Thứ Năm, 07/01/2010 08:44

CMC dành 2 triệu USD cho quỹ phát triển công nghệ

CMS - Một thương hiệu máy tính thành công của CMC Corp trên thị trường.

Vào giữa tháng 1/2010, Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Corporation) sẽ chính thức lên sàn tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, với hơn 63,5 triệu cổ phiếu (với mã cổ phiếu là CMG) được giao dịch. Ông Hà Thế Minh, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC đã trao đổi một số thông tin liên quan.

Thưa ông, tại sao đến thời điểm này, CMC mới chính thức chào sàn?

Chúng tôi đã dành 2 năm để chuẩn bị các thủ tục và điều kiện cần thiết, lựa chọn thời điểm để có thể thực hiện lên sàn sao cho có lợi nhất cho các cổ đông. Do đó, chúng tôi tin tưởng, giữa tháng 1 này là thời điểm rất thích hợp cho việc lên sàn của CMC. CMC sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới nhanh hơn và mạnh hơn.

Trước khi lên sàn, cơ cấu cổ đông của CMC được phân bố như thế nào và dự kiến sau khi lên sàn có gì thay đổi?

Tại thời điểm này, cổ đông trong nước đang nắm giữ hơn 97% và tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nội bộ là 64%, đây là một tỷ lệ lớn.

Tuy nhiên, hiện lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) - viễn thông của Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nên sau khi lên sàn, cơ cấu cổ đông của CMC sẽ thay đổi. Chúng tôi chào đón tất cả các nhà đầu tư  mang lại cho CMC những hỗ trợ không chỉ về tài chính, mà còn mang lại cơ hội hợp tác về công nghệ, bí quyết kinh doanh.

CMC đặt mục tiêu đạt doanh thu 500 triệu USD vào năm 2012. Vậy CMC dựa vào căn cứ nào để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

Trước hết là nhìn vào sự tăng trưởng chung của thị trường, thị trường CNTT và viễn thông nói chung vẫn có mức tăng trưởng rất lớn, khoảng hơn 20%, dù cuộckhủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra trong 2 năm qua. Là một trong những doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam, CMC cũng không nằm ngoài sự tăng trưởng chung này. Năm 2009, doanh thu dự kiến của CMC đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với năm 2008.

Kết quả kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động chính của CMC như dịch vụ phần mềm trong nước và xuất khẩu; dịch vụ CNTT; dịch vụ truy nhập Internet; dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet; phân phối điện thoại di động và phần cứng luôn có mức độ tăng trưởng cao với tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất là 15% và cao nhất là 45%.

Trong 3 năm tới, chúng tôi dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 30%, đồng thời đẩy mạnh tỷ trọng của mảng dịch vụ CNTT- viễn thông chuyên nghiệp. Vì thế, CMC sẽ không chỉ tăng mạnh về doanh thu, mà tỷ trọng lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng rất mạnh.

Ông có thể nói rõ hơn về năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ CNTT- viễn thông mà CMC đang cung cấp?

Tích hợp hệ thống và phần mềm là mảng kinh doanh truyền thống của CMC trong suốt 16 năm qua và chúng tôi đã tạo dựng được thị thế hàng đầu thị trường.

Đối với mảng tích hợp hệ thống (SI), với sự hợp tác của các đối tác hàng đầu thế giới cùng với việc đầu tư mạnh mẽ CMC đã rất thành công trên các thị trường ngành dọc có nhu cầu lớn, chuyên nghiệp và phức tạp  về CNTT như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, doanh nghiệp, giáo dục, chính phủ.

Trong mảng dịch vụ phần mềm, CMC đã đạt chuẩn CMM I3, là đối tác hàng đầu của  các tập đoàn IBM, SAP, Microsoft, Oracle và rất chú trọng đến năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Đó là những lợi thế, là yếu tố dẫn đến thành công cơ bản, là bàn đạp để chúng tôi tiếp tục chinh phục thị trường phần mềm đóng gói, dịch vụ và giải pháp phần mềm, dịch vụ ITO, BPO đang mở ra rất lớn phía trước. Chúng tôi quyết tâm đạt mức tăng trưởng trung bình trong mảng SI và phần mềm trong 3 năm tới từ 35 đến 40%.

Cuối năm 2007, chúng tôi bắt đầu mở rộng hoạt động sang lĩnh vực viễn thông với định hướng tập trung cung cấp các dịch vụ viễn thông chuyên nghiệp, cao cấp cho các đối tượng là doanh nghiệp, khu công nghiệp và trong tương lai, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân. CMC sẽ cung cấp những dịch vụ hạ tầng viễn thông, dịch vụ gia tăng trên nền Internet và điện thoại có chất lượng cao và tiên tiến nhất từ trước tới nay cho khách hàng.

Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có sự cạnh tranh khá mạnh với rất nhiều nhà cung cấp, đòi hỏi cao về chất lượng và các dịch vụ mới. Song chúng tôi tin tưởng, với mô hình kinh doanh 1 cửa và đa dịch vụ CNTT- viễn thông trên một kết nối, những khó khăn trên sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó, với chiến lược kinh doanh trung lập, nghĩa là CMC sẽ hợp tác với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ mở ra cơ hội thị trường rất lớn cho CMC và khách hàng cũng được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Các mảng kinh doanh khác của CMc như sản xuất máy tính, phân phối sản phẩm CNTT - viễn thông cũng đang có sự phát triển rất tốt. CMC hợp tác chặt chẽ với Intel, Microsoft nên máy tính CMS luôn được cập nhật những công nghệ mới nhất và dây chuyền sản xuất máy tính CMS rất hiện đại và có công suất lớn nhất Việt Nam.

Ngoài việc duy trì thế mạnh trong việc sản xuất máy tính cá nhân, CMC đã mở rộng sang sản xuất máy tính xách tay, là thị trường có sự tăng trưởng cao trong thời gian tới. Do được kế thừa năng lực và kinh nghiệm, quan hệ đối tác và hệ thống đại lý rộng khắp cả nước, nên dù mới thành lập vào cuối năm 2007, song mảng phân phối các sản phẩm CNTT và viễn thông đã giúp CMC trở thành nhà phân phối phần cứng và laptop lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Không chỉ thành công tại thị trường trong nước, gần đây, CMC cũng đã thành lập các công ty con tại nước ngoài, thưa ông?

CMC đã có kinh nghiệm kinh doanh các dịch vụ ITO và BPO cho thị trường Nhật Bản, châu Âu trong nhiều năm qua, song quy mô chưa lớn. Trong năm 2009, CMC đã thành lập 2 công ty là Công ty Phần mềm Thống Nhất tại Nhật Bản để khai thác thị trường dịch vụ phần mềm tại Nhật bản và Công ty CMC Blue France tại Pháp nhằm cung cấp dịch vụ CNTT - viễn thông, đặc biệt là dịch vụ viễn thông, ITO và BPO  cho thị trường Pháp và châu Âu.

Với việc thành lập 2 công ty này, CMC sẽ trực tiếp thực hiện việc tiếp thị, hỗ trợ khách hàng và kỹ sư cầu nối để xây dựng thương hiệu của CMC - một công ty công nghệ của Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ  CNTT- viễn thông  chuyên nghiệp.  Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tiếp thị thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Ông dự báo thế nào về sự tăng trưởng của từng lĩnh vực trong giai đoạn tới?

Trong 3 năm tới, tích hợp hệ thống vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của CMC. Chúng tôi dự kiến, trong 3 năm tới mảng tích hợp hệ thống và phần mềm sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 35-40%, sản xuất, lắp ráp máy tính và phân phối tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 25 đến 30%. Riêng đối với lĩnh vực dịch vụ viễn thông - Internet, sau khi khi hệ thống cáp quang được hoàn thành tại Hà Nội và TP.HCM, CMC sẽ tiến hành khai thác dịch vụ viễn thông từ năm 2010 và dự kiến tăng trưởng trong năm 2010 khoảng 80-90% sau đó sẽ duy trì mức trên 30% vào các năm tiếp theo.

Để được đánh giá là tập đoàn CNTT lớn, CMC không chỉ cần phải đạt doanh thu cao, mà trình độ công nghệ cũng phải đạt được ngưỡng nhất định. Vậy, yếu tố trình độ công nghệ được CMC đánh giá thế nào, thưa ông?

Trong chiến lược phát triển, CMC luôn lấy CNTT - viễn thông làm năng lực cốt lõi. Chúng tôi có hai cách tiếp cận song song: vừa tiếp thu những công nghệ tiên tiến của thế giới, vừa phát triển và hoàn thiện những công nghệ, sản phẩm của mình nhằm cung cấp cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ mới nhất và phù hợp nhất

Trình độ công nghệ thể hiện ở đội ngũ các chuyên gia mà CMC đang sở hữu trong các lĩnh vực khác nhau từ hạ tầng đến ứng dụng CNTT. Các chuyên gia của CMC thường xuyên được cập nhật những kiến thức mới nhất của thế giới qua các chương trình đào tạo và nghiên cứu phát triển nội bộ. Có thể nói, trình độ công nghệ của CMC đã tiệm cận ở mức khu vực.

CMC đang là đối tác hàng đầu của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như IBM, Microsoft, HP, Cisco, F5, Diebol, Symantec..., với hàng trăm chuyên viên được đào tạo chính quy và được cấp các bằng cấp cao nhất.

Nhưng với một công ty CNTT không chỉ cần doanh số cao, công nghệ mạnh, mà còn cần đầu tư cho R&D để chỗ đứng vững chắc. Vậy CMC quan tâm như thế nào đến R&D?

CMC có 3 loại hình kinh doanh chính là dịch vụ, thương mại và sản xuất. trong đó dịch vụ chuyên nghiệp và sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao là yếu tố sống còn trong việc cạnh tranh dài hạn. Đầu tư cho R&D là một trong những động lực phát triển mạnh mẽ nhất và bền vững nhất cho tương lai.

Phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, độc đáo; nghiên cứu các công nghệ trong các lĩnh vực mới đang thay đổi; phát triển sản phẩm với giá thành rẻ hơn sản phẩm tương đương với nước ngoài; mua lại công nghệ và sản phẩm để tiếp tục phát triển và hoàn thiện đang là những hướng đi của chúng tôi hiện nay.

CMC đang dành khoảng 2 triệu USD cho quỹ phát triển và đầu tư công nghệ để mua, đặt hàng các ý tưởng sáng tạo mới và Quỹ mua bán và sáp nhập (M&A) với ngân sách khoảng 20 triệu USD để đầu tư chiến lược.

Theo Đề án đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT, đến năm 2015, Việt Nam sẽ chuyển từ công nghiệp lắp ráp sang sản xuất. Vậy CMC liệu sẽ đóng góp như thế nào vào mục tiêu này?

Với việc phát triển các sản phẩm mới, nếu chúng ta nắm được công nghệ, làm chủ được thiết kế và các tài sản trí tuệ khác, thì có nghĩa chúng ta đã sở hữu phần giá trị cao nhất của sản phẩm. Công đoạn sản xuất các thành phần phần cứng có thể thuê ngoài nhằm giảm giá thành khi mà Việt Nam chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc số lượng tại Việt Nam chưa đủ lớn. Với cách nhìn như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đưa các sản phẩm thương hiệu Việt ra thị trường.

Thu Huyền

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Đối sách đầu tư trung hạn trên TTCK (07/01/2010)

>   Nhiều dòng tiền đang đổ vào chứng khoán (07/01/2010)

>   Đề xuất 31-3 hạn chót đăng ký thuế chứng khoán 20% (07/01/2010)

>   Quản lý việc chào bán cổ phần riêng lẻ (06/01/2010)

>   30 gia đình giàu nhất sàn chứng khoán 2009 (06/01/2010)

>   PVA góp 51% vốn thành lập công ty con (06/01/2010)

>   ILC bán tàu Inlaco Summer hơn 1 triệu USD (06/01/2010)

>   Cẩn thận kẻo… say sóng  (06/01/2010)

>   VNA nhận bàn giao tàu Eternal Island (06/01/2010)

>   “Xông đất” 4 doanh nghiệp niêm yết (06/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật