Quý 4: nhiều doanh nghiệp bất ngờ báo cáo lỗ
Hiện nay, trên cả 2 sàn Hà Nội và TPHCM đã có hơn 300 công ty công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2009. Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, cũng có nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ trong quý 4 mặc dù tình hình kinh doanh các quý trước khá tốt.
10 tháng đầu năm, lợi nhuận của Công ty xăng dầu VIPCO (VIP) đạt gần 102 tỉ đồng; thế nhưng đến cuối năm công ty này bất ngờ công bố lợi nhuận quý 4 là âm 31,5 tỉ đồng. Lý do của sự điều chỉnh này, theo ban giám đốc là do trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá (35 tỉ đồng). Vì thế, lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 60,37 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Long An (LBE) 3 quý liên tiếp có lãi, nhưng đến quý 4, lợi nhuận sau thuế âm 391 triệu đồng. Lý do, theo báo cáo tài chính của công ty là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí bán hàng tăng, trong khi nguồn thu từ kinh doanh không đủ bù đắp. Tính hết năm, lợi nhuận sau thuế của LBE giảm gần 40% so với năm 2008, còn 1,35 tỉ đồng.
Một công ty nữa mà khi công bố lỗ đã gây ngạc nhiên cho giới đầu tư là Công ty cổ phần Du lịch Vinpearlland (VPL). Trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của công ty này lên đến 51,3 tỉ đồng; nhưng đến quý 4, do chi phí tăng cao nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính chỉ còn gần 1,4 tỉ đồng. Cuối cùng, lợi nhuận sau thuế của cả năm 2009 âm đến 37,3 tỉ đồng.
Trong khi đó, Công ty thủy sản Nam Việt (ANV) sau khi có những khởi sắc trong quý 3, lãi 4,77 tỉ đồng; thì trong quý 4, Nam Việt lại lỗ 101,8 tỉ đồng. Và như vậy trong cả năm, Nam Việt lỗ đến 176 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2008, công ty này có lãi 97,7 tỉ đồng. Những khó khăn trong xuất khẩu cá tra, cá ba sa là nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ nặng nề của Nam Việt trong năm 2009. Khó khăn hơn Nam Việt, Công ty thủy sản Bến Tre (FBT) chỉ quý 1 là có lãi, còn trong 3 quý còn lại đều lỗ. Đến hết năm, công ty này lỗ 87 tỉ đồng.
Trong nhóm các công ty "đột ngột" lỗ trong quý 4 còn có sự góp mặt của 2 công ty chứng khoán là Bảo Việt (BVS), và Ngân hàng Nông nghiệp (AGR). Sự suy giảm lợi nhuận trong quý 4 của các công ty chứng khoán cũng là điều dễ hiểu khi chỉ số VN-Index đã rơi từ mức 580,9 điểm vào ngày cuối cùng của quý 3, xuống còn 494,77 điểm trong ngày 31-12. Quý 4, BVS lỗ 21 tỉ đồng, do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hết 75 tỉ đồng, trong lúc doanh thu từ tự doanh và môi giới giảm. Trong khi đó, AGR lỗ 48 tỉ đồng.
Quý 4 vừa qua, Công ty nước giải khát Tribeco (TRI) lỗ thêm 24,4 tỉ đồng, đưa mức lỗ cả năm lên 86,2 tỉ đồng. Lỗ của TRI là do chi phí bán hàng lớn, và do công ty liên doanh liên kết thua lỗ.
Con số công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ có thể vẫn chưa dừng lại vì trong số các công ty đang xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2009 có một số công ty lỗ trong những quý trước, đó là Công ty cổ phần Basa (BAS), Công ty Đầu tư vận tải dầu khí Vinashin (VSP), Công ty Hàng hải Hà Nội (MHC), Công ty Hàng hải Sài Gòn (SHC), Công ty cổ phần Điện Quang (DQC)...
Thanh Thương
tbktsg
|