Chủ Nhật, 22/11/2009 11:45

Ngân hàng Việt Nam - nhìn lại mình từ đánh giá của Moody’s

Báo cáo đánh giá của Moody’s về hệ thống ngân hàng Việt Nam tháng 8-2009 vừa qua có thể là sự đánh giá đầu tiên của một tổ chức độc lập nước ngoài về tình hình ngân hàng Việt Nam trong thời kỳ hậu khủng hoảng.

Khi cơn bão tài chính toàn cầu thổi qua và đánh sụp các cấu trúc ngân hàng bền bỉ và vững mạnh của các nền kinh tế công nghiệp phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, góc nhìn của Moody’s đối với hệ thống ngân hàng của chúng ta và viễn ảnh của nó trong thời gian sắp tới thật ra không phải quá bi quan. Chắc chắn hệ thống ngân hàng của chúng ta, ngoài việc chịu một phần ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu, còn có những vấn đề riêng của nó.

Điều tích cực trong báo cáo của Moody’s là nó giúp chúng ta thẳng thắn nhìn lại mình để thấy hết tất cả những gì mà có thể Moody’s vẫn chưa nhìn thấy và sớm có những hành động cải thiện tích cực nhằm vượt qua thử thách trong tinh thần tự tin, lạc quan hướng về các cơ hội mới đang ở phía trước, khi sóng yên gió lặng.

Moody’s nhận định rằng mặc dù hệ thống pháp lý liên quan đến các vấn đề tài chính ngân hàng của ta còn lỏng lẻo, nhưng Chính phủ và các cơ quan kiểm soát “đang nỗ lực phát triển một khung pháp lý lành mạnh cho hệ thống ngân hàng”.

Các luật lệ về quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu nhà ở, các thủ tục tố tụng liên quan đến việc thế chấp, cầm cố bất động sản và thu hồi bất động sản cầm cố - những vấn đề pháp lý quyết định mức độ an toàn cao hay thấp của tín dụng ngân hàng - đang được hoàn thiện dần, giúp các ngân hàng Việt Nam hạn chế các rủi ro pháp lý về tín dụng, những rủi ro không đáng có.

Sự giải thích phù hợp về nội dung các điều luật hiện hành cũng rất cần thiết, giúp cho việc điều hành vĩ mô thuận lợi hơn. Trường hợp điển hình là một điều khoản của luật dân sự - bộ luật điều chỉnh chủ yếu các giao dịch dân sự giữa cá nhân - định nghĩa việc cho vay nặng lãi là cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng, và lãi suất cơ bản lại được hiểu là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, trong khi theo luật Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch với các ngân hàng thương mại, không giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp và cá nhân.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là một sự giải thích luật như thế không những chỉ liên quan việc xác định lãi suất cho vay nặng lãi giữa người dân với nhau mà còn trói tay Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều hành tiền tệ vĩ mô, trong việc ấn định và áp dụng mức lãi suất cơ bản đối với hệ thống ngân hàng. Điều hiển nhiên là với cách giải thích nói trên, không bao giờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể hạ lãi suất cơ bản xuống đến 0% như nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã làm để đối phó với tình hình kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Theo tiêu chuẩn quốc tế Basel 1, tỷ lệ vốn trên tài sản có (CAR - Capital Assets Ratio) của các ngân hàng thương mại tối thiểu phải là 8%. Đây là một tỷ lệ nhằm đảm bảo điều kiện vốn chủ sở hữu tối thiểu cho hoạt động của ngân hàng, đồng thời là một biện pháp an toàn đối với đồng tiền tiết kiệm của người dân gửi vào ngân hàng.

Hiện nay, trong khi các ngân hàng cổ phần Việt Nam đã có một tỷ lệ CAR phù hợp Basel 1, một số ngân hàng quốc doanh vẫn chưa đáp ứng được điều kiện này, trong khi quy mô hoạt động của họ (tổng tài sản có) lại rất lớn. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối 2010, các ngân hàng thương mại Việt Nam phải có số vốn tối thiểu là 3.000 tỉ đồng và phải đảm bảo đáp ứng tỷ lệ CAR của Basel 1.

Đây là một động thái tích cực hướng đến sự an toàn của hệ thống, tuy rằng theo Moody’s, nhu cầu vốn hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới, khi chính sách tiền tệ trong nước đang có xu hướng thắt chặt và hệ thống tài chính tín dụng toàn cầu vẫn còn suy yếu, chưa hồi phục được sau khủng hoảng.

Các cuộc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trong nước chắc chắn xảy ra, và nếu điều này được hướng dẫn, khuyến khích và giúp đỡ tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước, các kết quả đạt được sẽ tốt hơn rất nhiều cho hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trên đà trưởng thành.

Lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam năm 2009 được Moody’s dự đoán sẽ giảm so với năm 2008, nhưng vẫn còn khá hơn nhiều so với các đồng nghiệp của họ ở phần còn lại của thế giới. Điều quan trọng là các ông chủ ngân hàng Việt Nam cũng như nhà quản lý hệ thống là Ngân hàng Nhà nước đã ý thức được sự cần thiết phải thực hiện những dự phòng tài chính cho các khoản tín dụng đang tồn đọng và có nguy cơ khó đòi, những dự phòng quan trọng nhằm kiểm soát và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng.

Đây là nỗ lực chung của Chính phủ và doanh nghiệp ngân hàng được Moody’s đánh giá rất tích cực. Hệ thống đang hành động hướng đến mục tiêu an toàn hơn và lành mạnh hơn, với sự tăng cường giám sát rủi ro từ phía các cơ quan quản lý vĩ mô và một sự tự nguyện giảm bớt các mục tiêu lợi nhuận để dành ưu tiên cho các mục tiêu an toàn từ phía các cổ đông đầy quyền lực của ngân hàng.

Khi các ông chủ ngân hàng hành động đúng đắn, đó là một tín hiệu lạc quan giúp phục hồi và phát triển niềm tin, sự tín nhiệm của công chúng, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hệ thống ngân hàng.

Theo nhận xét của Moody’s, cùng với sự có mặt ngày càng đông đảo và rộng rãi của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, môi trường kiểm soát và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng sẽ liên tục được cải thiện, các tiêu chuẩn báo cáo tài chính sẽ dần dần đáp ứng chuẩn mực quốc tế, thêm vào đó sự hoàn thiện và phát triển ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng thông tin sẽ giúp nâng cao triển vọng của các ngân hàng Việt Nam trên tiến trình tăng trưởng và hội nhập với hệ thống tài chính ngân hàng quốc tế.

Nhưng triển vọng phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với một bài toán khó. Các ngân hàng của chúng ta đang thiếu nhân sự có năng lực, cả ở cấp quản lý lẫn điều hành. Trước mắt, tình trạng cạnh tranh thu hút nhân tài giữa các ngân hàng đang khiến cho lương bổng trong ngành tăng cao, chưa kể đến chi phí huấn luyện kỹ năng mềm mà hầu như mỗi ngân hàng có tầm cỡ đều phải cố gắng tự đài thọ để hy vọng có một đội ngũ nhân sự có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng ngày càng khó tính hơn trong một môi trường cạnh tranh ngân hàng ngày càng quyết liệt hơn.

Trong lâu dài, khan hiếm nhân sự cấp cao có thể khiến cho các ngân hàng Việt Nam phải thuê mướn chuyên viên nước ngoài cộng tác. Chi phí nhân sự cao, theo nhận xét của Moody’s, sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động và khả năng mở rộng mạng lưới của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Các yếu tố ngoại vi khác như một chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ nhằm đối phó với nạn lạm phát đang rình rập nền kinh tế trong thời kỳ hậu khủng hoảng cũng như tình trạng thâm hụt cán cân thương mại đang có nguy cơ gia tăng cũng sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng, theo nhận định của Moody’s. Khi nền kinh tế chưa hồi phục với tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức cao, tình trạng không gửi tiết kiệm trong khu vực dân cư sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng tiền gửi cá nhân tại các ngân hàng.

Trong khi các doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu vay vốn, một chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ khiến cho lãi suất tăng cao trở lại và khiến cho thanh khoản của các ngân hàng sẽ không còn dồi dào như trước. Mặt khác, thâm hụt cán cân thương mại cần phải được kiểm soát trong hạn mức chấp nhận được nhằm duy trì một tỷ giá tương đối ổn định để không ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Đây không phải là điều dễ dàng khi thương mại đang tự do hóa và cộng đồng chưa tự nguyện chấp hành kỷ luật tiêu dùng.

Trong điều kiện đó, dự báo một đợt cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm giữa các ngân hàng bằng cách nâng cao lãi suất tiền gửi không phải là không có cơ sở. Hiện nay, tiền gửi vẫn là nguồn vốn huy động chủ yếu, chiếm đến 70-75% tổng vốn tín dụng của các ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng của chúng ta đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách khá êm đẹp, trong đó có phần góp sức rất quan trọng của gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 17 ngàn tỉ đồng của Chính phủ, phần còn lại là những nỗ lực tự thân của các ngân hàng và sự điều hành tỉnh táo và thận trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều may mắn là chúng ta chỉ nằm ở vùng ngoại vi của cơn bão tài chính thế giới, không chịu ảnh hưởng tàn phá trực tiếp của nó.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính nhờ sự xuất hiện của nó, chúng ta mới kịp thời điều chỉnh các biện pháp kinh tế vĩ mô và cứu vãn được một bàn thua trông thấy của hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, không nên vì thế mà không tiếp tục tỉnh táo và thận trọng để có những giải pháp đúng đắn và phù hợp nhằm giải quyết tiếp một cách hiệu quả những vấn đề của riêng nó.

Huỳnh Bửu Sơn

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   “Hệ thống ngân hàng VN nên kết hợp chặt chẽ với thế giới” (23/11/2009)

>   "Siêu lãi suất" kỳ hạn ngắn (23/11/2009)

>   Bộ Tài chính xuất 30 triệu euro cho vay (21/11/2009)

>   Tập trung cho vay vốn kinh doanh cuối năm (21/11/2009)

>   Trong tuần, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tăng 0,55% (20/11/2009)

>   Nguy cơ lớn từ tín dụng tăng cao (20/11/2009)

>   Khuyến cáo kiểm soát tăng trưởng tín dụng (20/11/2009)

>   Vietinbank TPHCM và Sadaco hợp tác toàn diện (20/11/2009)

>   NH thu thêm phí quản lý tài sản khiến khách bất bình (20/11/2009)

>   Lạm phát ở xa, tỷ giá ở ngay trước mặt (20/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật