Thứ Tư, 13/01/2010 11:12

Nỗi lo ngược đời của Trung Quốc

Thành tựu của Trung Quốc ngày nay

Trong khi phần còn lại của thế giới cố gắng hồi phục từ suy thoái thì Trung Quốc lại cố làm chậm phát triển kinh tế.

Sợ phát triển quá nhanh

Bắc Kinh hôm 12/1 quyết định hạn chế mọi loại hình cho vay có nguy cơ cao, vốn có thể tạo ra bong bóng nhà đất như từng xảy ở Mỹ. Chính quyền yêu cầu các ngân hàng dự trữ nhiều vốn hơn và ngân hàng trung ương cũng tăng lãi suất tiền gửi một năm.

Cũng phải hứng chịu suy thoái kinh tế như nhiều quốc gia khác nhưng Trung Quốc đã hồi phục rất nhanh. Nước này hy vọng làm nguội tốc độ cho vay sẽ giữ cho kinh tế phát triển mà không tạo ra lạm phát hay quá nóng.

Các nước khác sẽ theo dõi: Họ sẽ trông mong một nền kinh tế Trung Quốc khỏe khoắn và dòng chảy bình ổn về nhu cầu hàng hóa.

Chính phủ Trung Quốc có động thái trên sau khi giá lương thực và các khoản vay ngân hàng tăng vọt trong tuần đầu tiên của tháng 1.

"Đó chỉ là một bước nhỏ hướng tới việc giảm bớt một khối lượng đồ sộ những kích thích mà chính phủ Trung Quốc tạo cho nền kinh tế của nước này", Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại trang web phân tích Economy.com của công ty Moody.

Trung Quốc bơm 4 nghìn tỷ NDT (khoảng 586 tỷ USD) vào nền kinh tế trong năm 2009 và 2010 thông qua các công trình công cộng và giúp các ngành công nghiệp. Khoảng 30% số tiền được xuất từ Bắc Kinh, phần còn lại từ chính quyền địa phương, các công ty nhà nước và ngân hàng.

Chính phủ Mỹ đã cảnh cáo các quốc gia khác không nên rút các khoản viện trợ kích thích cho tới khi sự hồi phục toàn cầu trở nên chắc chắn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tư nhân nhận xét, hành động của Bắc Kinh rất sáng suốt do tốc độ cho vay ở Trung Quốc tăng vọt. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, bong bóng bất động sản có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Biện pháp kiềm chế

Vì chính phủ Trung Quốc có thể ra lệnh cho các ngân hàng thuộc quản lý nhà nước thực hiện các khoản vay nên chính phủ nước này thành công hơn chính phủ Mỹ trong việc nới lỏng dòng chảy tín dụng. Hiện, việc vay ngân hàng ở Mỹ vẫn đang bị siết chặt kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, bất chấp gói hỗ trợ 700 tỷ USD đã được thực thi để trợ giúp các tổ chức tài chính.

Năm ngoái, theo lệnh chính quyền, các ngân hàng Trung Quốc cho vay 1,3 nghìn tỷ USD từ tháng 1-10, gấp đôi mức năm 2008. Tại Mỹ, các khoản vay tại những ngân hàng lớn nhất vào tháng 10/2009 giảm 9% so với một năm trước, số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, ngân hàng Trung Quốc có thể mắc kẹt với những khoản vay xấu và hồi tháng 7/2009, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm cho vay.

Được trợ giúp từ những biện pháp kích thích của chính phủ, kinh tế Trung Quốc dự đoán sẽ tăng trưởng 8,3% trong năm nay, theo dự báo của nước này. Kinh tế Mỹ được cho là đang phát triển đúng hướng vào thời điểm này với mức tăng trưởng hàng năm là 2-3%.

Trung Quốc hiện phải đối mặt với sức ép từ Mỹ và nhiều đối tác thương mại khác, vốn cho rằng Bắc Kinh hỗ trợ các công ty của Trung Quốc một cách không đúng đắn bằng các khoản trợ cấp và rào cản thị trường. Điều này làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến thương mại có thể bùng nổ vào thời điểm Bắc Kinh tích cực bảo vệ việc làm.

Hành động của Trung Quốc hôm 12/1 tới sớm hơn dự đoán. Các nhà phân tích cho rằng việc này có thể xuất phát từ những báo cáo rằng các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 600 tỷ NDT, khoảng 88 tỷ USD trong tuần đầu tiên của tháng 1, gấp đôi tổng số khoản vay trong tháng 12/2009. Việc tiền chảy qua nền kinh tế giúp tăng giá bất động sản và cổ phiếu và lãnh đạo Trung Quốc lo ngại giá lương thực sẽ tăng cao khi đây là vấn đề chính trị nhạy cảm.

Giá nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã tăng mạnh kể từ cuối 2008 với mức trung bình là hơn 1.700 USD/m vuông, tăng gấp đôi mức 3 năm trước, báo cáo tháng 12 của nhà quản lý trái phiếu Mỹ là Pimco cho thấy. Giá lương thực ở Trung Quốc tăng 0,6% vào tháng 11 sau 9 tháng sụt giảm.

Bắc Kinh hiện cũng đang hạn chế "tiền nóng" từ nước ngoài đổ về nước nhằm đầu cơ chứng khoán và bất động sản. Nội các Trung Quốc hôm 10/1 yêu cầu siết chặt hơn nữa việc kiểm soát dòng chảy vào của tiền nước ngoài.

Bất chấp việc hạn chế cho vay, lãnh đạo Trung Quốc đã chấn an công chúng rằng kích thích chi tiêu sẽ vẫn tiếp diễn trong 2010.

Hoài Linh (Theo AP)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Moody's dự báo triển vọng kinh tế thế giới 2010 (12/01/2010)

>   Năm 2010 - năm tốt lành đối với kinh tế châu Phi (12/01/2010)

>   "Châu Á vượt qua khủng hoảng một cách thần kỳ"  (12/01/2010)

>   Triển vọng các nền kinh tế châu Á năm 2010 (11/01/2010)

>   Nền kinh tế Anh vẫn "mắc cạn" trong năm 2010  (11/01/2010)

>   WTO: Không chắc thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2010 (10/01/2010)

>   Malaysia có thể vượt mục tiêu hút FDI năm 2009 (10/01/2010)

>   Châu Âu - mắt xích yếu của kinh tế thế giới 2010 (10/01/2010)

>   Châu Á có thể sẽ sớm xem xét chính sách kinh tế (10/01/2010)

>   Mỹ: 2,3 tỷ USD để tạo “việc làm xanh” (09/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật