Thứ Sáu, 15/01/2010 17:42

Kinh tế thế giới 2010 và những thách thức cơ bản

Theo đánh giá sơ bộ của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi và tăng 3,1% năm 2010 sau khi giảm 1,1% năm 2009, chủ yếu nhờ các nền kinh tế châu Á với mức tăng trưởng GDP thực đạt gần 5% sau khi tăng 1,75% trong năm 2009, những nền kinh tế mới nổi khác có tốc độ phục hồi khiêm tốn. Các nưóc phát triển chỉ tăng 1,25% sau khi giảm 3,5% trong năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp còn cao cho đến cuối năm. Trên toàn cầu, tốc độ phục hồi nhìn chung rất chậm và hoạt động kinh tế vẫn còn kém xa thời điểm trước khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư còn bị ám ảnh bởi đại suy thoái 1929-1933 và những tổn thất vừa qua.

Rủi ro tăng trưởng tuy đã qua đi nhưng chưa chắc chắn, nhất là rủi ro ngắn hạn, gây gián đoạn cho quá trình phục hồi, nếu các chính phủ rút bỏ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ quá sớm. Nhìn chung, kinh tế toàn cầu còn mong manh và dễ bị tổn thương trước các cú sốc, kể cả khả năng tăng giá dầu, sự tái diễn của cúm H1N1 và các sự kiện chính trị. Ngoài ra là rủi ro trung hạn, chủ yếu tại các nước phát triển với mức thâm hụt ngân sách khá cao. Trên toàn cầu, tăng trưởng bền vững trong thời kỳ trung hạn sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng ổn định nguồn cung và tái cân bằng nhu cầu.

Về nguồn cung, sản lượng trung hạn dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với trước khủng hoảng và thấp xa mức sản lượng tiềm năng. Đầu tư phục hồi chậm chạp, nhất là tại các nền kinh tế bị tác động mạnh của khủng hoảng, trong đó tình trạng phá sản hoặc tái cơ cấu làm trầm trọng thêm chất lượng vốn đầu tư, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao trong thời kỳ trung hạn tại một số nước phát triển. Điều này đòi hỏi phải tái cơ cấu các tổ chức tài chính và thị trường tài chính nhằm đảm bảo cung cấp tín dụng đầy đủ cho nền kinh tế, tạo việc làm và tăng năng suất lao động, khôi phục các hệ thống tài chính, cải thiện quản trị doanh nghiệp và ngân hàng, hỗ trợ đầu tư công, cải cách mạng lưới an sinh xã hội.

Về nhu cầu, nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực khôi phục nguồn cung và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần điều chỉnh nhu cầu trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, những nền kinh tế đạt thặng dư cán cân thương mại cần thúc đẩy nhu cầu trong nước và tăng nhập khẩu, góp phần bù đắp mức cầu giảm sút tại các nền kinh tế bị thâm hụt tài khoản vãng lai, nhất là Hoa kỳ, Vương Quốc Anh và một số nước châu Âu.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách phải có kế hoạch giảm dần can thiệp của chính phủ, nhưng cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi nhằm củng cố khu vực tài chính và phục hồi kinh tế bền vững. Việc rút bỏ sớm chính sách kích thích kinh tế có thể gây ra rủi ro lớn hơn trong ngắn hạn, trong khi việc xây dựng các chiến lược trung hạn sau khủng hoảng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì niềm tin vào khả năng thanh toán của ngân sách quốc gia, ổn định tài chính và giá cả.

Vấn đề chủ chốt mà các NHTW đang đối mặt là khi nào bắt đầu thắt chặt CSTT và làm thế nào để thu hẹp bảng cân đối tài sản tại NHTWvốn đã mở rộng quá mức để khắc phục hậu quả khủng hoảng. Trong đó, bảng cân đối tài sản tại NHTW nên được giảm dần tùy theo biện pháp can thiệp và tiến độ cải thiện các điều kiện thị trường. Phần lớn NHTW các nước phát triển có thể duy trì các điều kiện nới lỏng trong thời gian dài hơn vì lạm phát dường như vẫn ở mức thấp khi chênh lệch sản lượng thực và tiềm năng còn lớn và việc thắt chặt CSTT cần dựa vào ảnh hưởng của kết quả giảm dần những hỗ trợ ngân sách. Tuy nhiên, một số nền kinh tế mới nổi có thể xóa bỏ các điều kiện tiền tệ nới lỏng sớm hơn, đồng thời thực hiện cơ chế tỉ giá linh hoạt hơn nhằm tránh rủi ro bong bóng giá tài sản, thắt chặt CSTT nhằm tránh nhập khẩu chính sách nới lỏng dễ dàng từ các nước phát triển.

Các NHTW cần chuẩn bị công cụ giảm dự trữ của các NHTM nhằm thắt chặt các điều kiện tiền tệ, nếu nhu cầu trong nước và giá tài sản tăng quá mức thì nên tăng cường thắt chặt CSTT nhằm kiềm chế lạm phát ở mức có thể kiểm soát được.

Mặc dù thâm hụt ngân sách và nợ công còn cao tại nhiều quốc gia, chính sách tài khóa nới lỏng cần được duy trì cho đến khi kinh tế hồi phục bền vững và giảm thiểu rủi ro. Sau thời gian đó, cần giảm mạnh thâm hụt ngân sách và khắc phục khó khăn dài hạn thông qua việc đẩy nhanh cải cách tài chính công. Điều này đòi hỏi phải có các khuôn khổ tài chính mạnh mẽ, các quy định tài khóa phù hợp và chế tài thực thi đủ mạnh, góp phần giảm bớt sức ép chi tiêu khi kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, củng cố lòng tin của nhà đầu tư, chủ động đối phó với các cú sốc trong tương lai.

Việc lành mạnh hóa khu vực tài chính đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi xu hướng tăng trưởng bền vững. Trong đó, tái cơ cấu các công ty tài chính là chìa khóa để nối lại hoạt động cho vay bình thường. Điều này đòi hỏi phải làm sạch bản cân đối tài sản, bổ sung vốn cho các NHTM, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với các mô hình huy động mới và các khuôn khổ hoạt động an toàn mới. Thách thức chủ yếu hiện nay là chất lượng tài sản có tiếp tục xấu đi trong khi tiến độ xóa bỏ các tài sản chất lượng xấu khỏi bảng cân đối tài sản ngân hàng rất chậm chạp. Về vấn đề này, cần hoạch định chiến lược phù hợp để cấp vốn bổ sung và tái cơ cấu các ngân hàng có khả năng tồn tại, đồng thời có giải pháp thận trọng đối với những ngân hàng không có khả năng tồn tại, khắc phục những rào cản chính trị. Trong hai năm tới, các ngân hàng còn phải đối mặt với rủi ro sai lệch kỳ hạn và điều này làm tăng rủi ro thanh khoản, đòi hỏi phải rút bỏ các chương trình hỗ trợ một cách từ từ, sử dụng các sáng kiến thị trường để giảm bớt sự ỷ lại vào hỗ trợ của khu vực công.

Về cải cách thể chế, cần chú ý bốn thách thức đặt biệt. Thứ nhất, mở rộng phạm vi và tính linh hoạt của các quy định điều tiết các thể chế quan trọng để ngăn chặn sự tích tụ tiếp tục của các định chế tài chính hiện được coi là “quá lớn để sụp đổ.” Thứ hai, tăng cường kỷ luật thị trường thông qua minh bạch thông tin và cải cách quản trị ngân hàng. Thứ ba, các qui định an toàn vĩ mô phải thuyết phục các ngân hàng tăng vốn và trích lập dự phòng rủi ro. Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức đặt ra bởi sự khác biệt về thể chế giữa các quốc gia.

Thay lời kết, kinh tế thế giới năm 2010 tiếp tục phục hồi, nhưng rủi ro còn lớn do việc cắt giảm các khoản hỗ trợ để giảm thâm hụt ngân sách còn gặp khó khăn, trong khi chính phủ muốn nhanh chóng khôi phục sản xuất, nhiều nhà đầu tư còn gặp khó khăn và dè dặt trong việc trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng tạo việc làm và thu nhập.

Ts. Hoàng Thế Thỏa

SBV

Các tin tức khác

>   WEF: Nợ công có thể dẫn đến khủng hoảng mới (15/01/2010)

>   ECB tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 1% (14/01/2010)

>   WB: Bong bóng tài sản đe dọa phục hồi kinh tế (14/01/2010)

>   Nền kinh tế Anh đã hoàn toàn thoát khỏi suy thoái (14/01/2010)

>   ADB: Kinh tế Châu Á sẽ tăng trưởng 6.6% trong năm 2010 (14/01/2010)

>   Triền vọng kinh tế Nhật Bản năm 2010 (14/01/2010)

>   Kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2009 (13/01/2010)

>   Canada không thực hiện gói cứu trợ thứ hai (13/01/2010)

>   Nỗi lo ngược đời của Trung Quốc (13/01/2010)

>   Moody's dự báo triển vọng kinh tế thế giới 2010 (12/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật