> >
Thứ Sáu, 08/01/2010 10:32

Kỳ vọng UpCOM

Ngày 24.6.2009, sàn giao dịch dành cho Cty đại chúng chưa niêm yết chính thức hoạt động với mục tiêu từng bước đưa vào kiểm soát TTCK tự do. NĐT cũng kỳ vọng có thêm một lựa chọn tốt cho những ai muốn “đãi cát tìm vàng”, nhất là khi biên độ giá lớn hơn nhiều HoSE và HNX.

Tuy nhiên, những kỳ vọng đó chưa đạt được khi nhiều hạn chế vẫn chưa được thay đổi.

Thiếu hàng, thanh khoản thấp

Tính đến ngày 7.1, sàn UpCOM mới có 35 Cty đại chúng đưa CP lên giao dịch. Đây là một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu 200 Cty của giai đoạn hai sau khi “thử nghiệm” với dưới 10 Cty lúc sàn mới đi vào hoạt động. Nếu so với mục tiêu lớn nhất là thu hẹp thị trường tự do thì có lẽ còn xa mới đạt được vì chỉ riêng số Cty đại chúng đã đăng ký cũng vào khoảng 1.000 DN.

Theo đánh giá của Sở GDCK Hà Nội (HNX), một số Cty đại chúng, nhất là các ngân hàng thương mại – những tổ chức trong “tầm ngắm” khả thi nhất khi mới vận hành thị trường này – chưa muốn tham gia vì còn có một số lợi ích cục bộ khác.

Dễ thấy điều này khi các CTCK hiện tham gia quản lý sổ cổ đông và tổ chức giao dịch CP cho DN hay chính các Cty đại chúng đặc biệt là ngân hàng tự quản lý sổ cổ đông cũng không muốn tham gia vì phải từ bỏ một số lợi ích thu được từ hoạt động chuyển nhượng. Các ngân hàng cũng muốn hướng tới các sàn lớn hơn như HoSE hay HNX. Ngay cả với nhóm CTCK là những đối tượng “nòng cốt” của sàn UpCOM cũng chưa nhiệt tình.

Mặc dù UBCKNN đã gửi công văn từ ngày 22.4.2009 yêu cầu các CTCK phải đăng ký giao dịch trên thị trường UpCOM nhưng hiện tại mới chỉ có 6/12 CTCK là Cty đại chúng đăng ký giao dịch.

Mặc dù thủ tục lên sàn UpCOM được giảm thiểu tối đa nhưng các CTCK vẫn chưa tích cực trong vai trò hỗ trợ DN. HNX cho biết một số CTCK đóng vai trò là tổ chức cam kết hỗ trợ cũng không thực hiện tốt vai trò của mình trong việc hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch. Trên thực tế, hầu hết các DN này lại tự liên hệ để sở hỗ trợ hoàn tất các thủ tục.

Đối với NĐT, sàn UpCOM được đánh giá là rất thiếu thông tin về DN và rất ít CTCK hỗ trợ. Đây cũng là điều dễ hiểu vì đa số nguồn lực của CTCK hiện vẫn tập trung cho hai sàn niêm yết, nhất là trong bối cảnh thị trường này ấm lên.

Trong khi DN trên sàn UpCOM rất đa dạng về tiêu chuẩn, khả năng “đãi cát tìm vàng” hoàn toàn phụ thuộc vào phân tích thông tin. Rất hiếm CTCK cung cấp các bản phân tích cơ bản cho khách hàng trong khi những bản phân tích như vậy có thể dễ dàng tham khảo đối với Cty trên sàn niêm yết.

Mặt khác, về cơ chế giao dịch, UpCOM cũng kém linh hoạt hơn nhiều. Các CTCK chưa tận dụng ưu thế của phương thức giao dịch thoả thuận một cách hiệu quả. Nhiều Cty đã không chủ động trong việc chia lệnh để thực hiện lệnh với khách hàng, ảnh hưởng đáng kể đến tính thanh khoản trên thị trường.

Những thay đổi đột phá

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, PGĐ HNX, việc có không nhiều DN đăng ký giao dịch trên UpCOM trong năm 2009 một phần do thực trạng thị trường chung suy giảm rất mạnh, một phần do cơ chế giao dịch còn chưa khuyến khích được tính thanh khoản. Cả hai vấn đề này sẽ khác trong năm 2010. Kế hoạch cho năm nay HNX sẽ đưa thêm 150-200 DN vào đăng ký giao dịch.

Đặc biệt, liên quan đến cơ chế giao dịch của UpCOM, HNX đã có những đề xuất mới tập trung đẩy mạnh tính thanh khoản và tạo hấp dẫn cũng như nét riêng cho sàn này. Cụ thể, HNX đã kiến nghị UBCK điều chỉnh và bổ sung một số quy định về giao dịch như nới lỏng biên độ giá từ 10% lên 20%; rút ngắn thời gian thanh toán vào sáng ngày T+3 để NĐT có thể giao dịch vào chiều ngày T+3; cho phép đồng thời vừa mua vừa bán cùng một loại CP trong một ngày giao dịch; mở rộng thời gian hoạt động của sàn hàng ngày từ 8h30 đến 15h00... Đặc biệt, phương thức giao dịch sẽ được thay đổi từ thỏa thuận điện tử sang khớp lệnh liên tục.

Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN cho rằng, phương thức giao dịch liên tục sẽ giống với HoSE hay HNX, nhưng nếu NĐT hoan nghênh và tạo thanh khoản tốt thì sẽ được áp dụng. UBCK tới đây sẽ tập trung xây dựng một bộ tiêu chí công bố thông tin theo các cấp độ khác nhau. Chẳng hạn với HoSE là nơi tập hợp các Cty lớn thì tiêu chuẩn công bố thông tin sẽ chặt hơn nhiều, HNX sẽ thấp hơn và UpCOM đơn giản hơn nữa.

Ông Bằng đánh giá, việc phân tầng như vậy sẽ giúp các DN có bước tập dượt và có kế hoạch phù hợp khi lựa chọn niêm yết, mặt khác giúp giảm gánh nặng đối với DN vì tiêu chuẩn chung hiện tại sẽ gây khó khăn và ngần ngại đối với các DN nhỏ.

Sau gần 8 tháng họat động, UpCOM đạt đỉnh cao nhất là 100,64 điểm ngày 17.8 và thấp nhất là 49,77 điểm ngày 29.12.2009. Báo cáo của HNX cho biết, đã thực hiện chuyển 17.878 kết quả giao dịch sang hệ thống của TTLK để thực hiện bù trừ, thanh toán với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 497 tỉ đồng, bình quân đạt 4,4 tỉ đồng/phiên.

Hoàng Nguyên

Lao Động


>   TSC dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX (08/01/2010)

>   Thị trường OTC “sống dậy”  (08/01/2010)

>   Tài Nguyên thành lập CTCP Đầu tư khoáng sản Dầu khí Điện Biên  (08/01/2010)

>   HNX: Chấm điểm CTCK trước khi giao dịch trực tuyến (08/01/2010)

>   Dè dặt cho vay chứng khoán (08/01/2010)

>   Cơ hội tăng thanh khoản (08/01/2010)

>   HNX sẽ chính thức triển khai giao dịch thông sàn từ ngày 9/2 (07/01/2010)

>   Doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu trên sàn (07/01/2010)

>   GIL kéo dài thời gian lấy ý kiến cổ đông dời trụ sở công ty (07/01/2010)

>   Người giàu nhất sàn chứng khoán dự báo thị trường (07/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật