Chẩn “bệnh” giá vàng
Thời gian qua, “căn bệnh” giá vàng – lúc sốt cao lúc hạ nhiệt, đã khiến dư luận xã hội rất quan tâm, không chỉ về triệu chứng mà cả nguyên nhân của hiện tượng này. Phân tích sau đây là một thông tin tham khảo hữu ích.
Theo ý kiến chuyên gia, kinh tế thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng, nhưng giá vàng liên tục tăng mạnh do kinh tế phục hồi chậm chạp và không vững chắc, trong đó số liệu kinh tế Mỹ không mấy khả quan và đồng USD suy yếu, lãi suất tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức thấp là những căn nguyên chính.
Các nhà phân tích cho rằng, đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong ngắn hạn. Điều này tạo áp lực cho giới đầu tư và thôi thúc họ tiến về thị trường kim loại quý, trong đó vàng là một điển hình. Theo đó, giá vàng liên tục lập kỷ lục mới và đạt 1173,5 USD/ ounce hôm thứ Hai (23/11/2009), tăng trên 30% so với đầu năm 2009. Giá vàng cũng tăng mạnh so với những loại tiền tệ khác và đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua với 782,76 euro/ounce; 705,34 pound/ounce và 104.289 yên/ounce .
Sức mua vàng tăng mạnh sau khi Ấn Độ mua 200 tấn vàng tại IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) vào đầu tháng 11, do một số ngân hàng Trung ương của các nước khác cũng tuyên bố sẽ mua vàng như Liên bang Nga và Mauritius, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi tại châu Á tăng mua vàng để dự phòng rủi ro do lo ngại lạm phát.
Ngoài ra, giá vàng tăng cũng do dẫn dắt bởi các nhà đầu tư có xu hướng chuyển “ống ngắm” vào vàng nhằm dự phòng USD mất giá và hoạt động đầu cơ. Trong đó, các nhà đầu tư tăng mua vàng không chỉ để bảo vệ danh mục đầu tư trước sự mất giá USD mà cũng dự phòng rủi ro tăng giá các loại tiền giấy khác, nhất là tại các nước mới nổi tại châu Á và châu Mỹ.
Theo ý kiến chuyên gia, làn sóng mua vàng cũng tạo ra những lo ngại về nguy cơ tổn thương của các ngân hàng và hệ thống tài chính, buộc chính phủ các nước phải thực hiện các biện pháp thận trọng, và điều này có thể kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế. Ngoài ra, giá vàng liên tục tăng mạnh phản ánh chuỗi ngày buồn thảm trên thị trường toàn cầu, đối lập với quĩ đạo giảm giá đô la Mỹ trong năm nay.
Như vậy, giá vàng tăng chủ yếu do kinh tế Mỹ còn yếu. Trên thực tế, USD mất giá từ sau ngày 11/9/2001, điều này liên quan đến cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông, nhất là tại Afghanistan, trong khi cuộc chiến này còn rất cam go. Vì thế, giá vàng có thể sẽ tăng vững trong dài hạn và hiện đang ở giai đoạn đầu của chuỗi thời kỳ tăng giá, nó sẽ chững lại và bắt đầu xu hướng giảm khi cuộc chiến tại Afghanistan có dấu hiệu kết thúc.
Vì lý do đó, những nỗ lực của nhiều nước trong việc chặn đà suy giảm USD như đã làm trong thời gian qua, thậm chí một thỏa thuận nào đó giữa các nền kinh tế chủ chốt cũng không thể cải thiện được tình hình. Tại những thời điểm nhất định, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh các biện pháp chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, góp phần kìm hãm tốc độ tăng giá vàng. Giá vàng tăng lên theo chu kỳ kinh doanh thông thường: củng cố, điều chỉnh và tăng trở lại.
Trước đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng dầu lửa vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, giá vàng thế giới đã tăng cao và đạt mức kỷ lục 850 USD/ounce vào tháng 10/1980. Tuy nhiên, sau đó giá vàng đã giảm liên tục và xuống dưới 260USD/ounce vào giữa năm 1999. Nhờ các biện pháp chống bán phá giá nên giá vàng phục hồi dần, nhưng đã tăng mạnh sau sự kiện 11/9/2001.
Tại Việt Nam, vàng được đưa vào lưu thông rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhưng thị trường vàng trong nước phụ thuộc vào vàng nhập khẩu, cả về khối lượng và giá cả. Hàng năm, nước ta nhập khoảng trên 60 tấn vàng, đáp ứng trên 90 % nhu cầu trong nước, nhưng vàng không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù một bộ phận người dân vẫn sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán mua bán nhà đất, cất trữ vàng làm tài sản hộ thân. Trên thực tế, tỷ trọng vàng sử dụng trong thanh toán cũng như giao dịch gửi và vay tại các ngân hàng là rất nhỏ so với M2 - tổng vốn huy động và cho vay tại các tổ chức tín dụng.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp kịp thời “trị bệnh” giá vàng như cấp phép nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng nhằm tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, góp phần ổn định giá vàng trong nước.
Văn Thanh
Chính phủ
|