Thứ Ba, 29/12/2009 09:25

2009: Vốn chảy mạnh qua kênh phát hành thêm

Sau các DN ngành bất động sản, các ngân hàng cũng tích cực tăng vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có việc thu hút nguồn tiền mới.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/11/2009, tổng giá trị huy động vốn thông qua TTCK là 17.700 tỷ đồng, bằng khoảng 70% so với năm 2008. Sở dĩ giá trị huy động vốn qua TTCK thấp hơn so với năm 2008 là do năm nay không có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN quy mô lớn. Huy động vốn chủ yếu chảy qua kênh phát hành của các DN đại chúng.

Năm 2009 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng với không ít DN niêm yết thì lại khá thành công với việc huy động vốn. Tiên phong trong việc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là các DN ngành bất động sản. Mới đây, SJS đã phát hành thành công 60 triệu cổ phiếu, trong đó chào bán 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1, giá phát hành bằng mệnh giá) và phát hành 40 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1). Vốn điều lệ của SJS tăng từ 400 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Qua kênh trái phiếu, CTCP Hoàng Anh Gia Lai vừa phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi với tổng mệnh giá 1.450 tỷ đồng dưới hình thức phát hành riêng lẻ. Một DN ngành bất động sản khác là CTCP Vincom cũng vừa phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Trước đó, DN này đã phát hành thành công và niêm yết 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trên TTCK Singapore. Đây là CTCP đầu tiên của Việt Nam thực hiện phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế. Cũng trong tháng 12, CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã phát hành thành công 3 triệu trái phiếu (không chuyển đổi) với tổng giá trị là 300 tỷ đồng.

Sau các DN ngành bất động sản, các ngân hàng cũng tích cực tăng vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có  việc hút nguồn tiền mới. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam mới đây đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 4.337 tỷ đồng lên 5.400,41 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Á Châu tăng vốn điều lệ từ hơn 6.355,8 tỷ đồng lên trên 7.705,7 tỷ đồng, thực hiện thông qua việc chuyển đổi 1.349.931 trái phiếu thành 134.993.100 cổ phiếu (tỷ lệ chuyển đổi 1:100, một trái phiếu mệnh giá 1.000.000 đồng được chuyển đổi thành 100 cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng).

Một “đại gia” ngân hàng khác là Sacombank, trong những tháng cuối năm đã phát hành thành công hơn 158,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ cốt cán. Trong đó, 76.737.462 cổ phiếu trả cổ tức, tương ứng với tỷ lệ 15% (mỗi cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới); hơn 76,737 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ 15% (mỗi cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được quyền mua thêm 3 cổ phiếu mới) và phát hành 5 triệu cổ phiếu cho cán bộ cốt cán. Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng huy động vốn qua kênh phát hành  thêm của DN đại chúng ước tính chiếm xấp xỉ 90% tổng nguồn vốn huy động qua TTCK năm 2009.

Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, việc huy động vốn của DN đại chúng từ quý II trở lại đây, đặc biệt trong tháng 10 và 11, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2008. Nhiều DN, trong đó có các ngân hàng, đã tăng vốn thành công. Đây là đóng góp rất tích cực, thể hiện vai trò huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK. Khi ngân hàng huy động vốn, một mặt đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, mặt khác cải thiện đáng kể năng lực tài chính. Từ đó, đóng góp cho việc cung vốn kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Trong khi các DN niêm yết tích cực huy động vốn thì việc CPH DNNN lại tỏ ra đình trệ. Nhiều “đại gia” có kế hoạch CPH trong năm 2009 như BIDV, MobiFone, Viettel, đến nay tiến trình hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Trên thực tế, trong năm 2009, nhiều đợt đấu giá cổ phần không thành công. Điều này cũng tác động đến việc CPH các DN quy mô lớn khác.

Giải thích về việc NĐT sẵn sàng bỏ vốn thông qua phát hành thêm của các DN niêm yết thay vì mua cổ phiếu đấu giá lần đầu của DNNN, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, do các DN niêm yết có dự án, mục đích sử dụng vốn rõ ràng hơn. UBCK cũng đã giám sát chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng vốn huy động từ phát hành qua TTCK. Các DN công bố thông tin về việc sử dụng vốn thường xuyên hơn. Trong khi đó, khi mua cổ phiếu qua đấu giá, NĐT phải xác định đầu tư dài hạn, vì chưa biết khi nào DN sẽ lên sàn, tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Ngoài ra, một số DN không đề ra kế hoạch sử dụng vốn chi tiết sau khi CPH và khoản thặng dư sau đấu giá không được để lại DN. Vì thế, nếu DN không thực sự hấp dẫn sẽ khó lòng cổ phần hoá thành công.

Theo một số DN niêm yết, đặc điểm của việc huy động vốn qua kênh phát hành là để triển khai các cơ hội kinh doanh có tính thời điểm. Do đó, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc thẩm định hồ sơ phát hành, tránh kéo dài, khiến DN mất cơ hội.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chọn phương án nộp thuế nào? (29/12/2009)

>   VTO góp vốn dự án khách sạn 5 sao tại Quận 1, TPHCM (28/12/2009)

>   GMC nhận đơn hàng trên 2 triệu USD (28/12/2009)

>   VNI lấy ý kiến đổi tên công ty (28/12/2009)

>   HPT chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu (28/12/2009)

>   Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định, dù chốt lời tăng (28/12/2009)

>   PET chuẩn bị khởi công dự án Thanh Đa (28/12/2009)

>   Huy động vốn qua TTCK đạt xấp xỉ 21.000 tỷ đồng (28/12/2009)

>   Vietcombank và “cổ đông ngoại” (28/12/2009)

>   Ai quản lý vốn nhà nước ở Vietcombank? (27/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật