Khi các ông hoàng Ả rập cũng thiếu tiền
Vậy là rồi cũng có một ngày khi mà các ông hoàng Ả rập cũng thiếu tiền, khiến cả thế giới phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới sau đó đã khẳng định không đáng phải lo lắng về cuộc khủng hoảng tiếp theo, dù cho Dubai World có phá sản đi chăng nữa.
Khi các ông hoàng Ả rập cũng thiếu tiền
Có lẽ, chuyện về nguy cơ phá sản của Tập đoàn địa ốc hàng đầu Dubai World của Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) là dịp để thế giới có dịp hiếm hoi chia buồn một chút về lĩnh vực tiền bạc đối với các ông hoàng Ả rập ở Dubai, vốn có nhiều tiền mặt nổi tiếng thế giới.
Dubai, một thành phố Trung Đông được bao quanh bởi sa mạc và biển lớn. Thành phố Dubai nổi tiếng với các kỷ lục Guinness như toà nhà cao nhất, khu mua sắm lớn nhất, đảo nhân tạo lớn nhất, khu trượt tuyết trong nhà hay khách sạn 7 sao sang trọng nhất thế giới.
Trong những cái nhất đó, Tập đoàn đầu tư quốc doanh mang tên Dubai World chính là một trong những động cơ chính thúc đẩy kinh tế UAE phát triển như thế.
Với Dubai World, cả Dubai đã tạo ấn tượng mạnh với thế giới bằng những công trình kiến trúc như các hòn đảo nhân tạo làm thế giới kinh ngạc.
Dubai đã mạnh tay vay nợ để thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của ngành bất động sản. Suy thoái nổ ra, các dòng vốn khô cạn, thị trường nhà đất ở đây lao dốc nhanh chóng khiến các khoản đầu tư của Dubai World đã bị ảnh hưởng nặng nề và tập đoàn này mất khả năng thanh toán nợ đúng hạn.
Không quá lo về nguy cơ vỡ nợ
Trước đó, nhiều nhà phân tích cảnh báo thế giới có khả năng rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai do ảnh hưởng từ sự phá sản của Dubai World.
Lúc đầu, tin Dubai World đề nghị gia hạn việc thanh toán nợ đã làm chấn động không chỉ khu vực vùng Vịnh mà cả thế giới. Các thị trường chứng khoán ở châu Âu và châu Á đều sụt giảm mạnh.
Giới đầu tư lúc đó lo ngại về một hệ quả dây chuyền vì khả năng nhiều tập đoàn trong khu vực cũng sẽ gia hạn nợ và điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngân hàng, trước mắt là ở châu Âu, khi mà Dubai World đã và đang đầu tư rất nhiều ở nước ngoài, nắm giữ cổ phần trong nhiều tập đoàn lớn ở châu Á, châu Âu, Mỹ, Bắc Phi và Trung Đông.
Các nhà đầu tư lo ngại nếu tập đoàn này bán lại các cổ phần để trả nợ có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các thị trường chứng khoán thế giới.
Giới phân tích quốc tế lúc đó cũng lo ngại, động thái này của Dubai có thể sẽ châm ngòi cho một làn sóng mới của khủng hoảng tài chính.
Nhưng sau đó, giới phân tích đã nhìn nhận lại và cho rằng, hậu quả lớn nhất từ vụ này là các ngân hàng đang cho Dubai World vay tiền có thể chịu thiệt hại đáng kể, trong trường hợp Dubai vỡ nợ.
Tuy nhiên, theo thông tin thu thập từ các nguồn thân cận, các ngân hàng quốc tế đang cho Dubai World vay khoảng 12 tỷ USD. Nếu so sánh với mức dự báo thua lỗ 2.800 tỷ USD của các ngân hàng Mỹ và châu Âu trong thời gian 2007-2010 vì khủng hoảng tài chính mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra, thì đây mới chỉ là một con số quá khiêm tốn. Còn lại, hầu hết số nợ này là do các nhà đầu tư trong nước của UAE nắm giữ.
Còn nếu từ đó mà trở nên lo lắng rằng chính phủ Dubai và các nước vùng Vịnh khác thiếu tiền để khắc phục thì quả là không có căn cứ.
Chưa đầy 100 tỷ USD thì chưa phải là chuyện gì quá ghê gớm với một quốc gia phồn thịnh ở vùng Vịnh cỡ như UAE.
Chưa kể, Dubai trước nay luôn nhận được sự hậu thuẫn của tiểu vương quốc khác trong một UAE thống nhất và sự hậu thuẫn từ cả thế giới Ả rập giàu có láng giềng.
Cũng cần phải nói thêm, trong nhiều năm qua, Dubai được xem là một trong những trung tâm tài chính đáng tin cậy nhất thế giới. Hẳn phải có những cơ sở vững bền cho sự đánh giá đó.
Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu không lo lắng
Sau khi nắm bắt tổng quan vấn đề và nhìn nhận ở nhiều khía cạnh trong tương quan với kinh tế nước mình cũng như tổng thể kinh tế toàn cầu, lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới, kể cả các nước có liên đới nhiều nhất tới Dubai, đã bày tỏ tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới bất chấp những lo ngại về nguy cơ phá sản của Tập đoàn địa ốc hàng đầu Dubai World.
Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng hệ thống tài chính thế giới hiện đã mạnh hơn nhiều và có thể đối phó với những vấn đề nảy sinh.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Francois Fillon nhận định ngay bản thân vùng Vịnh nổi tiếng giàu dầu và luôn dồi dào tiền mặt và ngoại tệ cũng đã có đủ nguồn lực để đảm bảo chính họ không bi bết và đảm bảo thế giới không rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai.
Quan chức Mỹ cũng chưa cho đó là chuyện gì quá ảnh hưởng để đến nỗi phải đưa ra biện pháp phòng ngừa nào. Các nước còn lại trong G7 cũng vậy.
Vả lại, cho tới giờ phút này thì không thể “vu” cho Dubai World cái tiếng phá sản được. Việc hoãn nợ lại cũng có thể được coi là bước đi đầu tiên trong việc tái cấu trúc lại Dubai World mà thôi, rồi đâu sẽ lại vào đấy thì sao?
Nhật Vy
vietnamnet
|