Đồng USD vẫn chưa “thất thế” trên thị trường tiền tệ
Tính từ đầu mùa hè này đến nay, đồng USD đã mất giá 15% so với đồng euro. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương ít tích lũy đồng bạc xanh mà thiên về những đồng tiền khác.
Ngoài ra, đã có tin các nước vùng Vịnh cùng Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Pháp có kế hoạch thay thế đồng USD trong giao dịch dầu mỏ. Tuy nhiên, những dự đoán về việc đồng USD sẽ mất ngôi vị độc tôn dường như còn quá sớm.
Nhiều nguyên nhân đẩy lùi giá đồng USD
Với các nhà kinh tế, việc đồng USD xuống giá thời gian gần đây không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là hành động cần thiết nhằm làm tăng sức hấp dẫn của hàng hóa Mỹ đối với người tiêu dùng nước ngoài, khi Mỹ phải đẩy mạnh xuất khẩu, trong lúc các gia đình ở nước này phải “thắt lưng buộc bụng” do khó khăn về tài chính.
Thêm vào đó, sự mất niềm tin vào những công cụ phức tạp mà các thiết chế tài chính Mỹ sử dụng trong việc tạo ra và phân phối tiền bạc đã khiến dòng vốn từ nước ngoài chảy vào Mỹ hạn chế hơn. Việc các nước giảm mua các tài sản của Mỹ cũng là nguyên nhân khiến đồng USD giảm giá.
Lo ngại những điều trong quá khứ tái diễn, các nhà phân tích dự báo đồng USD sẽ còn xuống giá hơn nữa. Tuy nhiên, những dự đoán của các nhà kinh tế, đặc biệt là những lo ngại trong ngắn hạn về việc đồng USD mất đi vị thế hiện nay có thể chưa đủ cơ sở.
Nói một cách thẳng thắn, các mô hình phát triển kinh tế của Mỹ khiến những dự đoán về biến động trên thị trường tiền tệ trong một vài tuần hoặc một vài tháng trở nên vô ích.
Khi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn nổ ra đầu tháng 9/07, giáo sư kinh tế học và chính trị học Barry Eichengreen ở Đại học Berkeley, Califonia đã công bố bài viết nhan đề “Tại sao đây là thời điểm thích hợp để bán USD”.
Điều xảy ra tiếp theo là đồng USD tăng giá mạnh, khi các nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Sau đó, đồng tiền này đã xuống giá và lại tăng lên sau những vấn đề của Bear Stearns và AIG.
Sau nhiều năm, mô hình phát triển kinh tế của Mỹ đã trở nên tốt hơn, với việc tập trung đẩy mạnh xuất khẩu và giải quyết những khó khăn ngày một lớn mà nền kinh tế phải đối mặt trong việc thu hút vốn từ nước ngoài. Đây là những cơ sở để dự đoán đồng USD sẽ giảm giá mạnh hơn nữa.
Sụt giảm từ "chỉ số lòng tin"!
Một yếu tố làm lung lay vị thế của đồng USD là sự quản lý kinh tế thiếu thận trọng ở Mỹ. Một kịch bản thường được nói tới là lạm phát ở Mỹ sẽ xảy ra thường xuyên, song điều này khó có thể xảy ra. Một khi giai đoạn lãi suất 0% kết thúc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề ổn định giá cả.
Có thể nhiều người sẽ thổi phồng số nợ của Mỹ mà các nước khác đang nắm giữ, song thực tế, phần lớn số trái phiếu chính phủ đang nằm trong tay người Mỹ.
Kịch bản khác là thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Những dự đoán về sự vỡ nợ của nước này rõ ràng là một sự cường điệu. Thế nhưng, nợ ở mức cao sẽ đồng nghĩa với việc các mức thuế sẽ tăng lên.
Chính sách tài chính lỏng lẻo cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ dẫn tới việc tăng lãi suất, điều sẽ kìm hãm đầu tư và làm chậm đà tăng trưởng. Người nước ngoài cũng như người dân Mỹ sẽ ngày càng mất dần sự tin cậy đối với đồng USD.
Vấn đề là đồng USD sẽ giảm giá so với đồng tiền nào?
Câu trả lời chắc chắn không phải là đồng euro, vốn có giá cao hơn so với đồng USD và là đồng tiền của một nền kinh tế với những vấn đề cơ cấu và hoạt động ngân hàng thậm chí còn nghiêm trọng hơn những rắc rối đang làm người Mỹ đau đầu. Đó cũng không phải là đồng yên, đồng tiền của một nền kinh tế vẫn chưa tăng trưởng trở lại.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, đồng USD sẽ xuống giá mạnh so với đồng tiền của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Sự can thiệp của các nền kinh tế này trong những tuần gần đây cho thấy sự miễn cưỡng của họ trong việc cho phép điều này xảy ra. Sự lựa chọn của họ là hoặc mua đồng USD hoặc hàng hóa của Mỹ, nhưng việc mua đồng bạc xanh đang giảm dần.
Trong tương lai, OPEC sẽ định giá dầu mỏ trong một rổ tiền tệ. Với lượng dầu mỏ bán cho Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các thị trường mới nổi ở mức tương đương, sẽ là một khó khăn cho OPEC khi chỉ sử dụng đồng tiền của một khách hàng là Mỹ trong các giao dịch dầu mỏ.
Trong khi đó, khi quyết định những đồng tiền đưa vào dự trữ, các ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ giảm bớt lượng dữ trữ bằng đồng USD.
Đối thủ đến từ thị trường mới nổi
Tuy nhiên, vị trí của đồng USD như một phương tiện thanh toán chủ chốt vẫn chưa kết thúc. Đồng tiền này chưa bị thay thế bằng đồng euro hay đồng yên. Trong khi đó, đồng NDT đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của đồng USD, song điều này sẽ không xảy ra trước năm 2020, khi Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu.
NDT sẽ chỉ chia sẻ thị phần với đồng USD trên thị trường tiền tệ quốc tế chứ không thay thế./.
Vietnam +
|