Phản hồi loạt bài “Những vấn đề đặt ra từ các DN cổ phần hóa”
Loạt bài “Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH)” (từ 26-10 đến 28-10) của Báo SGGP đã nhận được sự phản hồi của bạn đọc. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bộc lộ nhiều sơ hở khá phổ biến và nghiêm trọng. Theo ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, báo cáo giám sát của QH năm 2008 đã nêu rất rõ, những sai phạm đó cần được chấn chỉnh kịp thời trong khi quá trình CPH tiếp tục được đẩy nhanh hiện nay.
Cùng đề nghị sớm chấn chỉnh các sai phạm khi CPH, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh:
Cổ phần hóa là chủ trương đúng, cần phải ủng hộ vì trong thực tiễn có rất nhiều DN sau CPH đã làm ăn có hiệu quả, góp phần đưa sản xuất kinh doanh của DN đi lên. Dĩ nhiên, có một số DN sau CPH vì thực hiện quy chế dân chủ chưa tốt đã bị lũng đoạn. Đặc biệt là đã có hiện tượng một số người mua gom cổ phiếu, khiến DN CPH thành công ty tư nhân. Với những DN này, họ không coi trọng những vốn quý của DN, như về thương hiệu, và đặc biệt là nguồn nhân lực, dẫn đến cách điều hành không hợp lý, rơi vào cảnh lụn bại. Tất cả vấn đề này đã được Báo SGGP phản ánh đầy đủ.
- Thưa ông, đại diện người lao động không có chân trong hội đồng quản trị khi CPH?
Đa số người lao động (NLĐ) là nghèo, vì vậy họ không có tiền để mua cổ phần khi DN được CPH. Nhiều NLĐ muốn mua được cổ phần phải đi vay tiền, mượn tiền, sau đó vì cái lợi trước mắt, họ lại bán đi để có tiền trả nợ. Cuối cùng họ trắng tay. Vì vậy, khi xây dựng Luật DN, công đoàn luôn bảo vệ quan điểm: nguồn vốn quý nhất trong một DN là nhân lực, vì vậy đại diện nguồn nhân lực đó - tổ chức công đoàn - nên là một thành viên trong hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, ban soạn thảo, cũng như chủ trương lúc đó, đã đặt vấn đề vốn lên hàng đầu, ai có vốn là có chân trong hội đồng quản trị, theo tỷ lệ vốn, chứ không tính tỷ lệ nguồn nhân lực. Công đoàn vì thế không có chân trong hội đồng quản trị theo Luật DN. Đấy là một thiệt thòi rất lớn cho NLĐ.
Khi tiến hành CPH, chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ nên dành ra một số các cổ phần không chia, cổ phần đó tính theo năm công tác của từng NLĐ, rồi họ hưởng cổ tức chứ không bán đi. Điều này cũng giống như trao quyền sử dụng đất cho nông dân vậy để họ cày, họ được quyền sử dụng đất. Nhưng kể cả khi công đoàn đề nghị như vậy, các bộ ngành vẫn không đồng tình. Các bộ ngành cho rằng tài sản chung của DN là tài sản chung của toàn dân, vì vậy NLĐ không thể được cổ phần trong DN.
- Nhưng NLĐ đã được mua cổ phiếu ưu đãi?
NLĐ đã đóng góp rất lớn cho DN, trong cả cuộc đời người ta, nên khi CPH DN, cần dành ra một số cổ phần không bán để họ được hưởng cổ tức, động viên NLĐ tiếp tục gắn bó với DN, làm lợi cho DN. Thực tế, thực hiện quy định bán cổ phần ưu đãi cho NLĐ, ban đầu là 40%, sau đó là đấu giá... nhiều NLĐ vẫn rất thiệt thòi, vì như tôi đã nói ban đầu, đa phần NLĐ là nghèo, họ không duy trì được lâu dài số cổ phần ưu đãi của mình.
Trong thực tiễn, sau khi CPH, có nơi công đoàn có chân trong hội đồng quản trị, có nơi không có. Vì công đoàn không có vốn. Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng cho công đoàn mua 5% cổ phần với giá ưu đãi, sau đó Thủ tướng quyết 3%. Cùng với cổ phần của NLĐ mua theo giá ưu đãi, công đoàn được mua 3% này, công đoàn mới có được chân trong hội đồng quản trị.
Nhưng kể cả khi có quyết định này của Thủ tướng, khi vào thực hiện, Bộ Tài chính lại đưa ra những quy định khó khăn: không cho công đoàn vay mượn, không cho vận động trong đoàn viên của mình, phải dùng nguồn tiền hợp pháp, không được chuyển nhượng cổ phần sau khi mua... Bộ Tài chính đã đưa ra những ràng buộc không đúng với quy định của luật pháp. Vì vậy thực hiện rất khó khăn.
- Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, theo ông phải có giải pháp gì?
Công đoàn vẫn đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vấn đề này. Cần để NLĐ được gìn giữ cổ phần của mình nhiều hơn trong DN, để họ gắn bó hơn với DN. Đó cũng là giải pháp để công đoàn, NLĐ có được đại diện của mình trong hội đồng quản trị, bảo vệ được quyền lợi lâu dài của NLĐ, tránh tình trạng sau CPH, NLĐ bị thiệt hại đơn, thiệt hại kép về quyền lợi. Tôi vẫn cho rằng, thực tiễn CPH đã diễn ra có nơi tốt, nơi chưa tốt. Để đúng với chủ trương, cần khắc phục những tồn tại, sai phạm để hiệu quả CPH tốt hơn, quyền lợi NLĐ được bảo vệ hơn.
ĐBQH Nguyễn Đăng Trừng: Cần thực hiện nguyên tắc công ty đối vốn
Thực tế CPH tại TPHCM cho thấy, sau khi CPH thì thu nhập của công nhân tăng lên và sau CPH thì DN kinh doanh chủ động hơn. Số DN kinh doanh thua lỗ tại thời điểm còn DNNN chiếm 12,23%, thì khi chuyển sang cổ phần giảm chỉ còn 4,9% và mua sắm thêm tài sản cố định, đổi mới được máy móc thiết bị. CPH cũng đã cung cấp thêm nguồn hàng lớn cho thị trường chứng khoán. TPHCM có 24 DN CPH đã tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tổng số vốn hóa thị trường gần 2.000 tỷ đồng.
Nhưng có thực tế là sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, nhiều nơi chưa thực hiện, hoặc không thực hiện đúng theo quy định của Luật DN. Ví dụ có công ty cổ phần sau khi CPH thì vốn của Nhà nước không phải là 51% mà có khi 30%, 20%, nhưng tất cả những quyết định quan trọng trong sản xuất kinh doanh đều phải có ý kiến của đại diện vốn sở hữu.
Theo tôi điều này không phù hợp đối với Luật DN. Bởi vì công ty cổ phần, DN cổ phần là một DN đối vốn, do đó ai nắm nhiều vốn trong công ty cổ phần thì người đó quyết định. Tôi đề nghị sau này, khi các DNNN trở thành công ty cổ phần thì hãy thực hiện nguyên tắc là công ty đối vốn.
Năm 2010, cần đẩy nhanh tốc độ CPH DNNN. Năm 2009 chúng ta làm chậm, không tập trung, không quyết liệt.
Nhị Hà
Sài gòn giải phóng
|