Thứ Tư, 25/11/2009 07:22

Giá cả nhấp nhổm tăng vì USD

Giá nhiều mặt hàng nhập khẩu nhấp nhổm tăng do doanh nghiệp phải trả thêm 2.000 đồng/USD so với giá niêm yết của ngân hàng khi mua ngoại tệ. Nếu mua được 5-6 tỉ USD do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước găm giữ sẽ giảm bớt nguy cơ lạm phát, kéo giá vàng giảm 1-3 triệu đồng/lượng.

Nhiều mặt hàng tăng giá vì USD

Anh Nguyễn Khánh Vĩnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết đã mất thêm 1 triệu đồng chỉ vì đắn đo khi mua máy ảnh. Chiếc máy ảnh này có giá 1.050 USD, tuần trước nơi bán dùng tỉ giá 19.100 đồng/USD để quy đổi ra giá bán nhưng đầu tuần này tăng lên 19.750 đồng/USD.

Ghi nhận trên thị trường, giá chiếc máy tính tuần trước chỉ hơn 12,7 triệu đồng nhưng ngày 24-11 là 13 triệu đồng. Nhân viên bán hàng cho biết do USD tăng lên gần 20.000 đồng/USD. Ổ cứng HDD 320 Gb ngày 23-11 chỉ 890.000 đồng nhưng ngày 24-11 là 920.000 đồng. Một tuần trước giá chiếc ổ cứng này chỉ 874.000 đồng.

Các phụ kiện như tai nghe, máy in... cũng tăng trung bình 10%. Riêng điện thoại di động, nhiều đơn vị bán lẻ cho biết chưa tăng giá do các nhà phân phối còn giữ giá bán.

Các nhà nhập khẩu thì đau đầu với tỉ giá. “Sáng nay công ty phải thanh toán 30.000 USD tiền nhập linh kiện máy tính. Tỉ giá VND/USD do ngân hàng niêm yết là 17.878 đồng/USD nhưng công ty phải trả đến 19.850 đồng/USD. Với 30.000 USD, công ty phải chi thêm 60 triệu đồng. Khoản chênh lệch gần 2.000 đồng/USD này được tính vào giá vốn khiến giá hàng nhập tăng khoảng 20% so với đầu năm” - ông Nguyễn Huỳnh Thy Khoa, giám đốc Công ty máy tính Long Vũ (TP.HCM), cho biết. Cũng theo ông Khoa, một máy tính xách tay giá 700 USD nhập về đầu năm được bán với giá 12,6 triệu đồng. Cũng chiếc máy tính đó hiện giá nhập khẩu chỉ còn 650 USD nhưng doanh nghiệp bán trên 13 triệu đồng vì phải mua USD giá cao. Nhiều linh kiện khác giá trên thế giới cũng giảm nhưng giá bán trong nước lại tăng trung bình 10%.

Tương tự, ông Ngô Hữu Hoàng, tổng giám đốc Công ty CP TM-XNK Thiên Nam, cho biết khi mua USD, công ty phải trả cao hơn giá niêm yết gần 2.000 đồng/USD khiến giá hàng hóa tăng 12-13%. Còn theo bà Đặng Thị Thúy Ngần - phó chủ tịch HĐQT Công ty Vật tư và giống gia súc, dù là ngành ưu tiên được mua ngoại tệ nhưng doanh nghiệp cũng phải mua USD cao hơn giá ngân hàng niêm yết. Việc mua USD giá cao khiến nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng, đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng theo. Tất cả sẽ được phản ánh vào giá thực phẩm bán cho người tiêu dùng.

Nhập vàng, giá vẫn cao, vì sao?

Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Thanh Trúc, tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trả lời do tỉ giá VND/USD. Theo ông Trúc, doanh nghiệp phải mua USD với giá cao hơn rất nhiều so với giá ngân hàng niêm yết.

Giá vàng bán ra trong nước đang cao hơn 3 triệu đồng/lượng nếu so với giá vàng quy đổi theo tỉ giá niêm yết. Giá vàng vẫn chưa giảm về ngang với giá thế giới nếu doanh nghiệp vẫn phải mua USD cao hơn giá niêm yết để nhập vàng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết đang có tình trạng nghẽn cổ chai trong gia công vàng nguyên liệu ra vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Thậm chí doanh nghiệp còn phản ảnh ở Công ty SJC có đường dây đổi nhanh từ vàng nguyên liệu lấy vàng miếng.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long - tổng giám đốc SJC - cho biết: hiện có trên 30 doanh nghiệp kinh doanh vàng, kể cả những đơn vị có thương hiệu vàng miếng của riêng mình như Ngân hàng NN&PTNT (vàng AAA), Ngân hàng Á Châu (vàng bông lúa), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)... đều đưa vàng nguyên liệu đến để SJC gia công ra vàng miếng SJC với giá gia công là 30.000 đồng/lượng.

Do giá vàng miếng cao hơn vàng nguyên liệu nhập khẩu cả trăm ngàn đồng/lượng nên công ty nào cũng muốn được gia công ngay để lấy vàng bán. Tuy nhiên, công suất dập vàng miếng của SJC có hạn dù đã tăng cường làm đến tối, tức 2,5 ca, cũng chỉ được 16.000 lượng/ngày. Do vậy, công ty phải phân bổ 60% cho Công ty SJC, còn lại 40% cho các doanh nghiệp bạn. Nhưng ưu tiên cho các ngân hàng, công ty có hạn ngạch nhập khẩu vàng, vì thế số vàng mà các công ty được gia công không như mong muốn. Ông Long cũng cho biết tình trạng này thường xảy ra mỗi khi thị trường hút hàng.

Cũng theo ông Long, ngoài gia công, công ty còn kinh doanh bình thường như các đơn vị khác, đó là mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Từ đó các công ty bạn hiểu đây là đường dây đổi nhanh từ vàng nguyên liệu lấy vàng miếng. Nếu công ty không kinh doanh, chỉ gia công ra vàng SJC lấy phí 30.000 đồng/lượng thì khoản chênh lệch cả trăm ngàn đồng/lượng sẽ do các đơn vị đặt gia công vàng miếng SJC hưởng...

Người dân dè dặt với vàng

* Hà Nội : Chiều 24-11, giá vàng tăng, người đến bán đông hơn, ngược lại với buổi sáng. Một chủ cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho hay sau sự kiện ngày 11-11, người mua bán vàng rất cảnh giác, thăm dò kỹ tình hình rồi mới quyết định mua bán. Còn đại diện của cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cho biết trong ngày 24-11 đã đổi giá bảy lần, lượng khách ít hơn hôm qua mặc dù giá tăng.

* Tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ , theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, thị trường vẫn trầm lắng. Nếu có giao dịch, như ở TP.HCM, chủ yếu vẫn là bán. Các công ty vàng cho biết lượng vàng giao dịch có tăng nhưng chủ yếu là mua bán giữa các công ty hoặc những người lướt sóng giá vàng, rất ít người dân mua để cất giữ.

Cuối ngày 24-11, Công ty SJC niêm yết giá vàng tăng 150.000 đồng/lượng so với ngày 23-11, đạt 28,57 triệu đồng/lượng (TP.HCM) và 28,59 triệu đồng/lượng (Hà Nội). Trong ngày 23-11, giá vàng thế giới có kỷ lục mới là 1.173,7 USD/ounce. Hầu hết các bản tin tư vấn về giá vàng đều cảnh báo người dân thận trọng vì giá vàng biến động phức tạp và phụ thuộc nhiều vào hành động của giới đầu cơ. - P.Phương - A.Hồng

Nên mua lại 5-6 tỉ bị găm giữ

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, có thể kéo giá vàng giảm 1-3 triệu đồng/lượng, giảm bớt áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng bằng cách mua lại 5-6 tỉ USD bị găm giữ bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông nói:

- Nếu chúng ta cứ để doanh nghiệp phải mua USD với giá 19.800 đồng/USD thì nó sẽ thẩm thấu vào mặt bằng chung của giá cả hàng hóa khác. Lạm phát quay lại sẽ phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô là thành quả mà chúng ta đã tốn nhiều công sức để thực hiện từ năm 2008 đến nay. Ổn định tỉ giá là việc làm cấp thiết, nếu không chi phí để ổn định trở lại sẽ cao rất nhiều lần so với trước.

Khi giá vàng trong nước tăng nhanh dễ tạo tâm lý người dân mất niềm tin vào VND. Nếu không có sự can thiệp, giá vàng còn biến động phức tạp. Giá vàng trong nước tăng có yếu tố một phần tỉ giá rất lớn. Nếu xử lý được vấn đề tỉ giá thì chúng ta có thể kéo giá vàng giảm 1-3 triệu đồng/lượng, tùy biến động của giá vàng.

* Thực tế chúng ta có thiếu USD?

- Về cung cầu ngoại tệ, nhìn tổng thể năm 2009 chúng ta hoàn toàn cân đối được, dù nhập siêu có thể lên đến 12 tỉ USD. Nhưng bù lại đó là nguồn kiều hối vào VN lên đến 5-6 tỉ USD, nguồn ngoại tệ từ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên đến 10 tỉ USD. Đặc biệt nguồn vốn viện trợ phát triển năm 2009 cũng tạo cho Việt Nam nguồn ngoại tệ từ 2,5-3 tỉ USD. Tuy nhiên, thị trường đang méo mó bởi yếu tố đầu cơ, đã diễn ra tình trạng thiếu ngoại tệ cục bộ.

* Ông có nói đến tình trạng găm giữ, thực chất là đầu cơ ngoại tệ, vậy chống đầu cơ bắt đầu từ đâu?

- Phải có nhiều giải pháp cả kinh tế lẫn hành chính. Ngoại tệ là của doanh nghiệp nhưng là tài sản quốc gia, vì thế phải được phục vụ cho phát triển chung của nền kinh tế. Để chống đầu cơ, theo tôi, cần thực hiện ba giải pháp. Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng cho phù hợp hơn. Thu hẹp lại biên độ biến động tỉ giá từ +-5% còn +-2%. Trên cơ sở đưa ra một tỉ giá hợp lý, sẽ thực hiện biện pháp thứ ba là buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán lại 50-80% số ngoại tệ mà họ đang nắm giữ. Với nguồn ngoại tệ này, Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường để bảo vệ tỉ giá vừa mới điều chỉnh. Nếu mua 50-80% số ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì chúng ta có 5-6 tỉ USD để can thiệp thị trường. Khi nguồn cung tăng, giá giảm lại thì chẳng còn ai găm giữ nữa.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp này thì tỉ giá sẽ dịu lại và không gây sức ép lên giá trong cuối năm cũng như dịp tết.

* Vì sao Ngân hàng Nhà nước lại không thể huy động nguồn ngoại tệ từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

- Theo tôi, các doanh nghiệp ngành dầu khí, cao su, than, lương thực, thủy sản... đang giữ nhiều USD. Ngân hàng Nhà nước khó can thiệp vì nó liên quan đến quyền lợi của các tập đoàn, tổng công ty. Vì thế phải có sự đồng thuận của các ban ngành liên quan. Một mình Ngân hàng Nhà nước không xử lý nổi. Cũng có lý do trong kinh doanh, doanh nghiệp muốn có lợi nhất. Cái gốc là đừng để doanh nghiệp có cớ để giữ USD. Tuy nhiên, để đạt được việc này cần nhiều thời gian và phải xử lý nhiều vấn đề lớn.

* Nhưng các tập đoàn, tổng công ty sẽ kêu biện pháp hành chính?

- Thời gian qua, tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những đơn vị được hưởng nhiều ưu đãi từ các biện pháp hành chính, trong đó có hỗ trợ lãi suất. Nay việc buộc phải bán lại một phần ngoại tệ, đó là biện pháp hành chính, như thế cũng là công bằng.

Giá vàng trong nước tăng cao do yếu tố tỉ giá

Tỉ giá

Giá vàng thế giới

Giá vàng quy đổi (*)

Ngân hàng niêm yết

17.882đồng/USD

1.170USD/ounce

25,55 triệu đồng/lượng

Giá thực giao dịch

19.800đồng/USD

28,3 triệu đồng/lượng

T.Tu - A. Hồng - T.Sơn

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Chẩn “bệnh” giá vàng (24/11/2009)

>   Giá vàng tăng cao, nhà đầu tư thận trọng hơn (24/11/2009)

>   Tiệm vàng Tuấn Tài vẫn chưa trả nợ (24/11/2009)

>   Sáng 24/11, vàng tăng 100.000đồng/lượng (24/11/2009)

>   Giá USD vẫn tăng chóng mặt (24/11/2009)

>   FED vẫn tin về vị trí của đồng USD (24/11/2009)

>   Sàn vàng, thị trường khốc liệt bậc nhất (24/11/2009)

>   Giá đôla tự do vọt lên 19.750 đồng (23/11/2009)

>   Lại đổ xô mua vàng khi giá tăng vọt (23/11/2009)

>   USD đang tăng nhanh trở lại (23/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật