Thứ Năm, 24/12/2009 14:12

Ba đặc điểm của kinh tế thế giới năm 2009

Kế hoạch chấn hưng kinh tế 486 tỷ Euro của Trung Quốc giúp nước này nhanh chóng vượt qua khủng hoảng

Nền kinh tế thế giới, vừa trải qua cơn "địa chấn" dữ dội, đã để lại 3 dấu ấn nổi bật trong năm 2009: Thị trường lao động ảm đạm chưa từng thấy; Trung Quốc nổi lên như một động lực đề vực kinh tế thế giới hồi phục, và  những rủi ro khi quá nhiều tiền được tung ra để kích thích kinh tế.

Nếu khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009 là một trận động đất thì trên nấc thang Richter, nó chỉ thua có cuộc Đại khủng hoảng năm 1929-1930. Cuộc khủng hoảng cũng là đặc trưng lớn nhất của năm 2009, đang đi tới những ngày cuối cùng.

Nguyên nhân sâu xa gây nên cơn địa chấn kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ khu vực bất động sản, với khủng hoảng tín dụng địa ốc khó đòi đã âm ỉ từ mùa hè năm 2007.

Để ngăn ngừa hiểm họa ba cột trụ kinh tế thế giới (ngành ngân hàng, tiêu thụ và trao đổi mậu dịch quốc tế) cùng “đổ giàn” một lúc, lãnh đạo 20 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã gặp nhau ba lần để phối hợp hành động tại các hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Washington, Pittsburgh (Mỹ) và  London (Anh). Mỹ, EU và Trung Quốc cũng tung ra những kế hoạch khổng lồ để cứu nền kinh tế.

Có thể nói, đến cuối mùa thu 2009, nền kinh tế thế giới đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Tuy vậy, đà phục hồi chung của thế giới còn rất èo uột và đáng lo ngại hơn cả là sự tạm ổn định kể trên vẫn không giúp cải thiện thị trường lao động.

Trong trận “động đất” này, có ba đặc điểm nổi bật: Thị trường lao động ảm đạm chưa từng thấy; Trung Quốc nổi lên như một động lực để vực kinh tế thế giới hồi phục và  những rủi ro khi quá nhiều tiền được tung ra đề kích thích kinh tế.

Năm đen tối của người lao động

Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có thêm 239 triệu người thất nghiệp trong năm 2009. ILO đặt câu hỏi, với từ 6,5-7,4 % dân số địa cầu không có công việc làm, liệu tiến trình phục hồi nói trên có được lâu bền hay không?

Theo ILO, 2009 là một trong những năm đen tối nhất đối với những người đi làm. So với năm 2007, tức thời kỳ tiền khủng hoảng, trận động đất tài chính và kinh tế lần này đã cướp mất công việc làm của từ 40-60 triệu người trong năm 2009; đẩy khoảng 200 triệu người lao động vào cảnh khốn cùng với thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày.

Chỉ riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước khi xảy ra khủng hoảng, đã gần 270 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó; 5% số người trong tuổi lao động không có việc làm. Cuộc khủng hoảng xảy ra, ILO dự báo có thêm 58 triệu người tại khu vực phải sống dưới ngưỡng nghèo khó theo quy định của Ngân hàng Thế giới (WB).

Điểm son duy nhất đối với các nước vùng châu Á-Thái Bình Dương là trong 12 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã gia tăng một cách tương đối “chậm” cho dù ngành xuất khẩu của châu Á bị chựng lại.

Nhìn chung trên thế giới, tầng lớp bị tác động nhiều nhất là thanh niên và phụ nữ. Số thanh niên dưới 26 tuổi không có việc làm nhảy vọt từ 12% lên thành 15% trong một năm vừa qua. ILO lo ngại tình trạng này dẫn đến một cuộc khủng hoảng về mặt xã hội, nhất là kinh nghiệm cho thấy, kinh tế vươn lên thì cũng phải mất từ bốn đến năm năm sau đó, thị trường lao động mới được cải thiện.

Do vậy, ILO kêu gọi cộng đồng thế giới cùng “liên minh vì công việc làm”. Muốn giải quyết thất nghiệp, trung bình mỗi năm hành tinh của chúng ta phải tạo thêm được ít nhất là 45 triệu công việc mới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bấp bênh như hiện nay, đó là điều bất khả thi.

Tăng trưởng của Trung Quốc vẫn “mê hoặc” thế giới

Vào lúc mà nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ huy động 825 tỷ Euro để kích cầu, cả Liên minh châu Âu với 27 nước thành viên mới chỉ đưa ra thêm được có 200 tỷ Euro thì Trung Quốc với nhiều phương tiện trong tay, hồi tháng 11/2008 đã mạnh dạn tung ra kế hoạch chấn hưng kinh tế 486 tỷ Euro.

Vào tháng 2/2009, khi Trung Quốc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, hàng trăm nghìn người lao động từ nông thôn ra thành thị kiếm sống bị các công ty gia công ở Quảng Đông sa thải hàng loạt. Bắc Kinh đã hết sức lo ngại khủng hoảng kinh tế có thể đe dọa đến ổn định chính trị và xã hội, khi các nhà kinh tế cho rằng nước đông dân nhất địa cầu cần có được mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% để bảo đảm công ăn việc làm cho những người vừa gia nhập thị trường lao động.

Nhưng chỉ trong vài ba tháng, chính sách bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế của Bắc Kinh đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Tới nay, Ngân hàng phát triển Á châu dự báo GDP của Trung Quốc trong năm nay vẫn tăng 8,2% và 8,9% cho năm tới.

Những kết quả này là hết sức ấn tượng khi nhìn lại mức tăng trưởng 6,1% trong quý 1/2009, mức thấp nhất trong 19 năm qua. Nhìn xa hơn, vào quý 3/2008, Bắc Kinh cũng bị một gáo nước lạnh khi Tổng cục Thống kê nước này loan báo chỉ số trên là 6,8%, chỉ bằng phân nửa so với kỷ lục của năm 2007.

Cho dù thị trường Âu-Mỹ hút đến 80% hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn đình trệ, nhưng Bắc Kinh đã thổi thêm sức mua cho người tiêu dùng trong nước để cứu lấy khu vực sản xuất.

Trung Quốc cũng đã nhanh chóng tìm mọi cách để “cầm chân” các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp và nhất là nới rộng chính sách cấp tín dụng để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Kèm theo đó, chính bản thân Bắc Kinh đã tung ra nhiều chương trình đầu tư công cộng, vừa để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, vừa để tạo công việc làm cho hàng chục, hàng trăm triệu lao động.

Cụ thể là trong 2 năm sắp tới Trung Quốc sẽ có thêm 42 tuyến đường sắt cao tốc. Hàng chục thành phố lớn đang mở rộng hệ thống xe điện ngầm. Trong một năm vừa qua, tổng đầu tư vào hạ tầng cơ sở của Trung Quốc tăng 70%.

Với khoản dự trữ ngoại tệ trên 2.300 tỷ USD, Trung Quốc có đầy đủ phương tiện tài chính để vực dậy nền kinh tế của mình, hòng bảo đảm sự ổn định chính trị và xã hội. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc là một động cơ chính của con tàu kinh tế thế giới và là một đối tác không thể thiếu trên trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD) nhìn nhận là Bắc Kinh đã “chứng minh khả năng thích nghi với tình huống một cách mau chóng, trong lúc mậu dịch toàn cầu bị chao đảo. Tuy nhiên việc Trung Quốc huy động quá nhiều các phương tiện tài chính cũng đang tạo nhiều mối lo ngại”.

Mối đe dọa tiềm tàng: nợ khó đòi

Tuy nhiên, đà vươn lên của Trung Quốc không khỏi gây nhiều lo ngại. Gần đây nhất, việc nhiều ngân hàng nước này che giấu các khoản nợ khó đòi đã bị phát hiện. Theo thống kê chính thức, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp thêm 740 tỷ Euro tín dụng, đây là mức kỷ lục do tác động của gói kích cầu 486 tỷ Euro. Trong những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 10 và 11 các ngân hàng Trung Quốc tỏ ra ít rộng rãi hơn.

Dù vậy, vào tuần trước cơ quan thẩm định rủi ro Fitch Rating đã nên lên câu hỏi, rằng phải chăng cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp đang ngấm ngầm bắt nguồn từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do chính sách cấp tín dụng bất cẩn của giới ngân hàng nước này. Như các tập đoàn tài chính Mỹ, họ cũng che giấu các khoản nợ xấu để có thể tiếp tục “rộng rãi” cấp thêm tín dụng cho các doanh nghiệp và tư nhân.

Ngày 21/12 vừa qua, các giới chức tài chính và tiền tệ của Bắc Kinh đã phải thừa nhận là các ngân hàng Trung Quốc cần huy động thêm 51 tỷ Euro vốn vào năm tới để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày càng lớn.

Đối với Trung Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung, dấu ấn rõ rệt nhất mà khủng hoảng để lại cho năm 2009 là mức nợ của nhà nước và thâm hụt ngân sách công cộng đang tăng vọt.

Một đặc điểm nữa là kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu ổn định, nhưng sự ổn định đó có được là nhờ được các chính phủ tiếp sức. Đến một lúc nào đó sự trợ giúp của các chính phủ phải được “thu hẹp lại”. Vấn đề đặt ra là các chính quyền “rút lại” các gói kích cầu như thế nào tránh để tạo ra một cú sốc mới cho cả con tàu kinh tế thế giới./.

Nguyễn Chiến

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Hàn Quốc tư vấn kinh tế các nước đang phát triển (23/12/2009)

>   Kinh tế và chứng khoán Mỹ cùng khởi sắc trong năm 2010 (23/12/2009)

>   Những "góc khuất" của kinh tế Trung Quốc (23/12/2009)

>   Kinh tế Mỹ chính thức tăng trưởng 2.2% trong quý III (22/12/2009)

>   Trung Quốc nhắm tăng trưởng 8% năm 2010 (22/12/2009)

>   Kinh tế Anh khởi sắc hơn trong quý III (22/12/2009)

>   Châu Á là đầu tàu phục hồi kinh tế thế giới 2009 (22/12/2009)

>   Ngẫm về suy thoái kinh tế thế giới (21/12/2009)

>   Anh đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm trong năm 2010 (21/12/2009)

>   Năm của khủng hoảng và nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt (21/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật