Thứ Năm, 31/12/2009 17:24

Kinh tế thế giới 2010: Khó khăn phía trước

Alfred Marshall, nhà kinh tế học Anh thời nữ hoàng Victoria có một nhận xét chí lý về khủng hoảng: “Cơn bão thương mại thường để lại trên đường đi sự tàn phá. Khi bão tan, thế giới lại yên tĩnh nhưng là sự yên tĩnh nặng nề và mờ mịt”. Nhận định ấy có thể hơi bi quan nếu áp dụng cho năm 2010 - được kỳ vọng là năm kinh tế sẽ hồi phục sau cơn bão tài chính 2008-2009.

Vất vả hơn dự tính

Theo nhận định của John Micklethwait, Tổng biên tập tuần báo The Economist, năm 2010 chỉ có khả năng mang lại sự tăng trưởng yếu ớt thay cho việc rơi vào một cơn bão mới; phương Tây hy vọng sẽ có những bước tiến nhỏ, còn các nền kinh tế đang phát triển sẽ bộc lộ những dấu hiệu khởi sắc.

Ngay từ tháng 4-2009 các nhà báo đã phát hiện những mầm mống tăng trưởng, các nhà kinh tế báo cáo số liệu gia tăng sản lượng và nhà đầu tư hoan hỉ bỏ túi những khoản lợi nhuận nhờ giá cổ phiếu tăng trở lại, nhưng hàng triệu gia đình vẫn mất việc làm, tình trạng sa thải nhân viên khiến các công sở trở nên bất ổn và những hiện tượng đó sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2010.

Năm 2009 tổng sản lượng toàn cầu suy giảm khoảng 1%, và là năm đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai kinh tế thế giới bị teo lại. Vào nửa cuối năm, các nền kinh tế lớn đã ngừng suy thoái và những người lạc quan hy vọng vào một sự phục hồi hình chữ V. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng trong cuối năm 2009 đến từ hai nguồn chính: các nhà máy gia tăng sản xuất để bù đắp cho các kho hàng trống rỗng và các chính phủ tung ra những chương trình kích cầu khổng lồ, cắt giảm thuế và hạ thấp lãi suất cho vay. Giờ đây, khi các kho hàng đã đầy, sản xuất có thể lại đình đốn nếu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa không tăng. Các chính phủ cũng không thể tài trợ mãi mãi cho các chương trình kích cầu khi tình trạng thâm hụt ngân sách đã lên mức báo động. Chính vì thế, cuộc tăng trưởng kinh tế năm 2010 sẽ vất vả hơn dự kiến.

Khả năng gia tăng tiêu thụ gần như không thể xảy ra trong hoàn cảnh nạn thất nghiệp và nợ nần còn đè nặng lên người tiêu dùng khắp các nước. Người tiêu dùng Mỹ - mà thói quen chi tiêu hào phóng đã giúp tạo ra cuộc bùng nổ kinh tế trước đây - chắc chắn vẫn sẽ thắt lưng buộc bụng để cân bằng tài khoản gia đình bị thâm thủng nặng do nợ nần và thất nghiệp. Toàn khối OECD đã có 25 triệu người mất việc, chẳng bao lâu nữa, tình trạng “cứ 10 người có 1 người thất nghiệp” sẽ trở thành hiện tượng bình thường trong xã hội. Ở châu Âu, nợ của cá nhân tương đối thấp nhưng hệ thống ngân hàng quá ốm yếu. Nhật Bản, sau nhiều năm thiểu phát, hiện không có khả năng dẫn đầu cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bài học Nhật Bản

Nhật Bản là một bài học cho kinh tế năm 2010: phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi sự cân bằng, các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết những nhiệm vụ hết sức khó khăn và mâu thuẫn: chống thiểu phát nhưng phải để mắt tới lạm phát, nhanh chóng làm sạch hệ thống ngân hàng nhưng phải giữ cho dòng chảy tín dụng thông suốt, bơm tiền vào thị trường để kích thích kinh tế nhưng phải có cách cắt giảm nợ công. Nếu làm tốt những nhiệm vụ này thì tiến trình phục hồi có thể xảy ra theo hình chữ V, nếu làm sai thì hình chữ W sẽ xuất hiện.

Nhờ hành động của các ngân hàng trung ương và các chính phủ hiện nay có hệ thống hơn nhiều so với Nhật Bản trong thập niên 1990, khả năng tốt nhất là kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn. Nhưng theo ông Robin Bew, nhà kinh tế trưởng của cơ quan thông tin kinh tế EIU, tình trạng mất cân bằng kinh tế thế giới nhiều năm qua không thể được khắc phục chỉ trong vài tháng, cho nên năm 2010 sẽ có hai xu thế rõ rệt: các nước giàu sẽ cố giữ tiến trình hồi phục hình chữ V còn ở các nước đang phát triển, chi tiêu của chính phủ vẫn tiếp tục giữ cho các nhà máy hoạt động được trong lúc các nhà hoạch định chính sách tìm cách tái cân bằng nền kinh tế thông qua các chương trình tái cơ cấu.

Hiện tượng Trung Quốc

Trong thế giới đang phát triển, Trung Quốc và Ấn Độ nhanh chóng vượt lên trước, thoát ra khỏi suy thoái. Nhưng các nước khác cũng không kém. Một nước Indonesia tự tin hơn chẳng hạn có thể thay thế nước Nga trì trệ trong khối 4 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất; năm 2010 khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) có thể biến thành khối BICI (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia) hay có thể là BRIIC. Tuy vậy, phần lớn sự tăng trưởng ở các nước đang phát triển vẫn xuất phát từ biện pháp kích thích của chính phủ hơn là nhu cầu của khối tư nhân. Hơn nữa, những nền kinh tế này dù phát triển nhanh cũng không đủ lớn để vực dậy toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Trung Quốc là một hiện tượng của năm 2010. Sự suy giảm của kinh tế Mỹ và châu Âu làm đình trệ xuất khẩu của Trung Quốc nhưng chính phủ nước này đã kịp thời ban hành gói kích cầu lớn. Kích cầu, cùng với bùng nổ tín dụng theo chỉ đạo của nhà nước đã giữ được tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 8%. Trong năm 2010, nếu muốn, Trung Quốc có thể duy trì tốc độ này. Tuy không thể tin cậy nhiều vào tính bền vững của sự bùng nổ chi tiêu theo kế hoạch nhà nước và kinh tế Trung Quốc hiện vẫn mất cân bằng - tiêu dùng ít, tiết kiệm nhiều - hàm chứa nhiều rủi ro trong dài hạn, nhưng điều đó không ngăn cản Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng ấn tượng từ 8% trở lên trong năm mới.

Theo Pam Woodall, biên tập viên châu Á của tuần báo The Economist, trong năm 2010 Trung Quốc sẽ lập hai kỳ tích: vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và xuất khẩu của nước này sẽ chiếm 10% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu toàn thế giới - gấp 2,5 lần mức 4% năm 2000 và tương đương tỷ lệ mà Nhật Bản đạt được năm 1986, khi nền kinh tế này đạt mức phát triển cao nhất trước khi rơi vào cuộc trì trệ kéo dài.

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc hiện nay giống hệt Nhật Bản cuối thập niên 1980: đầu tư quá mức dẫn tới dư thừa công suất ở nhiều ngành kinh tế khiến lợi nhuận suy giảm, cho vay quá nhiều đe dọa gia tăng nợ xấu trong tương lai, giá bất động sản và cổ phiếu vượt xa giá trị thực - từ đó có người chi rằng, nếu Chính phủ Trung Quốc không siết chặt chính sách tiền tệ, tương lai tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ bị chặn đứng, thậm chí ngay trong năm 2010 sẽ xảy ra khủng hoảng nợ xấu.

Tuy vậy Paum Woodall vẫn lạc quan vì nhìn thấy ở Trung Quốc nhiều điểm khác biệt căn bản so với Nhật Bản và nước này vẫn còn dư địa để tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm trong suốt thập niên 2010-2019. Có điều, sự phát triển của Trung Quốc sẽ giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, một phần vì Trung Quốc không thể chống đỡ mãi áp lực quốc tế đòi nước này phải thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ hoặc phải chấp nhận các biện pháp trả đũa - đã manh nha từ cuối năm 2009 - từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ và châu Âu. Giảm xuất khẩu, tăng tiêu dùng nội địa, cải thiện phúc lợi xã hội sẽ làm cho Trung Quốc phát triển bền vững hơn trong năm 2010, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này sẽ giảm mạnh, xuống còn 5% GDP, bằng một nửa so với năm 2007.

Theo Daniel Franklin, biên tập viên chuyên trang “The World in 2010” của báo The Economist, tin lành của năm 2010 là thế giới sẽ nổi lên từ suy thoái và bối cảnh kinh tế thời hậu khủng hoảng đã trở nên rõ ràng hơn, nhưng bối cảnh đó sẽ như thế nào là điều vẫn chưa xác định được.

Thập niên tồi tệ

Một cuộc khảo sát cư dân New York công bố ngày 26-12 của tuần báo The Economist ghi nhận:

- 77% số người được hỏi cho rằng năm 2009 là “năm tồi tệ” của thế giới, dù có 47% cho rằng 2009 là năm tốt lành với bản thân và gia đình mình.

- 60% số người được hỏi cho rằng thập niên 2000-2009 là “thập niên tồi tệ” trong lịch sử thế giới.

Huỳnh Hoa (Theo The Economist)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kinh tế Thái Lan có thêm nhiều dấu hiệu phục hồi (31/12/2009)

>   Thủ tướng Brown lạc quan về triển vọng kinh tế Anh (31/12/2009)

>   Tín hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới (31/12/2009)

>   Nga đã khắc phục khủng hoảng, khôi phục kinh tế  (30/12/2009)

>   Nhật thông qua Chiến lược kinh tế đến năm 2020  (30/12/2009)

>   Năm 2009: Kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc (30/12/2009)

>   Kinh tế thế giới sẽ khả quan (30/12/2009)

>   Kinh tế Canada tiếp tục tăng trưởng trong 2010 (29/12/2009)

>   "Thập kỷ châu Á" đang làm thay đổi thế giới? (28/12/2009)

>   Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2-3% năm 2010 (27/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật