Thứ Hai, 04/01/2010 11:00

10 mã chứng khoán ấn tượng năm 2009

Nhìn nhận TTCK ở khía cạnh là một tập hợp những mã chứng khoán được niêm yết và giao dịch, ĐTCK đã chọn ra 10 mã chứng khoán theo tiêu chí “ấn tượng”. Đây không chỉ là thống kê vui về các mã chứng khoán trên hai sàn trong năm 2009, mà có thể là thông tin tham khảo tốt trong việc ra quyết định bán - mua. Xin giới thiệu với bạn đọc.

VCB  -  cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất

Ngày 30/6/2009, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank, vốn điều lệ hơn 12.100 tỷ đồng, chính thức niêm yết trên HOSE. Giá tham chiếu của cổ phiếu VCB ngày giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/CP, bằng 1/2 giá khởi điểm đấu giá hồi cuối tháng 12/2007 (giá đấu bình quân là 107.000 đồng/CP).

HSC - cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ nhất

Với số vốn điều lệ 5,8 tỷ đồng, cổ phiếu HSC của CTCP Hacinco không chỉ giữ kỷ lục về vốn điều lệ thấp, mà còn có thêm 2 kỷ lục khác, đó là thanh khoản thấp nhất và có giá ít biến động nhất. Do giữ kỷ lục đầu tiên quá lâu nên ngày 15/12 HSC đã phải hủy niêm yết trên HNX do không đáp ứng được điều kiện niêm yết mới (vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên).

NTL - cổ phiếu có EPS trượt cao nhất

Tính đến hết tháng 9, cổ phiếu NTL của CTCP Phát triển Nhà Từ Liêm có EPS trượt cao nhất trên cả hai sàn, lên tới gần 22.100 đồng. Đây là cũng là cổ phiếu có mức biến động giá lớn năm 2009, khi giá thấp nhất là 26.200 đồng/CP (24/2), giá cao nhất là 173.000 đồng/CP (18/11).

VSP - cổ phiếu có EPS trượt thấp nhất

Với EPS trượt tính đến ngày 30/9 là -7.850 đồng, cổ phiếu VSP của CTCP Đầu tư và vận tải Dầu khí Vinashin giữ kỷ lục về mức lỗ liên tiếp trong 4 quý cao nhất. 6 tháng đầu năm, VSP lỗ 205 tỷ đồng. Cuối tháng 6, lãnh đạo VSP tự tin trước ĐHCĐ: cả năm sẽ lãi 150 tỷ đồng, cổ tức trả 20%. Tuy nhiên, quý III, VSP lỗ thêm 32 tỷ đồng khiến số lỗ lũy kế 4 quý liên tiếp tăng lên 292,5 tỷ đồng.

STB - cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất

Với khối lượng giao dịch bình quân 5,4 triệu cổ phiếu/phiên (không tính giao dịch thỏa thuận), cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đứng số 1 về tính thanh khoản. Các cổ phiếu có tính thanh khoản cao thứ 2, 3, 4, 5 trên thị trường lần lượt là: KLS (2,8 triệu cổ phiếu/phiên), ACB (2,46 triệu cổ phiếu/phiên), SSI (2,13 triệu cổ phiếu/phiên), VCG (1,64 triệu cổ phiếu/phiên).

VTS - cổ phiếu của doanh nghiệp có ROE cao nhất

Với ROE 4 quý gần nhất (tính đến ngày 30/9) là 76,65%, cổ phiếu VTS của CTCP Viglacera Từ Sơn giữ kỷ lục về hiệu quả sinh lời của vốn chủ sở hữu. Đây cũng là đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất gạch ngói thuộc “dòng” Viglacera. Với hoạt động kinh doanh ổn định, vốn điều lệ thấp, trả cổ tức cao, giá cổ phiếu VTS cũng như một số cổ phiếu khác trong nhóm tỏ ra khá ổn định trong bối cảnh TTCK đi xuống, nhưng không hoàn toàn hấp dẫn NĐT do tính thanh khoản không cao.

TRI - cổ phiếu của DN có ROE thấp nhất

Với ROE 4 quý gần nhất là -45,84%, cổ phiếu TRI của CTCP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) đứng đầu danh sách DN niêm yết thua lỗ, tính theo chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Có lẽ đây là lý do khiến giá cổ phiếu TRI có lúc giảm về 4.600 đồng/CP. Sự thua lỗ của TRI chủ yếu là do đầu tư tài chính, đầu tư vào công ty liên doanh - liên kết.

VCG - cổ phiếu có nhiều tin đồn nhất

VCG là cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), được nhiều NĐT quan tâm, mang trong mình rất nhiều ẩn số, cả những thông tin thuận lợi và không thuận lợi nên trở thành đối tượng nhiều tin đồn, từ rất tốt đến rất tệ. Nhưng VCG cũng là gương điển hình về sự thay đổi trong cách quản trị DN, với việc thông tin kịp thời ra thị trường, giúp hạn chế tác động tiêu cực của các “thông tấn xã vịt cồ”.

SQC - cổ phiếu của doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn nhanh nhất

SQC là cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn, DN có mức độ tăng vốn ấn tượng nhất trong năm, từ 95 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Với lợi nhuận 9 tháng đầu năm là hơn 22 tỷ đồng, giá cổ phiếu đóng cửa năm gần 150.000 đồng/CP, những người mua cổ phiếu SQC ở mức giá này có lẽ nhìn thấy những tiềm năng mà bằng chỉ số tài chính thông thường các NĐT khác không thể đánh giá hết được.

PF1, BF1 - chứng chỉ quỹ rẻ như rau

Một thời gian dài giao dịch ở mức giá dưới 5.000 đồng/chứng chỉ quỹ, rẻ như một mớ rau, không ít NĐT đã đặt câu hỏi, liệu khi nào 2 chứng chỉ quỹ trên trở về giá khởi điểm ban đầu (hiện cùng có giá 5.900 đồng/CCQ)?

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Danh sách công ty đại chúng tính đến 31/12/2009 (04/01/2010)

>   Chứng khoán thăng trầm theo chính sách tiền tệ (04/01/2010)

>   Nhiều cơ hội để kiến tạo một xu thế tăng trưởng (04/01/2010)

>   Năm 2010, phân tích kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi (04/01/2010)

>   10 sự kiện nổi bật trên TTCK năm 2009 (04/01/2010)

>   Tháng 1.2010: Sẽ cho phép giao dịch T+2 (04/01/2010)

>   Năm 2010: Chứng khoán sẽ lại "lên hương"? (04/01/2010)

>   Chọn kênh đầu tư nào trong năm 2010? (04/01/2010)

>   Chợ OTC: Liên minh Bắc - Nam bị phá vỡ (03/01/2010)

>   "Năm 2010, HNX đặt nhiệm vụ củng cố, phát triển chiều sâu các hoạt động" (03/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật