Tín hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới
| Nền kinh tế thế giới bắt đầu ra khỏi đường hầm khủng hoảng, câu hỏi giờ đặt ra là khi nào nó sẽ trở về con đường phát triển tốc độ cao như trước? Trong năm 2010 hay những năm sau?
Vào thời gian đầu năm 2009, các chính trị gia và những nhà hoạch định chính sách hàng đầu như Tổng thống Bush (trước khi rời nhiệm sở) đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, các chuyên gia tư vấn của ông tin tình hình kinh tế có thể sẽ tồi tệ hơn cuộc Đại suy thoái kinh tế trước đây. Ngày 14/2/2009, Bộ trưởng Tài chính của khối các quốc gia phát triển, quyền lực nhất thế giới-G7, nhóm họp tại Rome và đưa ra tuyên bố sự suy sụp kinh tế nghiêm trọng nhất sẽ còn dai dẳng trong suốt năm 2009. Ngày 18/2/2009, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị lụn bại hơn suy nghĩ của mọi người và có thể trở nên xấu hơn trong suốt cả năm 2009. Ngày 16/3/2009, Chủ tịch FED - Tiến sĩ Bernanke - người vừa được Tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 2009 do các đóng góp xuất sắc vào việc cứu vãn nền kinh tế Mỹ thoát khó khăn - trong buổi trả lời phỏng vấn của chương trình CBS 60 Minutes đã thận trọng phát biểu rằng khủng hoảng có thể kết thúc vào cuối năm 2009 khi những cố gắng của Chính phủ Mỹ nhằm bình ổn thị trường tài chính mang lại hiệu quả. Ngày 19/3/2009, Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF tuyên bố nền kinh tế thế giới sẽ phát triển âm 1% trong năm 2009 (như vậy là bi quan hơn mức dự báo âm 0,5% IMF thông báo vào tháng 1/2009). IMF khẳng định sự hồi phục chỉ bắt đầu xảy ra vào năm 2010. Và dưới đây là những lý do để có thể tin tưởng và hi vọng năm 2010, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn:
Quản lý kinh tế ngày nay đã thành một ngành khoa học phức tạp, khách quan: Hầu hết mọi người khi quay về so sánh khủng hoảng với thời kỳ Đại suy thoái hay cuộc suy thoái lớn vào những năm 1970 đều đã sai lầm không nhận ra rằng ngành quản lý kinh tế hiện đại đã phát triển như thế nào. Các phản ứng của Chính phủ Mỹ với cuộc Đại suy thoái vào thập niên 1930 là rất khó khăn, mang nặng tính chủ quan áp đặt. Nhưng thực ra không phải Tổng thống Mỹ thời đó Hoover và nhóm cố vấn kinh tế quá kém năng lực mà đơn giản là họ biết quá ít về khoa học quản lý kinh tế. Hiện tại, các công cụ tài chính, tiền tệ hiện đại giúp Chính phủ Mỹ và các nước sử dụng gói kích thích kinh tế hiệu quả, nhanh chóng tức thì.
Thông tin về hoạt động kinh tế là phong phú, dồi dào và lưu chuyển ngày càng nhanh hơn trong thời đại hiện nay: Do số liệu về chỉ số lòng tin của người tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp Mỹ có thể được truy cập công khai, dễ dàng ở Frankfurt-Đức, Thượng Hải-Trung Quốc, Mumbai - Ấn Độ cũng như tại New York nên tình hình ứng phó với biến động kinh tế ngày nay hiệu quả hơn trước kia. Do đó, nhiều phản ứng tích cực sẽ vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều sự chia sẻ về khó khăn: Trước cuộc suy thoái về năng lượng những năm 1970, ít nhà hoạch định chính sách tiền tệ, tài chính của Ấn Độ, Trung Quốc quan tâm tới giá dầu thế giới tăng cao tới mức gây sốc vì thực tế nó cũng không quá ảnh hưởng đến những nước này do vậy họ cũng hầu như không làm gì để phản ứng lại. Nhưng giờ đây, hàng loạt chương trình điều chỉnh chính sách về ngân hàng, tài chính, tiền tệ được đưa ra hầu như đồng loạt, trước sau một chút để đối phó với tình huống xấu về kinh tế.
Nhiều khủng hoảng bị thổi phồng: Hầu hết các chỉ số tài chính, thậm chí là giá tài sản là những con số ma và có thể lên xuống, phân tích theo nhiều cách, nhiều góc độ. Nền kinh tế thực nhiều khi không tệ như các con số nhảy múa. Các ví dụ về việc giá dầu mỏ và hàng hóa được điều chỉnh nhanh chóng trở lại sau khi bị đẩy lên mức giá trên trời năm 2008 đã phần nào chứng tỏ điều đó.
Sự liên kết sức mạnh của mọi người là không thể tính được: Điều quan trọng nhất là khác với trước đây khi tất cả nghĩ rằng khủng hoảng kinh tế là điều vượt quá khả năng giải quyết của loài người. Giờ đây mọi người không ngồi than khóc và chờ cho khủng hoảng kinh tế đi qua. Sự hợp tác, kết hợp ở mọi cấp độ mà thế giới được chứng kiến trong thời gian qua từ các nhà lãnh đạo chính trị, giới hoạch định chính sách, các giám đốc điều hành và nhiều nhiều người khác đã biến thất bại sớm phải mang lại quả ngọt sớm cho chúng ta.
Hoa Chi
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|