Thứ Sáu, 29/01/2010 06:09

Bất thường về lợi nhuận

Một vài công ty đã đưa ra những báo cáo khiến nhà đầu tư bán tín bán nghi. Những báo cáo từ lỗ chuyển thành lời và ngược lại ở phút "89" hoàn toàn khó hiểu.

Xoay chuyển tình thế

CTCP dầu thực vật Tường An (TAC) đang niêm yết trên sàn TP.HCM luôn là một hiện tượng được các nhà đầu tư (NĐT) chú ý trong những tháng qua. Nguyên nhân bắt đầu từ khi Báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2009 TAC đưa ra như một quả bom dội vào đầu các cổ đông của mình khi kết quả kinh doanh lỗ 68 tỉ đồng, dẫn đến lũy kế 9 tháng đầu năm TAC bị lỗ 35 tỉ đồng dù trước đó BCTC 2 quý đầu năm 2009 của TAC vẫn có lãi. Ngay sau đó, NĐT đã bán tháo CP TAC trên thị trường khiến giá CP này đang ở mức 47.800 đồng/CP (giữa tháng 10.2009) giảm liên tục về 19.100 đồng/CP (giữa tháng 12.2009).

Theo giải trình của công ty, trong quý 3/2009 do giá nguyên liệu dầu thực vật tăng giảm không ổn định ảnh hưởng đến chi phí sản xuất sản phẩm. Ngoài ra, một số nhãn hàng dầu thực vật mới tham gia thị trường đã tạo ra sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt và giảm giá bán liên tục, do đó TAC phải giảm giá bán và tăng chi phí khuyến mãi.

Rồi lại một cú "lội ngược dòng" ngoạn mục khi TAC công bố BCTC quý 4/2009 với kết quả kinh doanh đạt lợi nhuận sau thuế 64,12 tỉ đồng. Từ đó khiến tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2009 của TAC đạt 29,11 tỉ đồng. Dù không đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra nhưng kết quả đạt được của TAC cũng đầy bất ngờ với NĐT và giá CP TAC lại tăng trở lại.

Cũng theo giải trình của TAC, quý 4 lợi nhuận tăng mạnh là do chi phí bán hàng giảm đến 76,64% so với quý 3/2009. Đồng thời do giá bán và giá nguyên liệu tăng hơn giá tồn kho nên công ty hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Công ty cũng tăng cường công tác thị trường từ đó chỉ tiêu doanh thu và sản lượng tăng hơn trước.

Chuyện quý này lãi nhưng quý sau lỗ và ngược lại không phải là hiếm. Ví dụ: CTCP nhiệt điện Phả Lại (PPC) sau 3 quý đầu năm 2009 đã đạt lợi nhuận khá cao thì "đùng" đến báo cáo quý 4/2009, công ty này bị lỗ 75,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2009 công ty này vẫn có lời hơn 889 tỉ đồng nên NĐT đã không bị quá "sốc". Trong khi đó, chuyện điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận kinh doanh của CTCP vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) công bố vào ngày 7.12.2009 theo Nghị quyết HĐQT cũng là một cú dội bom xuống NĐT vì chưa từng xảy ra trên thị trường. Theo đó, VIP giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2009 còn 55 tỉ đồng (giảm 20 tỉ đồng so với kế hoạch năm được Đại hội cổ đông thông qua). Theo giải thích, việc điều chỉnh này là do vào ngày 25.11.2009, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hạch toán giữa đồng USD và VNĐ làm lợi nhuận của VIP giảm khoảng 35 tỉ đồng. Mặt khác do trong tháng 11.2009, doanh thu vận tải giảm 8 tỉ đồng so với kế hoạch do thời gian chờ hàng và giá cước thấp của 2 tàu khai thác hàng ngoài Tổng công ty xăng dầu Việt Nam; người thuê tàu trả tàu sớm làm giảm doanh thu; công ty đầu tư mua thêm phụ tùng... VIP cho rằng nếu không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên (66 tỉ đồng) thì lợi nhuận năm 2009 sẽ đạt khoảng 120 tỉ đồng. Theo BCTC tóm tắt quý 4/2009 mới công bố, VIP bị lỗ 29,39 tỉ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế cả năm 2009 vẫn đạt 60,37 tỉ đồng (tăng so với kế hoạch điều chỉnh nhưng thấp hơn so với kế hoạch được Đại hội cổ đông thường niên thông qua).

Khó chấp nhận

Theo một NĐT tại sàn SSI, giải thích của TAC khó thuyết phục vì nếu xem xét thực tế, chi phí bán hàng không thể tiết kiệm trong một thời gian ngắn đến mức gần như 100% như vậy. Hơn nữa, giá bán sản phẩm của TAC giữa quý 3 và quý 4 cũng không có sự chênh lệch quá lớn. Còn theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, nếu đọc kỹ BCTC chi tiết quý 3/2009, NĐT có thể thấy một số khoản mục được phân bổ chính vào chi phí của quý này như chi phí trả trước dài hạn, nợ vay dài hạn và ngắn hạn phải trả trong kỳ, chi phí bán hàng trích trước... Trong khi theo nguyên tắc kế toán thông thường, các chi phí này đều phải được phân bố tương ứng đồng đều giữa các quý trong năm tài chính.

Tương tự, một NĐT khác cũng lắc đầu cho rằng "không biết đường nào mà lần" khi BCTC giữa 2 quý lại khác một trời một vực. Theo anh Hải, không loại trừ vấn đề "làm xiếc" trong BCTC quý để làm giá cổ phiếu trên thị trường vì BCTC quý 3 không bắt buộc phải kiểm toán.

Thạc sĩ Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - nhận định việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm như của VIP phải được trình Đại hội cổ đông quyết định chứ không thể do Hội đồng quản trị tự quyết. Hơn nữa việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào thời điểm cuối năm là một trường hợp "lạ" vì không có doanh nghiệp nào thực hiện. Còn việc sử dụng nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh chi phí, lợi nhuận tăng hay giảm là chuyện có thể thực hiện tùy vào mục đích của doanh nghiệp, nhất là kỳ báo cáo đó không phải kiểm toán. "NĐT ngày càng đòi hỏi phải có sự minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết. Thế nhưng đối với những doanh nghiệp có những chuyện khó hiểu đó thì NĐT nên xem xét lại. NĐT có quyền lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp mà mình tin tưởng vào ban điều hành của nó hơn là những doanh nghiệp có kiểu ứng xử xem thường NĐT", ông Lê Đạt Chí nói.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Quý 4: nhiều doanh nghiệp bất ngờ báo cáo lỗ (28/01/2010)

>   TLT chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng LNTT năm 2009 (29/01/2010)

>   OPC, HAX, TMS, ACL công bố kết quả kinh doanh 2009 (28/01/2010)

>   Hà Đô đạt 190 tỷ đồng LNST, tăng 173 lần so với 2008 (28/01/2010)

>   PET: Tổng doanh thu năm 2009 đạt trên 7,694 tỷ đồng (28/01/2010)

>   VTO, HSI và HPG giải trình biến động kinh doanh trong quý 4 (28/01/2010)

>   6 công ty sàn HNX giải trình KQKD quý 4 (28/01/2010)

>   PGC: LNST năm 2009 tăng trưởng hơn 37 lần so với 2008 (28/01/2010)

>   Sabeco đạt doanh thu 15.441 tỷ đồng (28/01/2010)

>   Tổng tài sản của HDC tăng gần 37% so với năm 2008 (28/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật