Thứ Sáu, 11/12/2009 18:05

Quỹ đầu tư chuyển hướng

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế ở Việt Nam đã làm bộc lộ những ngành nào có tiềm năng thực sự, không chịu nhiều tác động. Nhiều quỹ đầu tư do thua lỗ đang bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực ổn định và nhiều tiềm năng này.

Thay đổi lĩnh vực đầu tư

Khi huy động vốn để thành lập, các quỹ đầu tư đều đưa ra những tiêu chí đầu tư vào những ngành cụ thể, trong suốt quá trình hoạt động của quỹ, những tiêu chí đó hầu như ít thay đổi. Tuy nhiên, sau đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua, những lĩnh vực mà trước đây các quỹ đầu tư thường quan tâm như bất động sản, tài chính, bảo hiểm, chế biến gỗ, thủy sản xuất khẩu… đều bị ảnh hưởng mạnh khiến nhiều quỹ thua lỗ. Vốn không còn dồi dào như trước, lại gặp khó khăn trong việc huy động thêm vốn, một số quỹ đang thực hiện việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, đồng thời quan tâm hơn đến những lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, thương mại…

Ông Ken Atkinson, Tổng giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton Việt Nam, cho rằng trong thời kỳ có những bất ổn về kinh tế, những ngành đầu tư hấp dẫn nhất thường sẽ là những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng từ thị trường. Điều này được chứng minh qua kết quả khảo sát mới đây của Grant Thornton Việt Nam dựa trên ý kiến của hơn 200 nhà đầu tư và các chuyên gia tư vấn đầu tư vào Việt Nam mà công ty đã khảo sát vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2009. Theo khảo sát này, có gần 80% số người được hỏi cho rằng y tế và dược phẩm là lĩnh vực đầu tư triển vọng nhất tại Việt Nam trong thời gian tới. Các lĩnh vực đầu tư có triển vọng tiếp theo là bán lẻ, dịch vụ tài chính, địa ốc, nông nghiệp và khách sạn du lịch.

Không nằm ngoài xu hướng trên, giám đốc điều hành một quỹ đầu tư có tổng số vốn khoảng 100 triệu đô la Mỹ cho biết, sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, quỹ của ông đã mất khoảng 25% tổng số vốn trong danh mục đầu tư. Việc cần làm của quỹ lúc này là rà soát, thoái vốn đối với những dự án có tỷ suất sinh lời thấp, ưu tiên các dự án có lợi nhuận tăng trưởng ổn định, ít rủi ro, không đầu tư dàn trải như trước.

Tuy không khẳng định quỹ có thay đổi cách thức đầu tư hay không, nhưng vị giám đốc này nói bóng gió rằng hiện nay một số quỹ quan tâm nhiều đến những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng có thị trường mạnh trong nước, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu. Quỹ cũng chú ý đến các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực cơ bản như sản xuất hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và thương mại. Do những lĩnh vực này được cho là ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và mức độ phục hồi sau khủng hoảng cũng nhanh hơn. Riêng đối với những ngành trước đây được coi là hấp dẫn giới đầu tư như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản... trong đợt khủng hoảng vừa qua bị tác động mạnh và đang chững lại, các quỹ đầu tư không còn quan tâm nhiều như trước, vị giám đốc trên cho biết.

Vào trung tuần tháng 10-2009, việc hai tập đoàn quản lý quỹ đầu tư là VinaCapital và DWS Vietnam Fund (thuộc Deutsche Bank Group) ký kết hợp tác đầu tư 20 triệu đô la Mỹ vào tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ được giới phân tích cho rằng đây là sự chuyển dịch trong cơ cấu đầu tư của các quỹ, khi mảng y tế không phải thế mạnh của hai quỹ này.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố đầu tư khi ấy, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành quản lý quỹ đầu tư của VinaCapital, cho biết trong chiến lược đầu tư trung và dài hạn, tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư, VinaCapital vừa bán lại cổ phần của dự án cao ốc A&B tại quận 1, TPHCM, và khách sạn 5 sao Hilton ở Hà Nội để tái đầu tư vào các dự án khác ở Việt Nam, trong đó có khoản đầu tư vào Hoàn Mỹ.

VinaCapital hiện quản lý tài sản trị giá gần 2 tỉ đô la Mỹ. Tập đoàn này đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam như y tế, giáo dục, xử lý môi trường.

Chuyển hướng

Theo khảo sát của Nielsen, tính đến quí 3-2009, Việt Nam xếp thứ năm trên thế giới về chỉ số lạc quan tiêu dùng. Theo đó, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đạt 109 điểm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 18-20% năm.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội kinh doanh. Dự báo trong hai hoặc ba năm tới sẽ có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài có mặt ở thị trường Việt Nam, và các quỹ đầu tư cũng không bỏ qua cơ hội này.

Ông Hồ Văn Tuyên, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Mekong, cho biết Quỹ Đầu tư Saigon Mekong vẫn tập trung cho lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực được xem là thế mạnh của quỹ. Nhưng ông Tuyên cũng tiết lộ rằng thị trường bán lẻ đang được công ty ông quan tâm.

Hiện Quỹ Saigon Mekong đang lập thêm một quỹ mới, với mục tiêu đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực thương mại bán lẻ. Ông Tuyên cũng cho biết thêm, hiện quỹ đã huy động được nguồn vốn trong nước khoảng 300 tỉ đồng. Bên cạnh đó, quỹ cũng nhận được sự cam kết của một số nhà đầu tư cá nhân trong ngành bán lẻ tại Mỹ, dự kiến quỹ này sẽ hoàn chỉnh thủ tục xin giấy phép vào tháng 1-2010 và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào khoảng tháng 2, tháng 3-2010. Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư khác thì cho rằng trước đây quỹ thường đầu tư vào những ngành có nhiều tiềm năng như chế biến gỗ, thủy sản, bất động sản một cách dài hơi và tham gia một phần vào công việc quản trị doanh nghiệp, nay do nguồn nhân lực không nhiều, việc huy động vốn ở thời điểm này không hề đơn giản, nên tiêu chí số một của quỹ hiện nay là đầu tư vào những lĩnh vực không phải tham gia nhiều vào việc điều hành và lợi nhuận tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, việc đầu tư của quỹ thường phải dựa vào sự tăng trưởng GDP và của riêng từng ngành. Các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu trong lĩnh vực tiêu dùng và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ nằm trong tầm ngắm của quỹ. Chẳng hạn, vị giám đốc này đưa ra ví dụ: GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng trong năm 2010 là 6,5% ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng 19,5% trong năm tới.

Hiện quỹ này đang trong quá trình huy động vốn, dự kiến sẽ ra mắt một quỹ mới vào giữa năm 2010, với số vốn khoảng 250-300 triệu đô la Mỹ. Vị giám đốc này cho rằng thị trường bán lẻ tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, sở hữu khoảng 30% cổ phần của một doanh nghiệp ước khoảng 2-5 triệu đô la Mỹ là khá rẻ. Với tổng số tiền huy động dự kiến, quỹ sẽ đầu tư được rất nhiều doanh nghiệp.

Hay như AIM Capital Management, Ltd. (Quỹ đầu tư AIM Capital) có vốn đầu tư 18 triệu đô la Mỹ, và đang có kế hoạch huy động thêm vốn từ các cá nhân nước ngoài trong thời gian tới. Trước đó AIM Capital chủ yếu tập trung hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam và Campuchia, với hình thức góp cổ phần vào các khách sạn, nhà hàng, hoặc những nhà cung cấp dịch vụ nhân sự tại Việt Nam. Ông O’Connor, Giám đốc điều hành AIM Capital, cho biết hiện quỹ đang tích cực bổ sung các công ty tăng trưởng nhanh trong các ngành như hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, giáo dục, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng công nghiệp và thương mại, xây dựng, du lịch và nhà hàng-khách sạn, thương mại, phân phối và thương mại điện tử vào danh mục đầu tư.

Nguyễn Quân

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu thử nghiệm 30.000 tấn phâm đạm Phú Mỹ (11/12/2009)

>   Sông Đà 4 thầu thi công thủy điện Nậm Na 3 (11/12/2009)

>   Dập tắt tin đồn để không làm xói mòn lòng tin (11/12/2009)

>   SSI: Thành lập Chi nhánh Nha Trang  (11/12/2009)

>   “Xén” thủ tục hành chính để phát triển NĐT tổ chức (11/12/2009)

>   “Bắt lỗi” công ty đại chúng chậm, vì sao? (11/12/2009)

>   PVI hợp tác với 5 đối tác nước ngoài (11/12/2009)

>   Đón "sóng" cổ phiếu bất động sản (11/12/2009)

>   SGD xin kiến cổ đông bổ sung thêm kinh doanh bất động sản (10/12/2009)

>   Từ 1/1/2010: Sẽ chính thức thu thuế kinh doanh chứng khoán (10/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật