Thứ Bảy, 26/12/2009 07:14

Nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh 

Thanh khoản kém của thị trường OTC khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) chỉ biết trông chờ cổ phiếu (CP) sớm lên sàn niêm yết để thu hồi vốn. Áp lực bán ra của các NĐT này dẫn đến việc CP mới lên sàn bị nhiễu thông tin...

Thở phào...

Đó là tâm trạng của nhiều NĐT như chị Loan, đã nắm giữ CP của Công ty CP dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) từ giữa năm 2008 đến nay. Sau khi chào sàn, giá DXG cũng đã có mấy phiên tăng liên tục nên chị Loan bán được giá mong muốn. Chị cho biết, đầu năm nay dù rất cần tiền để sử dụng cho gia đình nhưng vẫn khó tìm được người mua CP này. Vì vậy khi CP lên sàn chị cảm thấy "nhẹ cả người". Một NĐT tên Hà cho biết chị đang sở hữu một số CP của Công ty CP thủy sản Việt Thắng nhưng không thể nào bán được. Hiện công ty này đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn TP.HCM nên chị hy vọng không bao lâu nữa có thể bán đi để lấy tiền chi dùng cuối năm.

Có thể nói, tình trạng NĐT trông chờ CP mình nắm giữ nhanh chóng lên sàn niêm yết khá phổ biến trên thị trường OTC hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu, sự mất thanh khoản đi cùng mất giá trên thị trường OTC đã trở nên trầm trọng hơn trong thời gian gần đây. Trong đó khá nhiều CP của các công ty mà NĐT không biết thông tin về hoạt động, thậm chí chưa hề nghe đến tên doanh nghiệp.

Ở một số trường hợp khác, nhiều cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp đã nắm giữ CP khá lâu nhưng cũng không biết bán ra ở đâu khi cần tiền. Đó là trường hợp của chị Dung - một nhân viên của Công ty CP thương mại Bến Thành, nắm giữ CP này đã gần 6 năm. Chị cho biết dù cũng có lúc nghe tăng rồi nghe giảm nhưng loay hoay không biết phải làm thế nào mới bán được. "Giờ nghe công ty chuẩn bị đưa CP lên sàn giao dịch thì mừng quá. Chắc mình phải lo bán ra để lấy tiền còn lo những việc khác chứ để tiền chôn đó mà không làm được gì", chị Dung nói.

Nhu cầu giao dịch hay làm tăng tính thanh khoản cho CP của doanh nghiệp đang ngày càng lớn cũng là một trong những điều kiện để thúc đẩy các công ty nhanh chóng lên sàn. Thế nhưng chính điều đó cũng sẽ tạo ra một áp lực bán khá lớn đối với các CP này.

Cảnh giác

Theo ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh Ngô Lê Cát, Công ty chứng khoán ACB - NĐT phải cẩn thận với những CP mới chào sàn. Áp lực bán ra của các cổ đông sau một thời gian bị "chôn vốn" sẽ khiến thông tin về CP bị méo mó.

Tương tự, giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận định, nguồn cung các CP mới cộng với lượng CP phát hành thêm của các doanh nghiệp đang hiện diện trên sàn sẽ phần nào tác động đến thị trường. Nếu như các CP mới không thật sự có chất lượng sẽ ít thu hút được NĐT, thậm chí bị giảm giá sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chung của chỉ số VN-Index.

"Thứ nhất vì thông tin về doanh nghiệp chưa được công bố nhiều ngoài bảng cáo bạch nên NĐT khó có cơ hội tìm hiểu kỹ.

Thứ hai là áp lực bán ra CP đó từ các NĐT đã nắm giữ từ trước cũng có thể khiến cho động cơ làm giá để xả hàng gia tăng. Không loại trừ các thông tin về CP mới cũng được "bơm thổi" quá sự thật nên NĐT dễ gặp phải các rủi ro khi mua vào, đặc biệt là các NĐT chuyên săn lùng các "tân binh" mới lên sàn để lướt sóng. Tuy nhiên sự lựa chọn CP nào là tùy thuộc vào bản thân mỗi NĐT với khả năng phân tích, đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp" - vị giám đốc này nói.

Từ một góc nhìn tích cực, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, lượng cung hàng hóa mới trên sàn là một việc làm tốt để cho NĐT có thêm cơ hội lựa chọn. Hơn nữa, chính những CP mới này sẽ tạo thêm một không khí sôi động hơn cho thị trường. Tuy nhiên khó xảy ra hiện tượng CP mới chào sàn tăng giá liên tục để NĐT có cơ hội lướt sóng. Nhất là khi thị trường vừa trải qua những đợt giảm khá mạnh, nhiều NĐT vẫn khá thận trọng.

"Một siêu thị càng rộng lớn và hàng hóa càng nhiều, càng phong phú thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến mua sắm hơn là những siêu thị nhỏ với hàng hóa lèo tèo chỉ mấy món. Chúng ta không nên sợ hãi và cho rằng nguồn cung nhiều sẽ khiến thị trường giảm. Nhưng tất nhiên NĐT cũng phải xem xét "sức khỏe" của doanh nghiệp để lựa chọn mua vào với mức giá hợp lý", ông Hiển nói.

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng nhẹ sau 4 phiên giảm liên tiếp (25/12/2009)

>   In Hàng không lưu ký 1.7 triệu cp giao dịch UPCoM (25/12/2009)

>   Sàn UPCoM cần được “tiếp sức” (25/12/2009)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp (25/12/2009)

>   Ảm đạm thị trường OTC (24/12/2009)

>   Khi nhà đầu tư ngoại đi vắng (24/12/2009)

>   May Xuất khẩu Phan Thiết giao dịch trên UPCoM từ 04/01/2010 (23/12/2009)

>   UPCoM-Index tiếp tục mất điểm  (23/12/2009)

>   OTC: Vẫn lình xình (23/12/2009)

>   Sẽ bớt quan ngại về dòng tiền (23/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật