HVG – Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành thủy sản chào sàn HOSE
(Vietstock) – Sáng 25/11, CTCP Hùng Vương - Hung Vương Corp (HOSE: HVG) đưa gần 60 triệu cp giao dịch ngày đầu tiên trên Sở GDCK TPHCM (HOSE). Với 3,000 tỷ đồng vốn hóa tính theo giá tham chiếu 50,000 đồng/cp, HVG trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong nhóm ngành thuỷ sản niêm yết trên HOSE. Liệu 59.99 triệu cp HVG sau ngày giao dịch đầu tiên có tạo ra sức hút dẫn dắt các cổ phiếu cùng ngành trước những biến động mạnh của thị trường trong thời gian gần đây?
Hung Vương Corp là một doanh nghiệp thuỷ sản được biết đến với hoạt động chính là chế biến cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu. Hiện sản phẩm của Hùng Vương được xuất sang 27 nước trên toàn thế giới. Trong đó Nga là một thị trường mới, tuy chỉ mới khai thác từ 2008 nhưng đã đóng góp 35% doanh thu công ty trong năm.
Trải qua 6 lần tăng vốn từ khi cổ phần hoá (2007) đến nay, vốn điều lệ của HVG đạt gần 600 tỷ đồng. Công ty hiện có 3 chi nhánh (An Lạc 1, An Lạc 2, Hiệp Phước), 5 công ty con (An Lạc – Tiền Giang, Châu Á, Hùng Vương – Vĩnh Long, Hùng Vương – Sa Đéc, Châu Âu) và 2 công ty liên kết (Địa ốc An Lạc, Hùng Vương – Miền Tây với Hùng Vương – Tây nam và Việt Thắng). Với mạng lưới rộng lớn này, Hùng Vương được đánh giá là một trong các doanh nghiệp thủy sản có tiềm lực mạnh về tài chính lẫn quy mô.
Lợi thế từ chu trình khép kín hiệu quả
Mô hình khép kín từ “gốc đến ngọn” tuy không lạ nhưng trong ngành thủy sản, Hùng Vương Corp là một trong số ít các doanh nghiệp ở nước ta thực hiện mô hình khép kín từ khâu thức ăn - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu đến hệ thống kho lạnh dữ trữ. Đây được xem là thế mạnh cạnh trạnh của HVG với nhiều công ty khác khi tạo được sự chủ động trên thị trường.
Công ty có 2 nhà máy sản xuất thức ăn cho thủy sản tại Đồng Tháp là Việt Thắng và Hùng Vương Tây Nam. Trong 100 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thì Hùng Vương chiếm lĩnh 25% thị phần cung cấp thức ăn cho thủy sản tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hiện tại, Hùng Vương đang có 150 ha diện tích nuôi trồng ở Miền Tây, chủ yếu ở Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long. Trong đó, CTCP Nuôi trồng Thuỷ sản Hùng Vương - Miền Tây cung cấp bình quân 80,000 tấn nguyên liệu/năm, chiếm 50% nhu cầu nguyên liệu của Hùng Vương. Công ty dự kiến tăng diện tích lên 200 ha vào năm 2010.
Thế mạnh không thể bỏ qua của HVG là hệ thống kho lạnh hiện có với sức chứa lên đến 42,000 tấn tại KCN Tân Tạo, gồm 2 kho, 1 kho với sức chứa 12,000 tấn đưa vào hoạt động năm 2007 (An Lạc 1) và 1 kho với sức chứa 30,000 tấn hoạt động vào tháng 10/2008 (An Lạc 2). Ngoài ra, Hung Vuong Corp đang tập trung đầu tư vào dự án kho lạnh có sức chứa lên đến 60,000 tấn ở Hiệp Phước với tổng vốn đầu từ 469.5 tỷ đồng. Dự án dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 5/2010. Có thể nói, với nhu cầu cao về mặt bằng kho lạnh như hiện nay, đây sẽ là nguồn thu ổn định, lâu dài và tạo ra thế mạnh cho Hung Vuong Corp.
Để ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn thì chế biến là một khâu rất quan trong. Hiện Hung Vuong Corp có các công ty chế biến gồm Hùng Vương, Hùng Vương - Vĩnh Long, An Lạc, Hùng Vương - Sa Đéc và một Hùng Vương - Châu Âu mới vừa đưa vào hoạt động giữa tháng 11 này.
Khâu cuối cùng trong chu trình kinh doanh khép kín là phân phối sản phẩm đầu ra. Sản phẩm của Hung Vuong Corp, đặc biệt là các sản phẩm từ cá tra, basa như cá tra nguyên con, phi lê cá tra được xuất khẩu qua các thị trường truyền thống như EU, Canada, Thuỵ Sĩ và Nga... Trong 9 tháng đầu năm, HVG là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu giá trị xuất khẩu trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản niêm yết với giá trị xuất khẩu đạt 102.12 triệu USD, đứng sau MPC (112.25 triệu USD).
Giá trị xuất khẩu 9T/2009 của HVG so với các doanh nghiệp niêm yết
Nguồn: VietstockFinance |
Hiện tại, Hùng Vương có khoảng 6 khách hàng chính là các nhà phân phối thực phẩm lớn ở các nước nhập khẩu như: Tây Ban Nha, Ba Lan, Mexico, Ai Cập, Ucraina, Nga. Đây cũng là các thị trường mà Hùng Vương đang đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu.
Có thể nói rằng, mỗi một khâu trong quy trình khép kín trên là một mắt xích không thể thiếu tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định hằng năm cho Hung Vuong Corp. Bởi chính điều này đã tạo ra sự chủ động cũng như tự cân đối, điều chỉnh cả quá trình từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm công ty.
Kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất
Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính của HVG |
Ước lợi nhuận cả năm đạt kế hoạch 360 tỷ đồng, mở rộng đầu tư bất động sản
Kết thúc quý 3, trong bối cảnh nhiều công ty niêm yết trong ngành thủy sản bị lỗ lớn hoặc đạt lợi nhuận không cao như BAS, NAV, BLF, ACL,.. . Thì HVG lại đạt mức tăng trưởng có thể xem là khả quan, doanh thu thuần 9 tháng đạt 2,278 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 268.69 tỷ đồng. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, ước lợi nhuận cả năm của HVG có thể đạt mức kế hoạch đã đặt ra là 360 tỷ đồng. Theo một báo cáo của công ty, mức tăng trưởng bình quân kép hàng năm của doanh thu thuần là 84% và lợi nhuận thuần là 76%. Tính đến cuối tháng 9, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 20%.
Với tiềm lực như hiện nay, công ty đưa chỉ tiêu lợi nhuận trong giai đoạn 2009 đến 2010 chênh nhau đến hàng trăm tỷ đồng.
Kế họach lợi nhuận và cổ tức năm 2009 - 2011
Nguồn: Bản cáo bạch HVG |
Ngoài lĩnh vực thủy sản, HVG hiện sở hữu 48% vốn điều lệ CTCP Địa ốc An Lạc và đang từng bước thực hiện hóa các kế hoạch đầu tư vào ngành bất động sản trên 2 miếng đất với tổng diện tích là 8,700 m2 tại khu người Hoa (Quận 6, TPHCM), giá vốn tổng cộng hơn 240 tỷ đồng. Công ty lên kế hoạch hợp tác với CTCP Quốc Cường Gia Lai để triển khai các dự án bất động sản, với diện tích đất 5,640 m2, công ty sẽ phát triển cao ốc thương mại và 3,000 m2 còn lại dự kiến phát triển cao ốc chung cư.
Theo ông Minh - Chủ tịch HĐQT, công ty thực hiện theo chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Cả thuỷ sản và bất động sản đều là những chiến lược của Hung Vuong Corp trong tương lai. Sức tiêu thụ của thị trường trên thế giới đang dần phục hồi cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và HVG nói riêng.
Xuân Anh
** Tải tài liệu: HVG: Bài giới thiệu niêm yết lần đầu
|