Thứ Năm, 26/11/2009 16:55

Lãi suất thỏa thuận lên tiếng

Các ngân hàng đang lo ngại do vốn huy động không tăng, sẽ phải thắt chặt cho vay. Doanh nghiệp không vay được vốn mới, liệu họ có trả các khoản vay cũ? Như thế, liệu nợ quá hạn của ngân hàng có tăng vọt?

Tìm mọi cách nâng vốn đầu vào

Một công ty chứng khoán vừa tăng vốn điều lệ thêm 100 tỉ đồng. Lập tức có ngân hàng cổ phần liên hệ đề nghị gửi tiền vào chỗ họ với lãi suất 9,9%/năm cho kỳ hạn ba tháng cộng thêm ưu đãi. Tính cả phần ưu đãi, lãi suất thực gửi tới 11%/năm.

Các doanh nghiệp có tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên hiện đều có thể thỏa thuận lãi suất với ngân hàng. Còn người dân, ngoài lãi suất niêm yết, được hưởng các khuyến mãi như nhận quà tặng bằng tiền mặt, vàng, nhận lãi trả trước ngay khi gửi...

Các tổ chức tín dụng có lý do để tìm mọi cách nâng vốn huy động. Thứ nhất, họ cần vốn để đáp ứng nhu cầu vay, trả lương, thưởng của doanh nghiệp cuối năm.

Thứ hai, họ dự báo mặt bằng lãi suất sẽ thay đổi nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào năm 2010. Thứ ba, họ cần đảm bảo cho doanh nghiệp được vay lại sau khi đối tượng này trả các khoản vay kích cầu, nếu không sẽ mất khách hàng.

Cần công cụ hỗ trợ lãi suất cơ bản

Sự mất cân đối của vốn huy động và cho vay, theo các ngân hàng, xuất phát từ việc lãi suất cơ bản đã đứng nguyên một chỗ khá lâu trong khi các công cụ “vệ tinh” xoay quanh nó không hoạt động hiệu quả.

Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng quốc doanh nhận xét: “Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam phù hợp ở thời điểm ra đời. Tuy nhiên, bây giờ nó không còn thích hợp vì không phản ánh đúng mức độ rủi ro trong tín dụng (rủi ro cao, lãi suất cao). Ngoài ra đối tượng điều tiết của quyết định trên chỉ là các ngân hàng, trong khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không bị khống chế bởi lãi suất trần”.

Hỗ trợ cho lãi suất cơ bản, NHNN sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, hoán đổi tiền đồng - đô la Mỹ và giới hạn tăng trưởng tín dụng. Nghiệp vụ hoán đổi (swap) đô la - đồng kỳ hạn 3-12 tháng nhằm hút bớt lượng ngoại tệ nhàn rỗi và tăng cung tiền đồng chỉ phát huy tác dụng trong tháng 4, tháng 5-2009. Sau đó, đặc biệt hiện nay, khi chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và thị trường tự do quá lớn, doanh số hoán đổi giảm hẳn.

Nghiệp vụ thị trường mở được điều hành linh hoạt hơn, khi doanh số lượng nội tệ bơm ra hút vào tăng từ 1.500-2.000 tỉ đồng/ngày vào tháng 7-2009 lên 8.000 tỉ đồng/ngày vào đầu tháng 11-2009 với lãi suất ổn định 7%/năm cho kỳ hạn một tuần. Tuy nhiên, trong vòng 10 tháng trở lại đây NHNN hầu như không sử dụng công cụ tái chiết khấu giấy tờ có giá với các ngân hàng thương mại để bơm vốn kỳ hạn dài.

Việc giới hạn tăng trưởng tín dụng cũng cho thấy giải pháp này không mang lại hiệu quả mong muốn. Mức tăng trưởng tín dụng liên tục được nâng lên, nhưng đến tháng 10-2009 nó vẫn vượt chỉ tiêu.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhận xét trong kỳ họp Quốc hội, vấn đề không phải là chỉ tiêu cao hay thấp, mà là NHNN không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng. Thay vì giới hạn một mức tăng trưởng tín dụng cứng nhắc, NHNN cần xây dựng các công cụ quản lý gián tiếp như quy định quản trị rủi ro, quản trị tài sản nợ - có, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện Việt Nam.

Có nên hạn chế lãi suất thỏa thuận?

Gần đây để kiềm chế tăng trưởng tín dụng, NHNN giảm dần lĩnh vực được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận. Mới nhất ngày 20-11-2009 NHNN ban hành Công văn 9104/NHNN-CSTT yêu cầu các ngân hàng tiến hành một loạt giải pháp, trong đó tập trung vào ổn định và tăng nguồn vốn huy động, nhất là huy động tiền đồng; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực phi sản xuất.

Cho dù không muốn, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng phải thừa nhận vừa qua một tỷ lệ nhất định vốn cho vay của ngân hàng đã chảy vào chứng khoán, bất động sản. Vấn đề là ngân hàng sẽ rút vốn khỏi những lĩnh vực phi sản xuất đó như thế nào, ở phạm vi, tốc độ nào để tránh những cơn sốc cho chứng khoán, bất động sản bởi hai lĩnh vực này đang chứng kiến sự tham gia của không ít doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

Lãi suất thỏa thuận là cơ chế tự động hóa hoạt động hữu hiệu, vậy có nên tiếp tục hạn chế nó, không cho áp dụng đại trà? Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn ở TPHCM nói: “Bộ luật Dân sự dùng lãi suất cơ bản để chống cho vay nặng lãi. Nhưng cho vay nặng lãi chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tín dụng cho dân cư và doanh nghiệp. Vì thế đem cái chống cho vay nặng lãi áp dụng chung cho cả nền kinh tế là không ổn”.

Theo ông lãi suất cơ bản chỉ nên sử dụng cho NHNN để cơ quan này cân đối cung cầu tiền tệ; không nên dùng nó nhân với bao nhiêu phần trăm để khống chế lãi suất cho vay. Trần lãi suất chỉ nên sử dụng cho một thời điểm nhất định, trong một thời gian nhất định vì xét cho cùng, nói một cách hình ảnh, không thể cứ mãi “thiết quân luật” khi mà “binh biến” đã qua!

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thống nhất lãi suất huy động VND không quá 10,5% (26/11/2009)

>   Co dần tín dụng bất động sản (26/11/2009)

>   Standard Chartered Bank và Vinacomin hợp tác trên một số lĩnh vực quan trọng (26/11/2009)

>   DaiABank tài trợ vốn cho dự án xây dựng mạng 3G (25/11/2009)

>   Maritime Bank khai trương Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (25/11/2009)

>   Thủ tướng khẳng định không phá giá tiền đồng (25/11/2009)

>   Năm 2010 có thể không hỗ trợ lãi suất ngắn hạn (25/11/2009)

>   Rà soát giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (25/11/2009)

>   Lãi suất cơ bản Việt Nam đồng tăng lên 8%/năm (25/11/2009)

>   OCBC chi nhánh TPHCM được tăng vốn lên 19 triệu USD (24/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật