DN sữa, rượu bia, thuốc lá....nộp thuế nhiều nhất
Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp tại TP.HCM năm 2009 giảm, nhiều DN nộp thuế giảm đến 74% so với năm 2008.
Măc dù số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tại TP.HCM năm 2009 được 47.336 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2008, nhưng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp lại chỉ đạt 15.509 tỷ đồng, bằng 82% so với chỉ tiêu đề ra.
Theo Cục Thuế TP, doanh nghiệp nộp thuế giảm nhiều nhất trong năm là TCT thương mại Sài Gòn với mức giảm đến 74,3%, sau đó là công ty CP đại lý liên hiệp vận chuyển giảm 74%.
Những DN có mức giảm đáng kể khác là công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức 62%, công ty CP Himlam 42,8%, công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng 30,4%, công ty ô tô ISUZU 22,4%, công ty Cảng hàng không Miền Nam 15%...
Cũng theo Cục Thuế TP, ngoài một số ít DN trong nước, còn lại, việc nộp thuế giảm tập trung chủ yếu ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số thu từ thuế thu nhập DN của khu vực này năm nay chỉ đạt 88,6% so với dự toán.
Ngược lại, với một số DN khác, 2009 là năm rất đáng ghi nhận khi mức thuế nộp vào của họ tăng lên đáng kể, như Công ty cổ phần sữa Việt Nam tăng 100%, Ngân hàng TMCP Á Châu tăng 92,8%, Công ty CP Mercedes-Benz Việt Nam tăng 61%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tăng 48%, Công ty liên doanh Lever Việt Nam tăng 47,5%, nhà máy Bia Việt Nam tăng 29,6%, Công ty thuốc lá Bến Thành tăng 23,4%, nhà máy thuốc lá Sài Gòn tăng 21,8%, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM tăng 20% v.v…
Năm 2009, tổng thu thuế trên địa bàn TP.HCM là 78.173 tỷ đồng, đạt 103,09% dự toán pháp lệnh. Trong đó, một số loại thu đã vượt dự toán như tiền sử dụng đất (đạt 239%), thuế nhà đất (đạt 124%), tiền thuê đất (153%), phí trước bạ (đạt 138%)…
Nợ thuế tại TP tiếp tục tăng thêm 550 tỷ đồng
Mặc dù Cục thuế TP.HCM đã sử dụng nhiều biện pháp vận động, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế nhưng số tiền thuế và tiền phạt còn nợ năm 2009 tại TP.HCM vẫn tăng cao so với năm trước.
Tính đến nay, số nợ chờ xử lý, chờ điều chỉnh do khiếu nại tăng hơn 550 tỷ đồng. Đơn cử như nợ của các đơn vị: Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, Vinametric, Công ty cổ phần Tân Tạo…
Theo lãnh đạo Cục thuế TP, tình trạng này xuất phát từ việc không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ nộp thuế để chiếm dụng tiền thuế này làm vốn kinh doanh.
“Lãi suất ngân hàng - dù đã tăng theo cơ chế lãi suất thoả thuận - nhưng cũng không phải dễ mà tiếp cận được nguồn vốn này. Do vậy, nhiều DN chấp nhận nộp phạt (do chậm nộp thuế) với lãi suất 1,5%/tháng, thậm chí nhiều DN còn cố tình khiếu nại để kéo dài thời gian nộp thuế nhằm sử dụng tiền thuế này giải quyết vốn sản xuất – kinh doanh cho đơn vị”, lãnh đạo ngành thuế lý giải. |
Hạ Liên
vietnamnet
|