“Hệ thống ngân hàng VN nên kết hợp chặt chẽ với thế giới”
Hệ thống ngân hàng Việt Nam nên kết hợp chặt chẽ với thế giới dù hiện tại hệ thống tài chính thế giới cũng không ổn định. Đó là khuyến cáo của ông Nicholas Kwan - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á, Ngân hàng Standard Chartered. Nhìn nhận về hệ thống tài chính tại các quốc gia hàng đầu thế giới trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động hiện nay, ông Kwan nói:
- Có thể nói, giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi, vì thời điểm này năm ngoái tình hình kinh tế rất xấu, nhiều ngân hàng trung ương đã phải bơm tiền để tránh đổ vỡ hệ thống trên thị trường tài chính của những quốc gia này và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, dù hệ thống tài chính thế giới đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất nhưng bối cảnh hiện nay lại không hề tốt như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, châu Á đang là điểm sáng duy nhất cho sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng sau khủng hoảng tài chính và kinh tế, còn các nền kinh tế ở châu Âu, Mỹ vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Dự kiến, thời gian hồi phục của nền kinh tế châu Âu hay Mỹ sẽ phải mất ít nhất là từ 2-3 năm, thậm chí có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng tại châu Á, sự hồi phục này chỉ có thể mất vài quý.
Đó là tình hình thế giới. Còn với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam hiện nay, ông có nhận định như thế nào?
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 đã tăng 33,29% so với cuối năm 2008, điều này đang dấy lên những lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Mặc dù vậy, tôi cho rằng đây chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng vẫn cần phải có những nhìn nhận thấu đáo và có sự theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới.
Nếu nhìn vào khu vực châu Á, thì Việt Nam và Trung Quốc chính là hai trường hợp điển hình khá giống nhau về tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua. Ở hai quốc gia này, số lượng các khoản vay (hay tăng trưởng của nguồn cung tiền) đã tăng cao, trong khi đó, ở các nước khác của châu Á - nơi có thể có nền kinh tế lớn và phát triển hơn thì tăng trưởng tín dụng gần bằng 0%.
Hay như ở Mỹ thì nguồn cung tiền đến thời điểm này gần như không tăng, thậm chí tăng trưởng cho vay còn ở mức âm. Vì vậy, tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tốt hơn các nước khác, các ngân hàng vẫn đang hoạt động bình thường và ổn định.
Theo tôi, vấn đề cần quan tâm lúc này là cho ai vay, hiệu quả của khoản vay đó như thế nào, có sinh lời hay không và nền kinh tế được hưởng lợi những gì từ sự tăng trưởng tín dụng này... Tuy nhiên, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ra, rất nhiều khả năng nợ xấu trong năm 2009 sẽ tăng cao.
Vì vậy, Chính phủ nên chú ý đến các chính sách cho vay và đối tượng cho vay trong thời gian tới để giảm rủi ro do nợ xấu gây ra từ nay đến cuối năm và những năm tới.
Theo đánh giá của tôi, thời điểm này Việt Nam chưa cần thiết phải sử dụng những chính sách tiền tệ vĩ mô như: tăng lãi suất cơ bản hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Thay vào đó, các nhà điều hành chính sách vĩ mô nên lưu ý đến đối tượng cho vay, các ngân hàng cần tạo điều kiện để cả doanh nhiệp lớn và nhỏ được tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý và hướng khoản vay vào các dự án như: cơ sở hạ tầng, bênh viện, trường học. Như vậy, Chính phủ cần đảm bảo việc cho vay phải hướng tới tất cả đối tượng và các ngành từ đó sẽ giúp nền kinh tế có sự hồi phục nhanh và mạnh mẽ.
Vậy, theo ông, từ nay đến cuối năm 2009, hệ thống tài chính và đặc biệt là hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có những điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với những diễn biến này?
Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến tất cả bộ phận trong hệ thống tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, sẽ rất khó đề cập đến vấn đề điều chỉnh cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam thời điểm này, vì ngay cả hệ thống tài chính toàn cầu cũng đang phải tự tìm cho mình một sự thay đổi.
Thậm chí các diễn đàn thế giới về tài chính và ngân hàng vẫn chủ yếu nhắc đến công tác quản lý. Họ cũng nói đến những vấn đề về vốn, tính thanh khoản và tất cả những điều này rất quan trọng trong môi trường kinh tế Việt Nam.
Do vậy, theo tôi, hệ thống ngân hàng Việt Nam nên kết hợp chặt chẽ với thế giới dù hiện tại hệ thống tài chính thế giới cũng không ổn định. Sự kết hợp này sẽ không có lợi ngay trong ngắn hạn nhưng về dài hạn đây là điều tất yếu để hướng tới sự gắn kết trong khối tài chính ngân hàng toàn cầu.
Tôi cho rằng điều cần quan tâm nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam thời điểm này là phải tạo ra một hệ thống ngân hàng khỏe để chuẩn bị cho sự hòa nhập quốc tế sau khủng hoảng.
Hệ thống ngân hàng ở Đông Âu là một bài học quan trọng cho Việt Nam trong thời điểm này, vì hầu hết các ngân hàng của một số nước Đông Âu là ngân hàng nước ngoài, do đó ngân hàng trung ương ở các quốc gia này gần như không có quyền lực gì đối với hệ thống ngân hàng.
Và bài học cho Việt Nam là Chính phủ cần giúp đỡ và xây dựng một hệ thống ngân hàng nội địa tốt và vững chắc để có thể tham gia và hợp nhất với hệ thống tài chính thế giới. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để hệ thống ngân hàng tại Việt Nam phát triển.
Ngô Hải
TBKTVN
|