EVN cổ phần hoá ngoài kế hoạch
Dù không có trong danh mục các đơn vị được lên kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Nhà máy Thủy điện Thác Bà vẫn được cổ phần hóa.
Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện cổ phần hóa tại EVN và các đơn vị thành viên mới đây. Theo đó, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã ban hành các quyết định cổ phần hóa hai nhà máy trên là không đúng với nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc EVN và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.
Tuy nhiên, dù cổ phần hóa cả những đơn vị không thuộc kế hoạch được phê duyệt, thì EVN vẫn không về đích sớm hơn trong tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị thuộc EVN theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa đảm bảo tiến độ được phê duyệt.
Tổng số các đơn vị được đưa vào diện thực hiện cổ phần hóa đến giai đoạn năm 2008 là 55 đơn vị, nhưng tính tới thời điểm thanh tra (tháng 3/2009), mới có 30 đơn vị của EVN được cổ phần hóa.
Việc sử dụng tiền thu được từ cổ phần hóa các doanh nghiệp tại EVN cũng được Thanh tra Chính phủ kết luận là chưa đúng quy định. Cụ thể, EVN chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp tại Tập đoàn, hàng năm không xây dựng kế hoạch thu, chi gửi Bộ Tài chính, không lập báo cáo định kỳ như hướng dẫn.
Ngoài ra, việc sử dụng quỹ này cũng có những điểm vượt ngoài quy định. Theo đó, EVN đã chi tạm ứng cho các dự án đầu tư số tiền gần 757 tỷ đồng, nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Điều này được cho là sai quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31/10/2008 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ.
Việc xác định giá trị tài sản tại một số đơn vị đã được cổ phần hóa của EVN cũng được Thanh tra Chính phủ kết luận là không thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Tài chính, dẫn tới giảm giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với số tiền hơn 4,47 tỷ đồng.
Đơn cử, tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, việc xác định lại nguyên giá 4 tổ máy của dây chuyền Phả Lại 1 được tính theo hệ số điều chỉnh dựa trên số liệu của dây chuyền Phả Lại 2. Tuy nhiên, tại thời điểm tính toán, số liệu quyết toán của dây chuyền Phả Lại 2 lại chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vì vậy trái với quy định tại Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính.
Thanh tra cũng kết luận, việc các đơn vị đã áp dụng Thông tư 13/TT-LB ngày 18/8/1994 để xác định giá trị còn lại của nhà xưởng là không phù hợp với Thông tư 126/2004/TT-BTC.
Cũng trong quá trình cổ phần hóa, Công ty cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh chưa nộp đủ phần vốn nhà nước (tiền thanh lý tài sản) về EVN, với số tiền hơn 15,3 tỷ đồng, là sai quy định so với Thông tư 126/2004/TT-BTC và Quyết định số 76/2003/QĐ-BTC về việc quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Từ những kết quả thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị EVN thu hồi số tiền hơn 15,3 tỷ đồng (là phần vốn của Nhà nước còn phải nộp của Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh), về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của EVN; chỉ đạo các doanh nghiệp bàn giao những thiết bị, tài sản theo đúng quy định trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.
Đồng thời, kiến nghị các cơ quan hữu trách, bổ sung các quy định trong công tác cổ phần hóa như trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp điều chỉnh giá trị vốn nhà nước không đúng tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hoàng Nam
ĐẦU TƯ
|