Thị trường dầu mỏ thế giới năm 2009 và triển vọng
Mặc dù kinh tế thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng được khoảng một năm, nhưng tốc độ phục hồi chậm chạp và chưa chắc chắn, làm tăng mối lo âu của các doanh nghiệp và chính phủ.
Sau những thiệt hại lớn lao do khủng hoảng gây ra, nhiều nhà đầu tư thận trọng trong việc tái đầu tư trở lại sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng tạo việc làm và hậu quả là nhu cầu chi tiêu yếu ớt, việc đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế vì thế không đạt hiệu quả mong muốn, thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách. Điều này buộc các chính phủ phải đánh giá lại hiệu quả chi tiêu ngân sách và tìm biện pháp thu hồi dần những khoản hỗ trợ, đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định và tăng trưởng trong dài hạn mặc dù có thể làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trong đó tạo thêm việc làm để kiềm chế tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp cho phép là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Vì thế, năm 2010 kinh tế thế giới còn khó khăn và chỉ tăng trưởng thấp, mặc dù khá hơn năm 2009.
Kinh tế phục hồi chậm là yếu tố cản trở tốc độ phục hồi nhu cầu và giữ giá dầu ở mức thấp, mặc dù sản lượng dầu bắt đầu tăng nhẹ từ quí 3 năm nay kể từ mùa thu năm 2008, phần lớn các công ty dầu lửa đều thua lỗ. Trong quí 3, thu nhập ròng của tập đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới Exxon Mobil chỉ đạt 4,73 tỉ USD, giảm trên 68% so cùng kỳ năm trước; công ty dầu lửa lớn nhất châu Âu Shell cũng báo cáo giảm 73% thu nhập ròng so cùng kỳ năm trước xuống còn 2,99 tỉ USD và đã phải cắt giảm 5.000 lao động; lợi nhuận của công ty khí đốt Eni (Italia) giảm 58%.
Mặc dù nhu cầu và giá dầu đã được cải thiện, nhưng triển vọng chưa chắc chắn và các công ty dầu lửa thế giới đều không kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng trong giai đoạn ngắn hạn hoặc trung hạn, có kế hoạch giảm chi phí bằng cách giảm sản lượng và lao động trong thời gian 12-18 tháng tới. Nhìn chung, thị trường dầu mỏ còn tập trung vào sự vận động của USD và TTCK. Giá dầu giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng chậm cũng tác động làm giảm mặt bằng giá cả nói chung, điển hình là tại các nước EU với mức lạm phát âm liên tiếp trong 5 tháng cho đến hết tháng 10/2009. Dự báo và số liệu thống kê cuối tháng 12 cho thấy, lạm phát tại các nước EU sẽ đạt 0,4% trong quí 4 và 0,1% trong quí 1/2010. Trong bối cảnh đó, các công ty dầu lửa đều cắt giảm sản lượng để tránh tình trạng giá dầu giảm sâu khi kinh tế thế giới bị suy thoái trầm trọng. Nhờ đó, từ cuối năm 2008, các nước OPEC không phải điều chỉnh lượng dầu khai thác do giá dầu vẫn ổn định trên mức 70 USD/thùng.
Vì những lý do nêu trên, báo cáo Hội nghị bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC tổ chức tại Luanda (Ăngola) vào ngày 22/12 cho rằng, các nước OPEC tiếp tục duy trì công suất dầu khai thác hiện hành hoặc thấp hơn do giá dầu đang dao động quanh mức phù hợp và lượng dầu tồn kho còn nhiều. Các nước OPEC không đề ra mục tiêu chính thức về giá dầu, nhưng một số nước như Arập Xê út đưa ra mức giá 75 USD/thùng là thích hợp cho tương quan cung cầu.
Theo số liệu thống kê, nhu cầu dầu trong năm 2009 đã tăng 67% sau khi giảm 54% năm 2008 do triển vọng phục hồi kinh tế. Trong đó, động lực chủ yếu là nhu cầu tại Mỹ đã tăng từ đầu tháng 12, đưa giá dầu vượt ngưỡng 75 USD/ thùng do sản lượng dầu và dầu dự trữ tại quốc gia này giảm, nhưng báo hiệu là trung tâm suy thoái (nước Mỹ) đã ổn định dần. Tuy nhiên, nhiều bộ trưởng OPEC cho rằng, nhu cầu dầu hiện nay tăng là do tác động của mùa đông sắp tới (cũng như những năm trước), nhưng sau sẽ chỉ tăng chậm. Giá dầu giao tháng 2/2010 tại Sydney chỉ đạt 74,44 USD/thùng, tại New York đạt 74,4 USD/thùng, các hợp đồng giao sau cũng đứng ở mức 74,4 USD/thùng.
Nhìn chung, dư luận đều hoan nghênh chủ trương của các nước OPEC trong việc điều chỉnh sản lượng dầu để ổn định giá dầu trong khoảng 70-80 USD/thùng, tạo điều kiện ổn định chi phí đầu vào và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hoàng Thế Thoả
SBV
|