Doanh nghiệp cố tình không xuất hóa đơn VAT: Có sự dung dưỡng?
Sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” đăng trên Báo SGGP phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) bán hàng không xuất hóa đơn, trốn thuế, bán hàng lậu, chúng tôi đã gặp lãnh đạo nhiều cơ quan thuế. Lý giải về vấn đề này, hầu hết đều viện dẫn hàng loạt cái khó và cho rằng đã làm hết mình. Nhưng thực tế ra sao? Nhiều ý kiến cho rằng cán bộ thuế tự tìm… khó, tự “bịt mắt” mình, nên nhiều DN lớn tiếp tục vi phạm kéo dài?
“Đại gia” nào thách thức pháp luật?
Như đề cập của chúng tôi trong những bài trước là việc bán hàng không xuất hóa đơn đã giúp cho DN tự kê thuế âm, trốn thuế thu nhập DN, chiếm đoạt thuế VAT mà người dân đóng cho Nhà nước (vì giá bán đã có VAT), dễ dàng cho hàng lậu tràn vào thị trường… Và qua đợt kiểm tra ngay sau khi báo đăng, cơ quan chức năng đã phát hiện hầu hết DN đều bán hàng lậu! Vậy mà đến nay, sau hơn 4 tháng, khi chúng tôi quay lại thì nhiều “đại gia” vẫn ngang nhiên vi phạm, thách thức pháp luật.
Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim (67 đường Trần Hưng Đạo quận 1) vẫn xuất “phiếu tạm ứng/xuất kho nội bộ” dù chúng tôi mua chiếc tivi LCD với giá gần chục triệu đồng, được giao hàng tận nhà. Cửa hàng điện máy Phong Vũ (góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cũng thế, bán hàng với phiếu tạm xuất không tên tuổi. Để “lách” luật, DN này lại đẩy trách nhiệm cho khách hàng với câu: “Sau khi kiểm tra xong hàng hóa, quý khách vui lòng đến quầy xuất hóa đơn VAT” - trong khi luật quy định phải xuất hóa đơn ngay khi nhận tiền bán hàng.
Có lẽ DN hiểu trên thực tế có nhiều người mua hàng không cần lấy hóa đơn, nhất là để có hóa đơn lại phải xếp hàng chờ đợi. Khách hàng không lấy, thế là cửa hàng tự tung tự tác.
Tương tự là khu mua bán điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang dù đã được báo chí phản ánh nhiều lần về tình trạng khai thấp doanh số bán ra nhưng đến giờ vẫn không thực hiện xuất hóa đơn đầy đủ. Công ty TNHH TM DV Vương Quỳnh Trinh và cửa hàng Hoàng Vinh (trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình) cũng vậy, vẫn chỉ xuất “phiếu giao hàng” cho khách hàng dù giá trị hàng hóa lên đến chục triệu đồng!
Cán bộ tự... bó tay mình?!
Hơn ai hết, cán bộ thuế là người hiểu việc bán hàng không xuất hóa đơn là nguyên nhân chính giúp DN trốn thuế. Bởi khi cơ quan thuế nhận được báo cáo thuế thì sự việc đã diễn ra ít nhất 1 tháng, do vậy chỉ có thể kiểm tra trên… giấy tờ, mà việc “cân đối” đầu vào – đầu ra hợp lý trên giấy tờ thì rất đơn giản! Trong khi đó, nếu DN xuất hóa đơn ngay thì khách hàng có thể đối chiếu giá bán và giá ghi trong hóa đơn, còn nếu DN không xuất ngay cho khách mà sau đó tự “xuất bỏ” thì DN có thể xuất thấp hơn giá bán, thậm chí xuất lỗ để tự điều chỉnh doanh số bán mà chẳng cơ quan nào kiểm tra được.
Không xuất hóa đơn cho khách hàng, nhiều DN có thể khai lỗ để được khấu trừ thuế VAT, không phải đóng thuế thu nhập DN hoặc khai có lãi ít để đóng thuế… cầm chừng. Như vậy rõ ràng việc kiểm tra xuất hóa đơn khi bán hàng sẽ đồng thời kiểm tra được doanh số bán đúng với thực tế, DN khó có thể báo cáo “âm”, từ đó hàng lậu, hàng không có hóa đơn chứng từ sẽ khó lọt vào thị trường.
Thế nhưng, công tác kiểm tra của các cơ quan thuế đã bị buông lỏng trong nhiều năm qua. Không ít DN đã “béo bở” lên từ việc không xuất hóa đơn và cân đối báo cáo thuế này. Trước đây, sau khi Báo SGGP lên tiếng, các cán bộ thuế lý giải do mức phạt thấp nên không đủ răn đe DN. Dư luận khó chấp nhận lời giải thích này, bởi như Trung tâm điện máy Nguyễn Kim, doanh số mỗi ngày đến vài tỷ đồng, đã bị báo chí phản ánh hơn chục lần, đến nay đã qua 4 tháng (doanh số bán khoảng 700 - 800 tỷ đồng), nhưng cơ quan thuế chỉ xử phạt… 2 lần (lần đầu phạt 10 triệu đồng, lần 2 với tình tiết tái phạm nên phạt 17 triệu đồng).
Đúng là cơ chế pháp luật quá lạc hậu, số tiền phạt không đủ “gãi ngứa” DN, nhưng rõ ràng, các cơ quan chức năng đã không kiên quyết, thiếu chủ động, kiến nghị lên cấp trên xử lý triệt để. Dù báo chí nhiều lần lên tiếng, Tổng cục Thuế cũng trả lời trên Báo SGGP về nhiều giải pháp sẽ triển khai để chấn chỉnh tình hình nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn vi phạm hàng ngày, ngân sách bị thất thu. Sự thiếu kiên quyết đó đã là mảnh đất tốt cho các hành vi vi phạm kéo dài, khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao cán bộ không phát hiện được vi phạm trong khi ai cũng thấy?
Thi Hồng - Chế Hân
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|