Thứ Tư, 30/12/2009 09:12

Thanh tra chuyên đề cổ phần hóa doanh nghiệp:

Sai phạm lớn thuộc về các tập đoàn, tổng công ty

Ngày 29-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010. Phó tổng thanh tra Mai Quốc Bình cho biết lĩnh vực cổ phần hóa DN nhà nước, ngành thanh tra phát hiện sai phạm tài chính 3.747 tỉ đồng, gần 13,5 triệu cổ phần...; kiến nghị xử lý hành chính 48 cá nhân, 10 tập thể và chuyển cơ quan điều tra ba vụ việc.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá cao công tác thanh tra năm 2009, nhất là việc thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra kinh tế - xã hội ở nhiều địa bàn, lĩnh vực quan trọng và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Phó thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra trong năm 2010 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiến hành thanh tra tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị, đề xuất xử lý, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành sao cho hiệu quả hơn. Đối với công tác phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra phải phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng.

172/189 doanh nghiệp (DN) có sai phạm trong cổ phần hóa

Tại hội nghị, Phó tổng thanh tra Mai Quốc Bình cho biết kết thúc thanh tra lĩnh vực cổ phần hóa DN nhà nước, ngành thanh tra phát hiện sai phạm tài chính 3.747 tỉ đồng, gần 13,5 triệu cổ phần...; kiến nghị xử lý hành chính 48 cá nhân, 10 tập thể và chuyển cơ quan điều tra ba vụ việc.

Ông Bình nêu ra các nội dung sai phạm chủ yếu của cổ phần hóa được thanh tra xác định gồm việc xác định giá trị DN, việc bán đấu giá cổ phần, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, việc đầu tư tài chính sau cổ phần hóa có nhiều đơn vị không thực hiện đúng quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, làm thiệt hại lợi ích của người lao động. Trong đó, sai phạm lớn về tài chính chủ yếu thuộc về các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước.

Trong năm 2009, ngành thanh tra tiến hành thanh tra về cổ phần hóa tại 189 DN, trong đó phát hiện 172 DN có khuyết điểm, sai phạm. Điển hình là Công ty địa ốc Tân Bình, TP.HCM đã bỏ ngoài danh sách kiểm kê hai căn nhà trị giá trên 2,2 tỉ đồng và 48 căn hộ chung cư.

Tăng cường kiểm tra

Về xác định giá trị DN, các công ty tư vấn thường không thực hiện đúng theo nguyên tắc giá thị trường, sử dụng các số liệu kế toán lạc hậu làm căn cứ định giá nên giá trị tài sản của DN cổ phần hóa bị xác định thấp hơn thực tế. Mặt khác, hội đồng xác định giá trị DN cố ý hiểu khác hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định chất lượng tài sản để hạ thấp giá trị. Cụ thể như Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng hạ thấp tỉ lệ chất lượng xuống còn hơn 4 tỉ đồng, Công ty cổ phần cảng Cửa Cấm xác định giá trị DN thiếu hơn 2,1 tỉ đồng...

Qua đợt thanh tra chuyên đề, ngành thanh tra phát hiện sai phạm trong việc mua bán 13,449 triệu cổ phần bán theo chế độ ưu đãi đối với người lao động cho đối tượng ngoài DN, bán ưu đãi cho các đối tượng không đủ điều kiện làm cổ đông chiến lược...

Trong đó, riêng Vinaconex bán cổ phần ưu đãi cho bảy nhà đầu tư chiến lược vượt mức quy định trên 10 triệu cổ phần với giá trị ưu đãi sai trên 53 tỉ đồng, bán cổ phần ưu đãi cho năm nhà đầu tư không đủ điều kiện cổ đông chiến lược với giá trị ưu đãi sai trên 26 tỉ đồng.

Liên quan đến một phần tài sản DN là việc quản lý sử dụng đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất, nhiều DN tính thiếu giá trị hoặc không tính vào giá trị DN; sử dụng sai mục đích, lãng phí, có trường hợp làm trái, hợp thức hóa chuyển hồ sơ cho cá nhân.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra Vinaconex không xác định vào giá trị DN quyền sử dụng đất được giao thực hiện dự án lên đến 270 tỉ đồng, VNPT không ký hợp đồng thuê trên 54.000m2 đất đang sử dụng của Nhà nước. Ngoài ra, việc hạch toán sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước còn bị các DN thực hiện sai, kê khai và nộp thiếu thuế. Điển hình là 16/17 công ty cổ phần thuộc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn nợ đọng gần 99 tỉ đồng thuế.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ban chỉ đạo đổi mới DN trung ương, các bộ ngành đánh giá, rút kinh nghiệm, tăng cường kiểm tra, thanh tra để khắc phục tồn tại yếu kém của công tác cổ phần hóa DN nhà nước. Đối với Bộ Tài chính, đề nghị rà soát các quy định về cổ phần hóa DN, kiến nghị Thủ tướng sửa đổi, bổ sung đầy đủ, trong đó cần chú ý đến việc xử lý tài chính khi cổ phần hóa DN, xác định giá trị DN, việc bán cổ phần...

Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền: Sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong năm 2009 đã tốt hơn, số lượng được xử lý cũng nhiều hơn. Điều này được Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Truyền cho biết bên lề hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2009 tổ chức ngày 29-12.

Ông Truyền nói:

- Công tác thanh tra trách nhiệm chính là đánh giá lại công tác quản lý tổ chức điều hành và thực hiện các vấn đề pháp luật đã quy định về chức trách nhiệm vụ, có tác dụng chính là thúc đẩy trách nhiệm. Việc thúc đẩy trách nhiệm giúp thủ trưởng các địa phương, đơn vị bám sát trách nhiệm mình hơn, làm tốt trách nhiệm, nâng được hiệu quả, hiệu lực điều hành quản lý nhà nước.

Thanh tra còn là để thúc đẩy trách nhiệm

* Từ các cuộc thanh tra đã được thực hiện, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đến đâu, thưa ông?

- Đương nhiên xử lý là điều rất cần khi phát hiện có tình trạng yếu kém trong quản lý, vi phạm về kỷ cương, vi phạm pháp luật nhưng thanh tra còn nhằm thúc đẩy sự phát triển ngày càng tốt hơn chứ không phải thanh tra chỉ để xử.

Về xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nhất là ở một số địa phương khi xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều vụ việc tham nhũng mà không giải quyết đều có nhiều nguyên nhân. Trong đó có quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm. Khi xảy ra địa phương không tự phát hiện, không tự giải quyết, thậm chí còn che giấu khuyết điểm, sợ trách nhiệm... thì phải xét đến trách nhiệm người đứng đầu. Năm nay xem xét trách nhiệm người đứng đầu có tốt hơn trước, số lượng xử lý đã nhiều hơn trước.

* Có một thực tế là các kết luận thanh tra thường đề nghị kiểm điểm trách nhiệm chung và cơ quan thanh tra không thể xử lý kỷ luật. Vậy việc theo dõi thực hiện tiếp theo như thế nào?

- Gần đây, nhất là năm 2009, mọi kết luận thanh tra đều nêu rõ kiểm điểm tập thể nào về nội dung gì, cá nhân nào về lỗi gì. Trên cơ sở thanh tra, chúng tôi đưa ra: trường hợp này thì phải kiểm điểm và xử lý theo quy định của pháp luật hay theo hành chính... Có những trường hợp đủ yếu tố xử lý hình sự thì chúng tôi chuyển sang Cơ quan điều tra Bộ Công an để xem xét.

Tôi thừa nhận rằng có rất nhiều trường hợp đã phát hiện nhưng không kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tất nhiên TTCP thường kiến nghị phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý người này, người kia có trong mọi kết luận thanh tra. Còn việc xử lý hay không còn thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý đối với tổ chức, cán bộ đó chứ không phải trách nhiệm thanh tra. Thanh tra không thể bảo cách chức anh này, khiển trách anh kia được.

Cứng rắn hơn!

* Như vậy, TTCP có biện pháp gì để nắm được việc xử lý kỷ luật, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, có được thực hiện hay không?

- Về nguyên tắc, đơn vị bị thanh tra phải thực hiện báo cáo lên Thủ tướng và thông báo cho cơ quan thanh tra về việc xử lý này. Nhưng cũng phải thừa nhận vừa qua có nhiều trường hợp chẳng những không thực hiện việc kiểm điểm mà cũng không thông tin đến TTCP.

Cho nên, TTCP khắc phục bằng cách phúc tra lại tất cả cuộc thanh tra. Bước đầu cho thấy có 60-80% cuộc thanh tra đã được thực hiện các kiến nghị, cả về kinh tế cũng như xử lý trách nhiệm. Những trường hợp TTCP yêu cầu kiểm điểm xử lý nhưng không thực hiện thì chúng tôi sẽ yêu cầu những cơ quan có chức năng cao hơn áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn.

* Cơ quan chức năng cao hơn là cơ quan nào và những biện pháp cứng rắn hơn là biện pháp gì, thưa ông?

- Hiện nay, thanh tra đã có quy chế phối hợp với cơ quan kiểm tra, ở đây là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Vừa qua, TTCP đã chuyển tất cả kết luận thanh tra sang Ủy ban Kiểm tra, thậm chí có rất nhiều vụ việc tôi đích thân trực tiếp báo cáo Ủy ban Kiểm tra. Có nhiều vụ tôi kiến nghị đến cùng, đến Ban Bí thư, đến Ủy ban Kiểm tra trong một số trường hợp mà cơ quan chủ quản không giải quyết.

Qua đó, tôi thấy hầu hết các kiến nghị của thanh tra đều được xem xét như vừa qua là thanh tra các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp và một loạt địa phương khác có vấn đề. Nhiều vụ việc được TTCP phát hiện và kiến nghị ủy ban đã được kiểm tra, xử lý. Mới đây nhất, trường hợp của Vinaconex chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chủ quản nhưng chưa xem xét nên TTCP cũng chuyển toàn bộ kết quả thanh tra sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tiếp tục xem xét, xử lý.

* Xin cảm ơn ông.

DN lớn, sai phạm càng lớn

Đối với việc thu, nộp tiền cổ phần hóa và quản lý sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DN, các công ty cổ phần thường thực hiện không đúng quy định về thanh quyết toán, cố tình nộp chậm, dây dưa để chiếm dụng vốn... nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty như Vinaconex, Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT).

Riêng Vinaconex không nộp đúng hạn để chiếm dụng các khoản tiền cổ phần hóa lên đến trên 1.082 tỉ đồng và lãi chậm nộp 241 tỉ đồng. EVN dùng quỹ chi tạm ứng cho các dự án đầu tư sai quy định gần 757 tỉ đồng, VNPT chậm nộp tiền cổ phần hóa, cổ tức phần vốn nhà nước về quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DN hơn 82 tỉ đồng...

Nhiều cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm

Năm 2009, ngành thanh tra đã triển khai 3.745 cuộc thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, 10.037 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, 46.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 829 tập thể, 3.186 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 103.405 tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 95 vụ việc. Về kinh tế, phát hiện thiếu sót, sai phạm gần 28.000 tỉ đồng, trên 11.300m2 nhà, trên 2.700m2 đất.

Minh Quang

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa 16 doanh nghiệp ngành Nông nghiệp (28/12/2009)

>   Đấu giá 4,800 cp Minh Khai Thái Bình, khởi điểm 599,000 đồng/cp (28/12/2009)

>   Yêu cầu xử lý nhiều sai phạm tại VNPT (25/12/2009)

>   TrabusBD đấu giá lần 3 với hơn 1.67 triệu cp (23/12/2009)

>   Chưa chỉ đạo quyết liệt (23/12/2009)

>   Giá đấu bình quân 5.6 triệu cp Machinoimport đạt 10,509 đồng/cp (21/12/2009)

>   CPH Sacombank - SBS mang lại 300 tỷ đồng lãi cho STB (18/12/2009)

>   Machinoimport: Khối lượng đăng ký mua cổ phần đạt 100.9% (16/12/2009)

>   Một Bến xe ô tô khách đấu giá hơn 3.18 triệu cp (15/12/2009)

>   Ô tô Tra-Las IPO thành công, thu về hơn 17.74 tỷ đồng (15/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật