Thứ Ba, 19/01/2010 09:13

Con thuyền kinh tế toàn cầu chòng chành vì Trung Quốc?

Để kích thích nền kinh tế đất nước, chính phủ Trung Quốc đã ghìm giá đồng Nhân dân tệ so với USD. Tuy nhiên, việc làm đó không chỉ gia tăng sự thiếu cân bằng kinh tế toàn cầu mà rốt cuộc còn có thể làm hại cả chính Trung Quốc.

Mới chỉ hơn 1 năm trước đây, Hoàng Phạm Anh, 55 tuổi, còn đang vật lộn giữ cho công ty của ông không vướng vào nợ nần. Là chủ tịch công ty sản xuất bật lửa Nhậm Phong Ôn Châu, ông Hoàng buộc phải để gần 500 công nhân về nhà nghỉ sớm do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bản thân ông cũng chẳng có mấy việc để làm ngoài xem tivi trong một căn hộ xa xỉ ở thành phố công nghiệp Ôn Châu, miền đông Trung Quốc.

Hiện tại, việc kinh doanh đã khôi phục hoàn toàn trong các nhà máy ở Ôn Châu, nơi cung cấp cho thế giới những hàng hoá rẻ tiền, từ bật lửa cho tới cáp điện. Tại Nhậm Phong Ôn Châu, các công nhân mặc đồng phục màu xám siết chặt những bộ phận nhỏ xíu bằng kim loại vào vỏ các bật lửa - những sản phẩm sau đó được bán cho người hút thuốc ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Do lời lãi ít, không quá 5% nên ông Hoàng cẩn thận điều chỉnh công việc của các nam, nữ công nhân trẻ trong nhà máy của mình nhằm loại bỏ những động tác không cần thiết. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp của ông sống sót qua khủng hoảng chủ yếu nhờ chính phủ của ông và quyết định ghìm giá đồng Nhân dân tệ so với USD một lần nữa vào mùa hè năm 2008.

Vật chống đỡ

Bắc Kinh đang sử dụng chính sách trên để đảm bảo rằng, các nhà máy của đất nước họ có thể tiếp tục xuất khẩu sản phẩm với giá rẻ hơn. Vì giá trị của đồng USD đã suy giảm đáng kể, đồng Nhân dân tệ cũng giảm cùng với nó, mất tới gần 17% giá trị so với đồng Euro năm 2009.

Cùng lúc đó, tỉ giá hối đoái thấp nhân tạo này đóng vai trò như vật chống đỡ, giúp chính phủ Trung Quốc bảo vệ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không lâm vào thất bại. Đây là lí do duy nhất cho việc xuất khẩu của Trung Quốc chỉ giảm 1,2% trong tháng 11/2009, tương đương cùng kỳ một năm trước đó, đưa Trung Quốc thay thế Đức trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Nhiều người ở phương Tây nhìn nhận cường quốc kinh tế đang lên này như một động cơ phát triển vĩ đại, góp phần đưa phần còn lại của thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Chính phủ Bắc Kinh đã thúc đẩy nền kinh tế nội địa bằng một gói kích thích khổng lồ trị giá 4.000 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 580 tỉ USD), mang tới các khoản đầu tư vào việc xây dựng đường bộ, đường sắt và sân bay khắp đất nước. Các động thái giảm thuế hào phóng để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng đắt tiền như xe hơi, cũng là một phần trong gói kích thích này.

Tuy nhiên, với nền kinh tế xuất khẩu khổng lồ của họ, Trung Quốc đã gia tăng những sự bất cân bằng toàn cầu bằng chiến lược tỉ giá hối đoái hiếu chiến - cùng kiểu bất cân bằng vốn, đã một phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất - và do đó, cần phải được điều chỉnh.

Trung Quốc cũng có nguy cơ làm dấy lên các cuộc xung đột thương mại mới, kéo dài, đặc biệt với các nước lân cận. Kể từ đầu cuộc khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc đã bắt đầu chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang các nước láng giềng thay vì nhắm tới châu Âu và Mỹ, nơi việc kinh doanh sụt giảm.

Hàng loạt vụ kiện bán phá giá

Một số nước láng giềng đã bắt đầu thực thi các biện pháp đề phòng. Việt Nam mới đây đã giảm giá đồng nội tệ xuống 5%, khiến việc nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi sự tấn công ào ạt của hàng hoá Trung Quốc. Ấn Độ cũng gửi hàng loạt đơn khiếu nại về việc bán phá giá tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể cả một vụ liên quan tới giấy nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Tương tự, Indonesia đã tìm cách bảo vệ nước này trước mặt hàng móng tay giá rẻ của Trung Quốc bằng cách áp thuế bảo hộ.

Ngược lại, các công ty phương Tây hầu như vẫn không mấy quan tâm về chính sách tỉ giá hối đoái của Bắc Kinh. Các nhà sản xuất những mặt hàng giày dép, khoan điện hoặc máy tính giá rẻ ở Trung Quốc để bán cho các thị trường nội địa nước này không có lí do gì để phàn nàn. Và rất nhiều doanh nghiệp Đức, đặc biệt là những hãng sản xuất máy cơ khí, có thể vẫn bán được sản phẩm của họ trong địa hạt của đồng Nhân dân tệ giá thấp vì các khách hàng người Trung Quốc thường sẵn sàng trả giá cao hơn cho chất lượng Đức.

Tuy nhiên, ở châu Âu và Mỹ, ngày càng có nhiều sự phản đối chính sách duy trì phát triển nền kinh tế đất nước nhưng về cơ bản gây bất lợi cho phần còn lại của thế giới mà Trung Quốc đang theo đuổi. Trên khắp đất nước Trung Quốc, giới quan chức cấp tỉnh đang thi đua mở rộng các nhà máy quốc doanh tại địa phương cũng như xây dựng những cơ sở mới. Chỉ riêng ngành công nghiệp thép của nước này đã tăng thêm 1/3 công suất chỉ trong khoảng thời gian 2 năm.

Do đó, thế giới phải gắng chống đỡ trước một làn sóng các hàng hoá "made in China" giá rẻ mới. "Không may là, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều vụ khiếu nại bán phá giá hơn đối với Trung Quốc trong nửa sau năm 2010", Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh, dự đoán.

Vào cuối tháng 12/2009, EU đã áp thuế chống phá giá 64,3% lên mặt hàng khung kim loại của Trung Quốc vốn được sử dụng cho ngành công nghiệp xe hơi. Tương tự, Mỹ cũng đang bảo vệ nước này bằng cách thực thi các mức thuế suất mới đối với các ống thép và lốp Trung Quốc giá rẻ. Bắc Kinh doạ trả đũa bằng cách áp thuế tượng trưng đối với thịt gà và ô tô Mỹ.

Con dao hai lưỡi

Trớ trêu thay, Trung Quốc, với chính sách ghìm giá đồng Nhân dân tệ, rốt cuộc sẽ làm hại bản thân họ hơn đối với bất kỳ nước nào khác - giống như một bệnh nhân đang hồi phục liều lĩnh tìm tới nhiều loại thuốc hơn. Để giữ đồng Nhân dân tệ ở mức giá thấp, ngân hàng trung ương Trung Quốc phải liên tục mua vào USD. Vì vậy, đất nước này đã tích luỹ được dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trị giá 2.300 tỉ USD.

Trung Quốc đầu tư khoảng 2/3 quỹ dự trữ vào đồng USD, chủ yếu trong các trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên khi đồng USD tiếp tục giảm giá, giá trị của việc đầu tư này cũng sẽ giảm theo đó.

Dẫu vậy, cho tới hiện tại, Trung Quốc vẫn từ chối tham gia vào một cuộc tranh luận về sự phụ thuộc chặt chẽ của nền kinh tế đất nước họ vào các tỉ lệ hối đoái bị thao túng. Tại một cuộc gặp với các đại diện EU ở Nam Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng bác bỏ một đề xuất về việc ông giảm tỉ giá trao đổi giữa đồng Nhân dân tệ với đồng USD để kiểm soát xuất khẩu tràn lan, là "không công bằng". Ngay cả Tổng thống Mỹ  Barack Obama, trong một chuyến thăm mới đây tới Trung Quốc, cũng không sẵn lòng ra sức thuyết phục giới lãnh đạo nước chủ nhà về chủ đề chính trị cấm kỵ này.

Vấn đề dường như đã trở thành một điều gây bối rối cho các lãnh đạo Bắc Kinh, đặc biệt đối với mục tiêu đã công bố về việc cân bằng các tài khoản tiền gửi của Trung Quốc với những nước khác vào cuối năm 2010.

Mục tiêu này là nhiệm vụ của những người như Dư Vĩnh Định, cựu cố vấn của ngân hàng trung ương Trung Quốc, 61 tuổi. Ông Dư hiện có một văn phòng trên tầng 15 của Viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh, một cơ quan cố vấn có uy tín của chính phủ. Từng được coi là người có tầm nhìn xa trông rộng hàng đầu cho một cường quốc thế giới, ông Dư nhận thấy bản thân cần phải bảo vệ trọng trách của cuộc đời mình.

Ông Dư kỉ niệm thành tựu vĩ đại nhất của mình vào ngày 21/7/2005 khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tên gọi chính thức của ngân hàng trung ương Trung Quốc) tăng một mức không đáng kể giá của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, đồng thời dỡ bỏ việc ghìm giá Nhân dân tệ so với đồng tiền Mỹ. Kể từ đó, thay vì nhất quyết giảm giá so với USD, Nhân dân tệ đã dao động trong giới hạn xác định so với rổ tiền tệ, bao gồm nhiều loại tiền khác nhau trên thế giới.

Động thái này đã dẫn tới việc tăng 22% giá trị của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD vào tháng 11/2008. Các nhà cải cách giống như ông Dư, những người tưởng tượng rằng Trung Quốc đang trên đà tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào đồng tiền yếu, đã vui mừng coi sự điều chỉnh là một bước khởi đầu mang tính tượng trưng. Họ cũng tin rằng, đồng Nhân dân tệ với giá cao hơn sẽ giảm chi phí nhập khẩu của Trung Quốc, kích thích tiêu dùng cá nhân và giúp Trung Quốc gia nhập hàng ngũ các nước công nghệ cao về dài hạn. "Chúng ta không thể để Mỹ khai thác chúng ta vô hạn định như một quốc gia có đồng tiền yếu", ông Yu nói.

Nguy cơ bong bóng vỡ

Mặc dù vậy, trong cơn suy thoái toàn cầu, các nhà cải cách sớm nhận ra bản thân họ đứng về phe bảo hộ. Một trong các nhà cải cách này là Chu Tiểu Xuyên, thống đốc ngân hàng trung ương. Ông Chu đã định ra tỉ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ theo sự chỉ đạo của chính phủ với mục đích làm bất cứ điều gì có thể để tăng cường xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu tăng GDP thêm 8%. Các dự báo ban đầu chỉ ra rằng, trong thực tế, GDP của Trung Quốc thậm chí còn tăng nhiều hơn trong năm 2009, tới 9%.

Dẫu vậy, với cơ chế tỉ giá hối đoái cứng nhắc, ông Chu cũng đang nuôi dưỡng bong bóng kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Một số ngoại tệ mà ông buộc phải liên tục rút khỏi thị trường để củng cố đồng Nhân dân tệ, sau đó được tái bơm vào vòng quay tiền tệ dưới dạng khả năng thanh khoản tăng cao. Những khoản vay lãi suất thấp từ các ngân hàng đang gián tiếp nhen nhóm tình trạng đầu cơ lan tràn về chứng khoán và bất động sản.

Nếu Mỹ đột ngột tăng tỉ lệ lãi suất, bong bóng kinh tế này có thể vỡ vụn. Thực tế, thông qua việc ghìm giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, Trung Quốc cuối cùng biến bản thân phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Mỹ. "Không ai biết đồng USD sẽ xuống thấp tới mức nào hay liệu Mỹ có đột ngột chấm dứt chính sách tháo khoán tiền tệ của họ hay không?", nhà kinh tế Lâm Cường thuộc Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu nhấn mạnh.

Dẫu vậy, nhiều cộng sự Trung Quốc của ông Lâm, ngược lại, nhìn nhận việc ghìm giá đồng USD là một biểu tượng của chủ quyền quốc gia thay vì sự phụ thuộc khó chịu. "Phương Tây càng yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ, chính phủ sẽ càng ít đáp ứng", cựu cố vấn ngân hàng trung ương Dư nói.

Trong khi đó, nhà sản xuất bật lửa họ Hoàng đang đặt hy vọng vào việc đồng Nhân dân tệ vẫn được định giá thấp. Ông bộc bạch: "Nếu Bắc Kinh tăng giá đồng Nhân dân tệ lên 1,5% thì tôi sẽ phá sản".

Thanh Bình (Theo Spiegel)

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: Lạm phát tăng nhanh (18/01/2010)

>   Một cách nhìn khác về nguy cơ lạm phát cao ở Mỹ (18/01/2010)

>   Anh sẽ đối mặt với một thập kỷ kinh tế khó khăn (18/01/2010)

>   Đông-Nam Á dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế (16/01/2010)

>   10 quốc gia có nguy cơ chết chìm trong nợ (16/01/2010)

>   Kinh tế thế giới 2010 và những thách thức cơ bản (15/01/2010)

>   WEF: Nợ công có thể dẫn đến khủng hoảng mới (15/01/2010)

>   ECB tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 1% (14/01/2010)

>   WB: Bong bóng tài sản đe dọa phục hồi kinh tế (14/01/2010)

>   Nền kinh tế Anh đã hoàn toàn thoát khỏi suy thoái (14/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật