Nợ công: Vấn đề nát óc
Theo báo The Economist, cho đến ngày 23.9.2009, nợ công của các nước trên thế giới lên đến 35.091 tỉ USD. Toàn bộ của cải mà bảy nước giàu nhất thế giới tạo ra trong năm 2008 không đủ để trả món nợ nói trên. Do mãi sống nhờ tiền vay, phải chăng cả thế giới rồi sẽ vỡ nợ?
Theo ước tính của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nợ công sẽ tăng 30% giữa hai năm 2007 và 2017. Ở Mỹ, nợ công sẽ từ 63% GDP vào năm 2007 tăng lên 103% GDP vào năm 2017. Ở Anh, con số này từ 47% lên 125%, ở Nhật 170,6% tăng lên 208%. Bà Laurence Boone, nhà kinh tế thuộc ngân hàng Barclays Capital, ước tính nợ công của các nước dùng đồng euro sẽ tăng từ 66% GDP năm 2007 lên 105% GDP vào năm 2015, nếu họ không làm gì cả để lật ngược tình thế và nếu lạm phát tăng 2%.
Nợ công vì gánh nặng hưu bổng
Thực ra, nợ công của các nước thuộc OECD đã tăng vọt từ khoảng hai mươi năm nay, ngay cả trước khi khủng hoảng tài chính bắt các chính phủ phải vay tứ phía: từ 59% GDP vào năm 1987 lên 75% GDP vào năm 2007. Riêng Nhật đã tăng từ 60% lên 170,6% GDP.
Tình hình này khó được cải thiện vì hai lý do khách quan. Thứ nhất, xã hội ngày càng có nhiều người già, chi phí cho y tế và hưu trí sẽ ngày càng tăng, khiến cho các thiếu hụt ngày càng trầm kha. Thứ hai, những người đang ở lứa tuổi lao động ngày càng giảm, họ sẽ không tài trợ nổi các thiếu hụt vừa nói. Theo viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (Insee), ở Pháp, 1,4 người vào tuổi lao động sẽ phải nuôi một người về hưu vào năm 2050, so với 2,2 người vào năm 2005.
Theo Moody’s, tập đoàn chuyên nghiên cứu phân tích rủi ro tài chính, nếu mức tăng trưởng thấp kéo dài, nếu nhà nước không thực hiện được các thích nghi cần thiết và bị thiệt hại nhiều trong các can thiệp nhằm làm ổn định hệ thống tài chính – Pháp sẽ phải dùng đến 10,1% các thu nhập vào năm 2012 chỉ để trả lãi do nợ công gây ra. Năm 2008, Pháp đã dành 5,7% thu nhập cho việc này; Mỹ: 14% (2012) so với 6,3% (2008); Nhật: 18,7% (2012) so với 8,6% (2008)...
Biện pháp thanh toán nợ công: đa số là “bá đạo”
Trong quá khứ, một số nhà nước đã dùng các biện pháp đôi khi khá “bá đạo” để thanh toán nợ công. Chẳng hạn vào những năm 1880, bộ trưởng Tài chính Léon Say (Pháp) đã giảm tiền lãi phải trả cho các chủ nợ từ 5% xuống 3%. Theo Pierre Cailleteau, thuộc Moody’s: “Trước đây, nhiều nước đã thành công trong việc làm giảm mức nợ công nhờ giảm các lãi suất. Thế mà hiện nay họ không thể làm như vậy được, vì hiện nay các ngân hàng trung ương đã giảm các lãi suất đến mức rất thấp, thậm chí đến 0% như ở Mỹ”.
Nhà nước cũng có thể dùng lạm phát để giảm mức nợ. Chẳng hạn sau thế chiến thứ hai, đảng Lao động Anh đã áp dụng lý thuyết của Keynes, tạo ra lạm phát. Khi lạm phát là 10% mỗi năm chẳng hạn, thì nợ công tất nhiên sẽ giảm đi 10%. Tuy nhiên, lạm phát sẽ làm cho lãi suất của các món nợ mới tăng, trong trường hợp nhà nước bị bắt buộc phải vay thêm do ngân sách thiếu hụt triền miên. Tuy nhiên, lạm phát bao giờ cũng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, nên biện pháp này chắc chắn không được lòng dân.
Cách thứ ba là nâng cao mức tăng trưởng như Mỹ đã làm sau chiến tranh ly khai (1861 – 1865).
Cách cuối cùng là tăng thuế để lấy tiền trả nợ. Nhưng biện pháp này sẽ mất lòng dân. Đảng phái nào chọn biện pháp này dễ bị mất ghế vào kỳ bầu cử sau.
Bản tin hàng tháng vừa rồi của ngân hàng Trung ương châu Âu đã đăng một nghiên cứu gây ra lắm ưu tư, vì nó cho biết là để làm giảm nợ công từ 78,5% GDP (năm 1994) xuống 46% (năm 2007), Hà Lan đã mất đến 13 năm (từ 1994 đến 2007) và đã dành mỗi năm đến 2,5% GDP để trả nợ. Còn Phần Lan thì đã mất 14 năm để giảm 24% nợ công.
Nguyên Thanh (Paris)
Sài Gỏn tiếp thị
|