Thứ Năm, 12/11/2009 09:05

Doanh nghiệp nhập khẩu lao đao vì USD tăng giá

Các nhà nhập khẩu đang toát mồ hôi khi phải chi thêm cả tỷ đồng để mua USD theo giá chợ đen.

Mất vài trăm triệu đồng vì giá USD tăng

Cứ mỗi khi căng thẳng về cung cầu USD, các doanh nghiệp nhập khẩu lại chóng mặt vì những con số phát sinh khi đi mua ngoại tệ.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) bức xúc: “Hai tháng cuối năm, mỗi tháng, chúng tôi cần tới 4-5 triệu USD để trả tiền hợp đồng nhập khẩu. Nhưng để có được số ngoại tệ đó, chúng tôi phải mua theo giá rất cao, đắt hơn Nhà nước qui định.”

“Đơn giản là nhà nhập khẩu như chúng tôi đều buộc phải mua USD chui. Do đó, giá USD chợ đen tăng chóng mặt như hiện nay thì chúng tôi cũng thiệt hại lây”, ông Lý kể.

Cắt nghĩa câu chuyện này, ông cho biết, đó là khoản chênh lệch giữa tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại công bố với giá USD trên thị trường tự do.

Ví dụ, đợt mua USD gần đây nhất của công ty là vào thứ Sáu tuần trước, 6/11. Khi đó, tỷ giá của ngân hàng Vietcombank là 17.867đồng/USD, doanh nghiệp của ông Lý đã phải chấp nhận mua USD với giá 18.500 đồng/USD. Thế nhưng, trên giấy tờ, lại chỉ thanh toán với ngân hàng theo tỷ giá 17.867đồng/USD.

"Cứ đà này, ước tính  để có 6 triệu USD cho nhu cầu nhập khẩu, chúng tôi mất không 3 tỷ đồng, không có chứng từ", ông Lý nói.

Cũng chung cảnh ngộ như ông Lý, ông Nguyễn Ngọc Nghi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinacam cho biết, DN không bao giờ mua được USD theo đúng tỷ giá giao dịch mà các ngân hàng thương mại công bố. Thông thường, mức giá mua USD trên thực tế sẽ cao hơn 600-700đồng/USD, theo thoả thuận giữa ngân hàng và DN.

Dễ thấy nhất là tỷ giá giao dịch của ngân hàng thường dưới 18.000đồng/USD thì các DN  nhập khẩu phải mua USD với giá ít nhất là trên 18.000đồng/USD.

Ông Nghi cũng cho hay, cũng có lúc, DN thoả thuận được với ngân hàng, mua USD theo một mức giá “mềm” hơn giá thị trường chợ đen, song vẫn cao hơn nhiều so với tỷ giá được công bố.

“Ví dụ, khi giá USD lên tới 19.000đồng/USD hiện nay, chúng tôi có thể mua với giá chỉ 18.600đồng/USD nhưng rõ ràng, nó vẫn cao hơn nhiều so với mức 17.870đồng/USD của Vietcombank công bố”, ông nói.

Thị trường ngoại tệ luôn hình thành loại giao dịch ngầm mà DN phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Ngân hàng chỉ là trung gian để kết nối những người có USD và cần USD.

USD xuất khẩu không chảy về ngân hàng

Trong bối cảnh loạn giá USD này, các nhà nhập khẩu buộc phải khéo léo trong tính toán kinh doanh. Ví dụ, với trường hợp như công ty Vinacam, ông Nghi cho biết, công ty đã chọn hình thức mua USD theo kỳ hạn.

Hồi tháng 9, tháng 10/2009, công ty này đã mua 1 triệu USD kỳ hạn 60 ngày. Khi ký hợp đồng, tỷ giá ngân hàng giao dịch chỉ hơn 17.800USD, công ty ký mua giá 18.150 đồng/USD, thấp hơn 150 đồng so với giá USD trên thi trường tự do khi đó là 18.300đồng/USD. Nhờ vậy, đến nay, khi giá USD chợ đen lên 19.000đồng, công ty của ông cũng… đỡ thiệt hại hơn.

Nhiều chuyên gia ngân hàng khẳng định, sự khan hiếm ngoại tệ là do lỗi của sự phân phối ngoại tệ không đúng chỗ.

Thông thường, các nhà xuất khẩu thu ngoại tệ về, bán lại cho ngân hàng, lấy tiền VND để tái sản xuất, kinh doanh và tiếp tục xuất khẩu. Các ngân hàng lấy nguồn USD đó để đáp ứng nhu cầu cho nhà nhập khẩu.

Nhưng nay, dòng chảy tự nhiên này đã bị chặn lại.

Một mặt, các DN xuất khẩu thu được ngoại tệ về nhưng họ giữ lại, để phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của mình. Mặc khác, họ lại tiếp tục vay vốn ngân hàng bằng tiền VND để được hưởng ưu đãi lãi suất. Đây là một nghịch lý, rất thiếu công bằng hiện nay.

Thừa nhận thực tế này, một nhà xuất khẩu phân tích, nếu họ xuất khẩu và có ngoại tệ thì việc dùng nguồn ngoại tệ đó để nhập khẩu là bình thường.

Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào cũng diễn ra đồng thời hai việc này. Còn nếu bán cho ngân hàng, theo giá Nhà nước qui định thì nhà xuất khẩu lại bị thiệt, do, giá USD thấp. Do đó, họ treo USD ở tài khoản.

Với tình trạng này, các ngân hàng thương mại cũng lực bất tòng tâm vì họ không chủ động mua được ngoại tệ từ nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, đưa ra một tín hiệu lạc quan hơn, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng vẫn có khả năng đảm bảo được nguồn ngoại tệ.

Bà Hương phân tích, cán cân thanh toán tổng thể dự  báo chỉ thâm hụt 1,9- 2 tỷ USD. Nguồn dự dữ ngoại tệ nước ta đủ sức để bù đắp thâm hụt này. Bên cạnh đó, cuối năm, nguồn kiều hối thường nhiều hơn, nguồn ODA và các khoản vay song phương về nên nguồn cung ngoại tệ trong ngân hàng sẽ tăng lên. Đồng thời, bản thân các ngân hàng cũng đang xoay xở để vận động DN bán USD cho mình.

Tuy nhiên, muốn giải quyết được câu chuyện này, sẽ phải xử lý từ gốc. Vì thiếu ngoại tệ như vậy, không phải là việc của riêng ngân hàng nữa mà lại vấn đề của cả nền kinh tế.

Phạm Huyền

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Căng thẳng USD (12/11/2009)

>   Nhiều mặt hàng nóng lên cùng cơn biến động giá đôla (11/11/2009)

>   Giá vàng làm nóng Quốc hội (11/11/2009)

>   'Loạn' giá vàng, rủi ro rơi vào nhà đầu tư (11/11/2009)

>   Nga dữ trữ ngoại tệ để ngăn đồng Rúp trượt giá (11/11/2009)

>   Vàng thế giới lại gây sóng gió (11/11/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Vàng tăng mạnh do giới đầu cơ (11/11/2009)

>   "Lật kèo" mua bán nhà đất vì giá vàng tăng nóng (11/11/2009)

>   Cảnh giác với biến động bất thường của giá vàng và giá Đô la Mỹ “chợ đen” (11/11/2009)

>   Thị trường vàng hoảng loạn khi giá vượt 29 triệu đồng (11/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật