tiếp tục tụt giảm.
Bên cạnh các công ty đã công bố BCTC, thị trường đang tiếp tục chờ đợi kết quả kinh doanh của các DN đã lỗ lũy kế trong 9 tháng đầu năm như: CTCP Ba sa; CTCP Đầu tư và Thương mại Điện Quang (DQC); CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI); CTCP Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (VSP)...
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|