Trò chơi năng lượng ở Trung Á:
TQ và Nga đều được, chỉ có phương Tây là mất?
"Nếu có trò chơi một mất một còn thì: Trung Quốc được còn châu Âu mất, và Nga cũng được bởi vì châu Âu vẫn sẽ phụ thuộc vào khí của Nga". Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev gần đây đã nói với các nhà đầu tư dầu và kim loại rằng những điều luật mới sẽ chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chịu hợp tác với chương trình công nghiệp hóa của ông được khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này.
“Chúng tôi sẽ chỉ làm việc với những dự án giúp đỡ đa dạng hóa nền kinh tế của chúng tôi”, ông nói trong một hội thảo về đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu về khai khoáng. Với những đối tác không sẵn lòng làm việc này, “chúng tôi sẽ tìm kiếm những đối tác mới, tạo cho họ điều kiện và nguồn lực thuận lợi để hoàn thành dự án".
Để minh họa, ông nói thêm rằng Bắc Kinh đã đề nghị Kazakhstan, một đất nước có diện tích bằng châu Âu nhưng dân số chỉ có 16 triệu người, cho phép nông dân Trung Quốc sử dụng 1 triệu ha đất của Kazakhstan để trồng trọt.
Những phần tử ủng hộ phương Tây trong nền chính trị Kazakhstan đã tổ chức tuần hành. Ngày 17/12, phát biểu trước một đám đông, đồng chủ tịch của đảng đối lập Azat đã vẽ ra một kịch bản đáng sợ: "Nếu ngày mai chúng ta trao cho họ 1 triệu ha đất của chúng ta, điều đó có nghĩa là cứ mỗi một ha sẽ có 15 người. Điều này có nghĩa sẽ có 15 triệu người Trung Quốc đến đây. Nếu cứ 1 trong số 15 người này đẻ con mỗi năm, đó sẽ là ngày tận thế. Trong vòng 50 năm, sẽ có 50 triệu người Trung Quốc ở Kazakhstan".
Một đường ống dẫn thẳng tới trung tâm của châu Á
Bức thông điệp của ông Nazarbayev là rất rõ ràng: các nhà đầu tư phương Tây hãy giữ lại tiền của mình nếu chỉ quan tâm tới việc khai thác mỏ khoáng sản của Kazakhstan. Ông cũng nói về một sự kiện trọng yếu trong lịch sử và chính trị Trung Á: kế hoạch đầy tham vọng là phát triển một đường ống dài 7.000 km dẫn khí gas của khu vực tới các thành phố ở bờ biển phía đông Trung Quốc.
10 ngày sau phát biểu của ông Nazarbayev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thăm Trung Á để tham dự lễ khánh thành việc vận hành chính thức đường ống dài 1.833km dẫn khí gas từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan (và có thể là Nga) tới khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Turkmenistan cho rằng chỉ riêng nước này có thể cung cấp 40 tỷ m3 gas mỗi năm cho đường ống này trong vòng 3 thập kỷ. Số lượng này đã chiếm một nửa lượng tiêu thụ gas hàng năm của Trung Quốc.
Uzbekistan đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc tháng 11 năm ngoái để xuất khẩu 10 tỷ m3 gas mỗi năm (trong khi lượng khí dự trữ của nước này là 1,8 nghìn tỷ m3). Kazakhstan cũng sẽ xuất khẩu 10 tỷ m3 qua một đường ống khác. Trung Quốc tiêu thụ 77,8 tỷ m3 gas trong năm ngoái, nhiều hơn một chút so với sản lượng khí sản xuất trong nước là 77,5 tỷ m3. Nhưng nước này sẽ thiếu khoảng 70-110 tỷ m3 khí vào năm 2009, theo báo cáo phát triển năng lượng 2009 của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Việc làm này trái ngược hẳn với dự đoán của phương Tây là Trung Quốc sẽ khó kiểm soát được khu vực Tân Cương bất ổn. "Trung Quốc đang đặt tất cả trứng vào một giỏ. Rất nhiều dầu và khí đang chạy qua một khu vực nhỏ hẹp", một nhà ngoại giao Anh nói.
... và gửi một cú sốc tới Washington
Các chuyên gia Mỹ đã vẽ ra một kịch bản ảm đạm cho các đường ống của Trung Quốc. Trong bản phân tích của viện Trung Á và Caucasus thuộc Trường Đại học Johns Hopkins tháng 10 năm ngoái, Stephen Blank thuộc Trường Đại học chiến tranh Mỹ đã mô tả Tân Cương là một "cái bếp đầy sức nén" mà Bắc Kinh không thể kiểm soát nổi.
Những căng thẳng tại Washington về đường ống của Trung Quốc là hoàn toàn có thể hiểu được. Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã có phiên điều trần hiếm hoi hồi tháng 7 về cuộc tấn công địa chính trị của Trung Quốc ở Trung Á. Tại phiên này, Richard Morningstar, đặc sứ Mỹ về năng lượng đã nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải có những chiến lược cạnh tranh năng lượng với Trung Quốc ở Trung Á.
Đây có lẽ là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Mỹ đã nói công khai về việc coi Trung Quốc như đối thủ của Mỹ trong nền chính trị năng lượng ở Trung Á. Các chuyên gia Mỹ thường tập trung vào sức ảnh hưởng của Nga ở khu vực này và tìm mọi cách làm giảm sự hiện diện của Nga trong không gian hậu Xô Viết bằng cách ủng hộ cho dự án Xuyên Caspi bỏ qua lãnh thổ Nga. Trên thực tế, một số chuyên gia Mỹ trong khu vực thậm chí còn gợi ý rằng Trung Quốc có thể là một đồng minh tiềm tàng của Mỹ trong việc cô lập Nga.
Khi mà đường ống dẫn khí ở Turkmenistan sắp hoàn thành, Mỹ đã không thể ngồi yên được nữa. Morningstar đưa ra hai lựa chọn. Một, đưa ra một chiến lược để đối phó với chính sách của Trung Quốc và khuyến khích các công ty Mỹ đàm phán với người Turkmenistan. Thứ hai, Washington nên nghĩ về việc có nên để cho các công ty Mỹ hợp tác với Trung Quốc ở những nước như vậy hay không.
Khả năng hợp tác Trung - Mỹ đối với nguồn năng lượng Trung Á là rất hạn chế. Về mặt địa chính trị, có một cuộc xung đột lợi ích giữa hai nước. Một mục tiêu chính của Trung Quốc là khóa lại một nguồn năng lượng không phụ thuộc vào tuyến đường đi qua eo biển Malacca mà Mỹ đang kiểm soát và là điểm nhạy cảm một khi Trung Mỹ xảy ra đối đầu.
Bắc Kinh thu lợi
Tuy nhiên, người Mỹ cũng hiểu rằng không hề dễ để có thể đưa ra một chiến lược đối phó với Trung Quốc tại đây. Sự hiện diện của Trung Quốc ở đây không phải mới xảy ra ngày hôm qua. Từ năm 1997, Kazakhstan và Trung Quốc đã đồng ý xây dựng đường ống dẫn dầu thô dài 3.000km và sau đó năng sản lượng lên gấp đôi là 20 triệu tấn mỗi năm. Năm 2006, Trung Quốc mua cổ phần của công ty dầu Kazakh trị giá 2 tỷ USD ở mỏ dầu và khí Karazhanba (có trữ lượng hơn 340 triệu thùng) và đồng ý mua 30 tỷ m3 khí của Turkmenistan (sau đó tăng lên 40 tỷ m3), và cũng cam kết chi 210 triệu USD cho việc tìm kiếm dầu và khí ở Uzbekistan trong 5 năm. Tháng 4/2009, Trung Quốc đồng ý cho Kazakhstan vay 10 tỷ USD trong một thoả thuận "đổi tiền cho vay lấy dầu" và cũng đồng ý để công ty quốc doanh KazMunaiGas của Kazakhstan mua công ty sản xuất dầu MangistauMunaiGas với giá 3,3 tỷ USD. Năm 2009, Trung Quốc đồng ý cấp khoản vay 3 tỷ USD cho công ty quốc doanh gas lớn nhất Trung Á, South Iolotan, với trữ lượng 4 nghìn tỷ-14 nghìn tỷ m3 khí.
Thời điểm Mỹ bừng tỉnh nhận ra chiến lược năng lượng của Trung Quốc ở Trung Á thì chiến lược đó đã đi vào vận hành trơn tru. Tính toán của phương Tây sai lầm ở hai điểm. Thứ nhất họ cho rằng Trung Á sẽ quan ngại khi hợp tác với nước láng giềng khổng lồ mà thích Nga và phương Tây hơn. Thứ hai, họ đã tin một cách mù quáng rằng Nga sẽ coi việc Trung Quốc xâm nhập khu vực này như một mối đe dọa tới lợi ích chiến lược của họ và sẽ có biện pháp kiềm chế Bắc Kinh, do vậy cũng gián tiếp có lợi cho phương Tây.
Song, trước sự thất vọng của phương Tây, các quốc gia Trung Á không chỉ chào đón các dự án của Trung Quốc mà còn hồ hởi trút đi gánh nặng trong các vụ đàm phán khó khăn về giá cả khi làm ăn với các công ty phương Tây. Sự can dự của Trung Quốc ở đây đã trở nên toàn diện, không chỉ là khí và dầu, như Tổng thống Turkmenistan đã nói trước chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới đây rằng quan hệ của nước ông với Trung Quốc đã trở nên "đa dạng nhiều mặt". Thương mại Trung Quốc - Turkmenistan đã tăng 40 lần kể từ năm 2000, các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh các lĩnh vực chính của kinh tế Turkmenistan như dầu và khí, viễn thông, giao thông, nông nghiệp, dệt, công nghiệp và và thực phẩm, y tế và xây dựng. Việc Trung Quốc tham gia đa dạng vào nền kinh tế chính trị của Turkmenistan khác hẳn cách tiếp cận của các công ty phương Tây là chỉ nhắm vào công nghiệp khai khoáng với sự nhiệt tình quá mức.
...nhưng lại không làm mất lòng Moscow
Khía cạnh thứ hai đáng lưu ý chính là khi Trung Quốc bắt đầu đường ống của mình ở Trung Á thì cũng là lúc việc Nga kiểm soát việc xuất khẩu khí gas từ Trung Á đã kết thúc. Các nhà bình luận Mỹ cố gắng khai thác khía cạnh này theo hướng Trung Quốc được và Nga mất. Nhưng việc này không hoàn toàn là trò chơi một mất một còn. Bắc Kinh đã thẳng thắn bàn về vấn đề nhạy cảm là liệu Trung Quốc có cạnh tranh với Nga đối với năng lượng ở Trung Á.
"Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, trong khi các nước Trung Á muốn đa dạng hóa nguồn xuất khẩu", Zhang Xiyuan, quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc nói trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Ashgabat. Nói cách khác, Trung Quốc có thể là điểm đến nữa của dầu và khí Trung Á trong thời khủng hoảng tài chính và nhu cầu của các nước châu Âu đối với khí tự nhiên của khu vực đã giảm sút. Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc hợp tác về năng lượng cũng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực phi năng lượng trong khu vực như hóa học, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng. Và điều đó cũng phục vụ lợi ích an ninh của Nga khi tỷ lệ thất nghiệp, nguồn cơn của sự bất ổn, giảm đi.
Điều cốt yếu mà Trung Quốc lập luận là dù đường ống dẫn khí của Turkmenistan-Uzbekistan-Kazakhstan có thể thâm nhập thị trường năng lượng châu Âu, nó cũng sẽ không ảnh hưởng tới lợi ích của Nga. Lập luận này là có cơ sở. Thông qua một dự án khổng lồ như vậy, Bắc Kinh đã giành được cái mà Moscow khao khát bấy lâu. Cơ hội của EU trong vịêc giành được nguồn cung khí của Turkmenistan thông qua dự án đường ống Nabucco được Mỹ hậu thuẫn đã gần như bằng không. Moscow có thể thở hắt ra vì điều này bởi dự án Nabucco dự định là sẽ loại bỏ việc xuất khẩu khí của Nga sang châu Âu.
Vì vậy, nếu có trò chơi một mất một còn thì nó sẽ như thế này: Trung Quốc được còn châu Âu thì mất, và Nga cũng sẽ được bởi vì từ giờ nguồn khí của Nga sẽ vẫn là nguồn cung chính cho năng lượng châu Âu trong tương lai gần. Khỏi cần phải nói, việc châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng của Nga sẽ là một con bài tốt để Moscow có thể củng cố quan hệ với các nước lớn ở châu Âu. Hơn nữa, Nga có thể thoải mái xây dựng đường ống đầy tham vọng North Stream và South Stream tới châu Âu mà không phải lo cạnh tranh với đường ống xuyên Caspi do Mỹ hậu thuẫn như kiểu Nabucco.
Điều này có thể giải thích quan điểm hài lòng của Thủ tướng Nga Vladimir Putin khi được hỏi về đường ống khí Turkmenistan - Trung Quốc: "Việc xây dựng đường ống Turkmenistan - Trung Quốc không ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đường ống của chúng tôi mà đường ống này có thể dẫn tới Trung Quốc. Tôi đang muốn nói đến lượng tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn của Trung Quốc. Chúng tôi vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với đồng nghiệp Trung Quốc về vấn đề này. Đường ống tới Turkmenistan không ảnh hưởng gì tới kế hoạch của chúng tôi".
Tuy nhiên, cuộc "tấn công địa chính trị" của Trung Quốc ở Trung Á không phải là không có trở ngại. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực này là rất mạnh mẽ. Hơn nữa, đối tác Nga của họ dường như luôn có thái độ "kép" khi nói về quan hệ của họ với NATO và việc nhất nút định hình lại quan hệ với Mỹ.
Hạnh Khuê (theo Asia Times)
vietnamnet
|