10 sự kiện nổi bật trên TTCK năm 2009
Năm 2009, TTCK Việt Nam có nhiều biến động trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 10 sự kiện nổi bật trên TTCK Việt Nam do Báo Đầu tư Chứng khoán bình chọn năm 2009 dựa theo 2 tiêu chí chính. Đó là sự kiện được bình chọn mang tính đặc trưng của TTCK năm 2009 và có tác động lớn đến các chủ thể tham gia. Xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
VN-Index tăng 60%, giá trị giao dịch đạt kỷ lục 9.000 tỷ đồng
Khép lại năm 2008, VN-Index dừng ở 315,62 điểm, giảm 66% so với cuối năm 2007. Đầu năm 2009, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có diễn biến xấu khiến VN-Index kéo dài xu hướng giảm, đến ngày 24/2 chỉ còn 235,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2005. Sự thua lỗ, hoảng loạn của NĐT sau đó đã được bù đắp khi VN-Index phục hồi, đạt 624,1 điểm vào ngày 22/10. So với ngày 24/2, VN-Index cao gấp 2,65 lần, đồng nghĩa với mức tăng 265%. Tính cả năm, VN-Index tăng 57%, kết thúc năm ở 494,77 điểm.
So với các năm trước, khối lượng và giá trị giao dịch năm 2009 tăng cao, đặc biệt là trong các đợt thị trường tăng điểm và các công ty chứng khoán nở rộ cung cấp đòn bẩy tài chính cho NĐT. Phiên kỷ lục giao dịch trên TTCK diễn ra vào ngày 23/10 khi có tới 9.181 tỷ đồng giá trị chứng khoán được chuyển nhượng trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).
CTCK "xé rào" cho nhà đầu tư bán sớm chứng khoán
Lần đầu tiên trong lịch sử 9 năm hoạt động của TTCK Việt Nam xuất hiện hiện tượng CTCK cho nhà đầu tư bán chứng khoán trước khi về tài khoản. Hiện tượng này lúc đầu xuất hiện tại một số ít CTCK, sau đó đã diễn ra tràn lan, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Qua các đợt kiểm tra định kỳ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phát hiện nhiều CTCK cho khách hàng bán chứng khoán ngày T+2, T+3, cá biệt có công ty cho bán ngày T+1. Để lập lại trật tự thị trường, ngày 24/11, UBCK đã ra công văn yêu cầu các CTCK kể từ ngày 1/12/2009 phải chấm dứt việc cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4 hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Cùng với việc siết lại kỷ cương thị trường, UBCK cũng đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch trên TTCK với quy định mới, cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán ngày T+2, thay vì phải chờ đến T+4 như hiện nay. Dự thảo này đang được Bộ Tài chính xem xét, dự kiến sẽ được ban hành vào đầu năm 2010.
HOSE thực hiện giao dịch trực tuyến
Ngày 12/1, HOSE chính thức triển khai giao dịch trực tuyến. Theo đó, lệnh giao dịch của NĐT được CTCK truyền thẳng vào hệ thống của Sở mà không cần qua đại diện sàn. Sự nâng cấp giao dịch này được ví như từ "đi xe đạp" chuyển sang "dùng xe hơi" khi tốc độ truyền lệnh từ CTCK vào Sở đạt 220 lệnh/giây so với 8 - 10 giây/lệnh trước đó và không quá 1 giây để NĐT biết được lệnh đã khớp.
Chuyển sang giao dịch trực tuyến là sự chuyển biến căn bản về chất lượng giao dịch trên HOSE, là yếu tố quyết định đến việc nâng cao tính thanh khoản trên thị trường. Sở GDCK Hà Nội cũng đang chuẩn bị hệ thống để triển khai giao dịch trực tuyến vào đầu năm 2010.
Nhiều DN được giảm, giãn thuế và hỗ trợ lãi suất 4%/năm
Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong thời hạn 8 tháng cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh. Trước đó, ngày 13/1, Bộ Tài chính cùng lúc ban hành 3 thông tư hướng dẫn việc thực hiện giãn, giảm và hoàn thuế cho DN. Theo đó, các DN vừa và nhỏ được giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của quý IV/2008 và cả năm 2009, đồng thời được giãn nộp thuế 9 tháng… Những chính sách hỗ trợ kịp thời trên đã góp phần giúp TTCK phục hồi kể từ cuối tháng 2, khi hoạt động của các DN liên tục có sự tiến triển.
Miễn thuế TNCN từ đầu tư chứng khoán
Kể từ ngày 1/1/2009, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực. Thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ, ngày 6/2, Bộ Tài chính hướng dẫn giãn thời hạn nộp thuế TNCN đến hết ngày 31/5/2009, trong đó có thu nhập từ kinh doanh chứng khoán, bởi TTCK suy giảm mạnh, các NĐT thua lỗ. Ngày 19/6, Quốc hội quyết định miễn toàn bộ số thuế TNCN trong 6 tháng đầu năm, đồng thời miễn thuế từ kinh doanh chứng khoán cho NĐT cá nhân đến hết năm 2009. Sự hỗ trợ về thuế này đã tác động tích cực đến tâm lý NĐT, góp phần giúp TTCK giao dịch sôi động.
Sàn UPCoM chính thức mở cửa hoạt động
Ngày 24/6, HNX chính thức ra mắt hoạt động theo mô hình Sở Giao dịch chứng khoán theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong ngày này, HNX khai trương vận hành thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Việc ra đời thị trường UPCoM nhằm thu hẹp TTCK tự do, tạo cơ hội giao dịch chứng khoán minh bạch, công khai cho công chúng đầu tư và cơ hội huy động vốn hiệu quả cho các công ty đại chúng. Trong ngày khai trương UPCoM, có 10 loại cổ phiếu được đưa vào giao dịch, cuối năm tăng lên 34 loại cổ phiếu. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 4.000 DN thuộc diện công ty đại chúng, trong đó có 1.000 DN đã đăng ký thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng với UBCK. Đây là đối tượng DN tiềm năng cung cấp hàng hóa cho thị trường UPCoM.
Vốn hóa thị trường đạt 48% GDP
Cuối tháng 10, giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam bằng 55% GDP, là mức cao nhất trong năm 2009 và cao gấp gần 3 lần so với mức vốn hóa TTCK vào cuối năm 2008. Nguyên nhân là do có nhiều DN lớn lên sàn, giá cổ phiếu tăng mạnh và vốn hóa thị trường năm 2009 được tính thêm cả quy mô thị trường UPCoM. Tính riêng 5 "đại gia" tham gia TTCK năm 2009 là Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank, Eximbank, Vietinbank và Masan đã đóng góp trên 150.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa cho toàn TTCK, bằng khoảng 1/3 quy mô thị trường.
Chốt năm 2009, tổng giá trị vốn hóa thị trường giảm nhẹ, bằng khoảng 48% GDP (năm 2008), do tác động của việc giá cổ phiếu trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) giảm so với đỉnh của năm hồi tháng 10. Dù vậy, quy mô vốn hóa TTCK hiện nay vẫn vượt xa con số kế hoạch phát triển TTCK đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi mức vốn hóa yêu cầu đạt được đến năm 2010 là 10% GDP.
Hiện tượng ICV thoái vốn
Ngày 3/9, Quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) do Indochina Capital quản lý tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi TTCK Việt Nam. Sự kiện chưa có tiền lệ này đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý NĐT khi giá trị tài sản ròng của Quỹ tính đến ngày 28/8 là 255,4 triệu USD, trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm 39,6%. Cùng ngày, Tập đoàn Ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse Group AG khuyến nghị bán cổ phiếu. Trên HOSE, khối NĐT nước ngoài gần như liên tục bán ròng từ ngày 3/9 đến ngày 6/10, với tổng giá trị theo phương thức khớp lệnh là 2.321 tỷ đồng. Nhưng tính chung cả năm, NĐT nước ngoài mua ròng 3.157,5 tỷ đồng.
Năm 2009 là một năm khó khăn với nhiều quỹ đầu tư khi hầu như không có quỹ nào huy động được thêm vốn để gia tăng năng lực đầu tư vào TTCK. Toàn thị trường hiện có 4 quỹ đại chúng niêm yết với khoảng 20 quỹ thành viên trong nước và trên 10 quỹ đầu tư nước ngoài.
Khai trương hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt
Ngày 24/9, HNX chính thức đưa hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt vào hoạt động, khắc phục một số hạn chế của hệ thống giao dịch cũ. Hệ thống mới đã tách giao dịch trái phiếu ra khỏi giao dịch cổ phiếu; đưa thêm phương thức giao dịch mua bán lại (repo), giúp thông tin về tình hình cung cầu, giá trái phiếu và lãi suất trên thị trường thứ cấp chính xác hơn. Bên cạnh đó, thành viên được mở rộng từ CTCK sang ngân hàng thương mại nhằm tăng tính thanh khoản, phát triển hệ thống các nhà giao dịch, tăng tính hiệu quả của các đợt phát hành. Tính đến cuối năm, có 500 mã trái phiếu, trị giá trên 165.546 tỷ đồng được niêm yết; giá trị giao dịch kể từ ngày khai trương đạt gần 23.700 tỷ đồng.
Năm 2009 - năm đầu tiên DN phải soát xét báo cáo tài chính quý
Năm 2008, báo cáo tài chính quý của nhiều DN có sự thay đổi bất thường giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận quý IV, do pháp luật không yêu cầu phải kiểm toán, ảnh hưởng đến sự minh bạch của TTCK. Ngày 24/2/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 246/UBCK-QLPH yêu cầu các DN phải có công ty kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính quý để kết quả kinh doanh được phản ánh chính xác, hợp lý. Quy định này được thực thi đã và đang góp phần làm thay đổi căn bản chất lượng các báo cáo kiểm toán của DN và chất lượng thông tin DN công bố ra thị trường.
Đầu tư chứng khoán
|