Thứ Sáu, 25/12/2009 16:52

Quý I/2010, dòng tiền sẽ quay lại TTCK

Quý I/2010, chính sách tài chính, tiền tệ dự kiến sẽ tương đối ổn định, cộng với quy luật sau Tết Nguyên đán, nguồn vốn của các NHTM khá dồi dào.

TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, những yếu tố trên sẽ tạo thuận lợi cho dòng tiền quay trở lại nhiều thị trường quan trọng của nền kinh tế, trong đó có TTCK.

Ông có thể phân tích kỹ hơn cơ sở để dòng tiền sẽ quay lại TTCK, cũng như nhiều thị trường khác trong quý I/2010?

Thị trường tiền tệ trong quý I/2010 có hai đặc thù trái ngược nhau. Đó là từ nay đến Tết Nguyên đán, cung tiền sẽ căng thẳng do nhu cầu vốn tăng để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong dịp Tết, các DN cần vốn mua nguyên vật liệu dự trữ, trong khi khả năng huy động vốn của các NHTM hạn chế.

Một lượng tiền khá lớn chi cho lương, thưởng Tết cũng gây áp lực đáng kể lên nguồn cung tiền. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tình hình sẽ diễn biến ngược lại với cung tiền khá dồi dào nhờ các nguồn: tiền bán hàng Tết DN chưa sử dụng ngay, lượng tiền nhàn rỗi trong dân nhiều...

Theo quy luật, sau Tết Nguyên đán, lượng vốn huy động được của các NHTM tăng khá mạnh, trong khi nhu cầu vay của các khách hàng, nhất là DN chưa nhiều, cộng với đầu năm gần như không bị áp lực khống chế tăng trưởng tín dụng, nên các NHTM sẽ mở rộng hầu bao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người vay.

Diễn biến này của thị trường tiền tệ sẽ khơi thông dòng tiền cho TTCK, thưa ông?

Đúng vậy, sẽ có một dòng tiền đáng kể không chỉ chờ TTCK, mà nhiều lĩnh vực kinh doanh khác hấp thụ. Khi "cơn khát" dòng tiền được giải toả, cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô tốt lên, chắc chắn TTCK sẽ có bước tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, nếu nhìn cả năm 2010, ông có cho rằng sẽ có nghịch lý trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, đó là một mặt phải đáp ứng được tốc độ tăng trưởng khá nhanh của nền kinh tế nhưng phải đảm bảo cân đối vĩ mô, mà mục tiêu lớn là không để lạm phát quay lại?

Đây là mâu thuẫn mà việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2010 phải đối mặt. Nhìn vào các chỉ tiêu của nền kinh tế trong năm tới như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, lạm phát dưới 7%, tổng mức đầu tư toàn xã hội trên 40% GDP..., có thể thấy định hướng tăng trưởng khá nhanh của nền kinh tế so với năm 2009.

Điều này đòi hỏi các chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính - tiền tệ phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu trên. Tuy nhiên, yêu cầu này đang gặp thách thức, vì hiện tại mặt bằng lãi suất và tỷ giá USD/VND đã khá cao, nếu tăng nữa sẽ tác động không tích cực đến hoạt động sản xuất của DN, nhưng nếu giữ cứng quá thì ảnh hưởng đến lạm phát.

Thêm vào đó tình trạng thâm hụt ngân sách, nhập siêu lớn, dự trữ ngoại tệ giảm... trong năm 2009, cũng sẽ gây áp lực cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2010.

Theo ông, làm thế nào để dung hoà hợp lý hai mục tiêu trên nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh, vững chắc của nền kinh tế?

Điều quan trọng là phải rất chú ý điều hành chính sách tài khoá linh hoạt, để hỗ trợ đắc lực cho chính sách tiền tệ. Trong đó, cần tập trung dồn sức cho giải ngân hiệu quả nguồn vốn FDI, ODA vào những dự án sớm hoàn thành, tạo ra nhiều hàng hoá, công ăn việc làm... Đối với các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần tiếp tục rà soát, loại bỏ các dự án kém khả thi, hiệu quả không cao, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Khi chỉ số ICOR giảm sẽ tiết kiệm nguồn vốn đầu tư cho cả khu vực công và khu vực tư. Để nền kinh tế thực sự có chuyển biến về chất, năm 2010 nên tạo đột phá trong việc "lái" các nguồn vốn đầu tư vào những khu vực, dự án có hiệu quả kinh tế cao.

Trong bối cảnh xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới chưa đủ mạnh, thậm chí có quốc gia, khu vực chưa định hình một xu hướng rõ rệt, đòi hỏi việc điều hành chính sách tài chính tiền tệ trong năm tới phải có những giải pháp mới, khôn khéo và linh hoạt.

Cụ thể là những biện pháp nào, thưa ông?

Đó là hoạt động dự báo, phân tích diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước phải rất sắc bén, nhanh nhạy, vì cũng giống như chẩn đoán bệnh nhân, nếu đưa ra nguyên nhân gây bệnh không đúng tất yếu sẽ điều trị sai và gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Khi bắt đúng bệnh, cần đưa ra biện pháp xử lý ngay, vì thực tiễn diễn biến kinh tế phức tạp thời gian qua nhất là trên thị trường tiền tệ chứng minh một giải pháp hôm nay đúng, nhưng ngày mai có thể sai.

Cần nâng cao vai trò của hoạt động kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, để hỗ thời xử lý các vấn đề phát sinh, thì mới có thể giảm thiểu những phản ứng dây chuyền gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Hữu Hòe

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   VNC chốt danh sách dự ĐHĐCĐ thường niên 2010 (25/12/2009)

>   TIX khởi công 2 dự án với tổng đầu tư trên 530 tỷ đồng (25/12/2009)

>   Cổ phiếu mới lên sàn liên tục tăng trần: Đãi người mới? (25/12/2009)

>   Mọi giao dịch chứng khoán sẽ bị khấu trừ 0,1% (25/12/2009)

>   Tăng dần áp lực nguồn cung khi phát hành thêm cổ phiếu (25/12/2009)

>   Gần 300 vụ kiện liên quan quyền mua cổ phiếu (25/12/2009)

>   LOD Corp huy động vốn xây Trường cao đẳng nghề (25/12/2009)

>   TIX tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2009 vào 09/01 (24/12/2009)

>   KLS chốt danh sách tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2010 (24/12/2009)

>   Sức mạnh của chính sách tiền tệ (24/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật