Thứ Bảy, 14/11/2009 11:11

Gỡ vướng trong cổ phần hoá DNNN: Chờ quý II/2010

Việc cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang gặp trở ngại do vướng nhiều quy định pháp lý, nhất là các quy định về bán cổ phần chính sách quản lý đất đai và xác định giá đất… Nguy cơ vỡ kế hoạch CPH DNNN đang hiển hiện khi mà đến hết quý III/2009, mới có khoảng 40/1,100 DN cần sắp xếp trong năm 2009 - 2010 được CPH. Trong khi, theo dự kiến tới tận quý II/2010, Bộ Tài chính mới trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách CPH doanh ngiệp 100% vốn nhà nước.

Chuyện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) sau gần 3 năm CPH vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược và mới đây là vụ huỷ tư cách cổ đông chiến lược đối với 4 pháp nhân tại Tổng CTCP xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho thấy, hoặc là các quy định pháp lý hiện hành về cổ đông chiến lược không khả thi, đồng bộ, hoặc thiếu chi tiết, rõ ràng để có thể điều chỉnh hiệu quả hoạt động CPH DNNN.

Muốn gỡ "nút thắt" này, theo Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bán cổ phần cho NĐT chiến lược và người lao động trong DN trước để hình thành CTCP. Chỉ khi quy định rõ ràng, chi tiết hơn phương thức bán cổ phần cho cổ đông chiến lược và cách thức bảo lãnh phát hành, bán thoả thuận, thì mới khắc phục được những vướng mắc trong quá trình DN tìm kiếm đối tác chiến lược.

Lãnh đạo một DNNN đang trong quá trình CPH cho rằng, quy định "NĐT chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân" quá lý tưởng, vì nếu thực hiện được sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước lẫn DN, nhưng trên thực tế rất khó khả thi. Vị lãnh đạo này đề xuất, nên có cơ chế bán cổ phần cho cổ đông nhỏ giống như bán cho người mua lẻ, còn cổ đông chiến lược là người mua sỉ. Dĩ nhiên, mua sỉ thì phải được hưởng mức giá rẻ hơn người mua lẻ. Tuy nhiên, nếu e ngại áp dụng cơ chế này gây nên sự bất bình đẳng với NĐT nhỏ lẻ, hoặc gây thiệt hại cho Nhà nước, DN thì sẽ khó tháo gỡ được các vướng mắc như hiện nay. Cụ thể, DN gần như không thể tìm được đối tác chiến lược, nên khó đáp ứng được mục tiêu đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN. Thất bại trong tìm đối tác chiến lược, DN sẽ không dễ tạo bước chuyển về chất trong quản trị DN, qua đó ảnh hưởng đến nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về dài hạn, giá trị kinh tế mà cổ đông chiến lược mang lại cho DN đôi khi lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền mà Nhà nước, DN chịu thiệt khi bán cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá thấp hơn giá bán cho NĐT nhỏ lẻ...

Một điểm nghẽn khác trong CPH DNNN là nhiều DN không bán được trong lần bán cổ phần lần đầu, nhưng với quy định hiện hành rất khó giúp họ bán thành công trong các lần tiếp theo. Điều này được thể hiện khá rõ kể từ đầu năm 2008 đến nay, không ít DN phải tìm cách đình hoãn tiến độ IPO hoặc niêm yết trên TTCK. Theo Bộ Tài chính, để khắc phục bất cập này, cần bổ sung cơ chế xác định rõ ràng, chi tiết việc bán tiếp phần vốn nhà nước tại các DN CPH không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần. Muốn vậy, nên sớm sửa đổi tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước được ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng thu hẹp lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Các DN không thuộc diện này sẽ thực hiện CPH, tỷ lệ cổ phần Nhà nước tiếp tục nắm giữ tại các DN này do cơ quan có thẩm quyết định CPH phê duyệt.

Thiếu hướng dẫn cụ thể về đưa giá trị đất vào giá trị tài sản của DN theo cơ chế thị trường trước khi CPH cũng đang khiến DN "đau đầu", bởi để xác định được như thế nào là giá thị trường là không đơn giản khi mà giá đất trên thực tế luôn biến động, trong khi tính từ thời điểm xây dựng phương án CPH đến khi được phê duyệt phải mất một khoảng thời gian khá dài. Đó là chưa kể việc xác định các giá trị vô hình như: lợi thế vị trí đất đai cho sản xuất, kinh doanh… cũng không hề đơn giản.

Có một thực tế đang tạo ra "rào cản" tâm lý làm chậm tiến trình CPH DNNN, đó là những "khoảng trống" pháp lý về vai trò quản lý của Nhà nước đối với DN sau CPH. Đại diện VCB từng cho biết, mặc dù đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, nhưng trong thực tế hoạt động VCB vẫn chịu sự chi phối rất lớn từ cơ quan quản lý. Điều này, đôi khi khiến DN rất khó xử và làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của VCB.

Theo Bộ Tài chính, gói giải pháp tổng thể tháo gỡ những bất cập hiện đang được Bộ khẩn trương chuẩn bị và dự kiến, đến quý II/2010 sẽ trình Chính phủ quyết định. Đại diện một số DN cho rằng, trong bối cảnh CPH DNNN đang bị tắc và rất cần sớm được tháo gỡ, để đáp ứng mục tiêu CPH khoảng 700 DN từ nay đến hết năm 2010 như kế hoạch đã phê duyệt, thì việc mất thêm nửa năm nữa cho việc Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách CPH doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là quá chậm. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường tài chính đang không thuận lợi cho CPH DNNN, thì đây chính là lúc càng phải đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế CPH để đón đầu cơ hội khi tình hình kinh tế trong và ngoài nước thuận lợi hơn.   

Hữu Hòe

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   MobiFone lại lỗi hẹn cổ phần hóa (13/11/2009)

>   Xây lắp & Địa ốc Vũng Tàu chốt danh sách đại lý đấu giá cổ phần (12/11/2009)

>   IPO Cảng Thị Nại: Lượng đặt mua vượt lượng chào bán 0.9% (12/11/2009)

>   Phản hồi loạt bài “Những vấn đề đặt ra từ các DN cổ phần hóa” (12/11/2009)

>   Tcty Sông Hồng thu 151 tỷ đồng trong đợt IPO 6.78 triệu cp (09/11/2009)

>   Cổ phần hóa 12 DNNN thuộc Bộ Công Thương trong 2009-2010 (06/11/2009)

>   Sacombank-SBS tổ chức giới thiệu về IPO tại Đà Nẵng, Hà Nội (06/11/2009)

>   Lập CTCP: Phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập (06/11/2009)

>   Clifone và HBS được công nhận là công ty đại chúng (04/11/2009)

>   Giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu SBS (04/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật