Thị trường sẽ điều chỉnh theo hướng tích cực?
Giới đầu tư thế giới vừa đón nhận một loạt tin tốt về kinh tế Mỹ, những tín hiệu cho thấy có thể hy vọng nhiều hơn vào khả năng phục hồi của nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, không nên vội kỳ vọng thị trường sẽ thay đổi theo hướng tích cực từ nay tới hết năm.
Tin tốt dồn dập
Theo số liệu của Viện Quản lý Nguồn cung hôm 2/11, chỉ số ISM về hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 10 tăng trưởng với nhịp độ nhanh nhất trong hơn 3 năm qua.
Nguyên nhân là do các công ty Mỹ khôi phục lại lượng hàng tồn, nhu cầu của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Mỹ tăng lên và những phản ứng tích cực từ gói kích cầu 787 tỷ USD của chính phủ nước này.
Cụ thể, chỉ số ISM tháng 10/2009 tăng lên mức 55,7, cao nhất kể từ tháng 4/2006 tới nay. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, ISM duy trì trên 50, mức xác định lĩnh vực có tăng trưởng.
Một báo cáo khác của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chi tiêu xây dựng trong tháng 9 tăng trưởng 0,8%, cao hơn mọi dự báo của giới phân tích, nhờ việc xây dựng nhà ở tăng mạnh.
Cùng ngày, Hiệp hội các nhà kinh doanh nhà đất Mỹ công bố số lượng hợp đồng đã ký kết mua nhà qua sử dụng tăng 6,1% trong tháng 9, đây là tháng tăng liên tiếp thứ 8 trong lĩnh vực này. Mức tăng tháng 9 là cao nhất kể từ tháng 12/2006, cao hơn 21% so với một năm trước.
Chưa hết, hãng ôtô duy nhất ở Detroit không nộp đơn xin phá sản, Ford, vừa công bố lợi nhuận quý 3 đạt khoảng 1 tỷ USD, trái ngược hoàn toàn với dự báo thua lỗ của giới chuyên gia phân tích.
Cụ thể, lợi nhuận ròng trong quý báo cáo của Ford đã đạt 997 triệu USD, tương đương 29 xu/cp trong quý 3/2009 từ mức thua lỗ 161 triệu USD tương đương âm 7 xu/cp thời điểm 1 năm trước. Doanh thu giảm 800 triệu USD xuống 30,9 tỷ USD.
Kết quả kinh doanh mới nhất của Ford cho thấy, hãng xe này đã vượt xa so với hai hãng đối thủ là GM và Chrysler.
Kỳ vọng quá sớm?
Những thông tin trên đã ngay lập tức tác động đến xu hướng thị trường theo chiều tích cực, bởi giới đầu tư tin rằng, nền kinh tế Mỹ đã có thêm động lực tăng trưởng từ nay tới hết năm 2009.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11 (sáng 3/11 giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 1.042,88 điểm trên sàn New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 76,71 điểm, tương đương 0,8%, lên 9.789,44 điểm.
Trong phiên, hai chỉ số đã có lúc tăng tới 1,49%, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, nỗi lo về việc USD tăng giá và đà hồi phục của nền kinh tế kéo hai chỉ số dao động tăng và giảm điểm 2 lần. Đáng chú ý, cổ phiếu Ford tăng 8% ngay sau thông tin về lợi nhuận được công bố.
Tuần trước, chỉ số S&P 500 giảm tới 4% do doanh số bán nhà mới gây thất vọng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đi xuống, giới đầu tư lo ngại việc tăng điểm trong 7 tháng qua của thị trường vượt quá triển vọng nền kinh tế thực.
Thông tin tốt về hoạt động sản xuất cũng tác động đến thị trường dầu thô thế giới. Giá dầu giao tháng 12 đêm qua tăng 1,13USD lên 78,13 USD/thùng trong giao dịch điện tử trên sàn New York. Tuần trước, dầu thô đã giảm giá 4,4% sau khi Mỹ công bố dự trữ xăng dầu tăng cao và đôla Mỹ phục hồi mạnh.
Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu thế giới tăng giảm phụ thuộc mạnh nhất vào nguồn cung dầu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, Trung Quốc và biến động của đôla Mỹ.
Những phản ứng tức thì của chứng khoán Mỹ, sàn dầu đã khiến nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ sớm được điều chỉnh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng có không ít người vẫn cho rằng kinh tế sẽ cải thiện nhưng tốc độ sẽ không hề nhanh như mong đợi.
Trong phiên giao dịch ngày 2/11, chỉ số biến động giao dịch quyền chọn (chỉ số VIX) có lúc đã lên mức 31,84 điểm, cao nhất trong 4 tháng, nhưng sau đó đã hạ xuống 29,78 điểm.
Chưa kể, nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu nhờ vào những chương trình kích cầu khổng lồ của Chính phủ Mỹ mà thực tế chúng đang được rút dần. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để nói rằng thị trường sẽ phát triển hoàn toàn theo hướng tích cực trong những tháng cuối cùng của năm.
Việt Hà (Theo AP, Bloomberg)
Vietnamnet
|