Thứ Tư, 11/11/2009 08:33

Điều gì đang xảy ra với vàng?

Hôm qua, giá vàng lại tăng thêm 250.000 đồng/lượng, đạt 26,75 triệu đồng/lượng. Điều gì đang xảy ra với vàng? Nhiều chuyên gia cho rằng không loại trừ yếu tố đầu cơ.

Vàng tăng có yếu tố đầu cơ

Giá vàng tăng bất thường có nhiều lý do, nhưng không loại trừ yếu tố đầu cơ, đẩy giá. Đó là nhận định của ông TRẦN THANH HẢI, tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam - VGB.

Ông Hải nói:

- Giá vàng trong nước tăng có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, là do giá vàng thế giới tăng thêm sau khi nhóm các nước G20 họp và chủ trương vẫn duy trì các chương trình kích thích kinh tế và Cục Dự trữ liên bang Mỹ không tăng lãi suất USD. Thứ hai, giá vàng trong nước tăng cao hơn thế giới, từ đó đẩy USD tiền mặt tại thị trường tự do lên cao, đẩy giá vàng tăng nhanh hơn để vàng lậu về có lãi cao hơn.

Thứ ba, là do hoạt động kinh doanh vàng đối ứng của một số tổ chức, khi giá tăng buộc phải mua vàng để cắt lỗ. Thứ tư, lượng vàng trong dân không còn nhiều, đồng thời có nhu cầu vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang bán dịp cuối năm trong khi Nhà nước không cho nhập vàng.

* Nhưng với mức chênh 1-2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đã tăng bất thường. Có hay không yếu tố đầu cơ?

- Không loại trừ yếu tố này. Nhưng có thể lực đầu cơ đến từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Hiện lãi suất trên thế giới đang ở mức thấp, các quỹ đầu tư huy động sau đó mang tiền vào VN, ngoài đầu tư vào chứng khoán, không loại trừ đang đổ tiền để kích thị trường vàng. Ở đây, các quỹ đầu tư tham gia hoạt động này đã khai thác tối đa việc không cho nhập khẩu vàng để kích thị trường nhằm thu lợi. Với nguồn lực lớn, họ có thể làm được việc này.

* Ai giúp các quỹ đầu tư này kinh doanh vàng?

- Rất nhiều công ty kinh doanh vàng có thể tham gia. Tại VN, có nhiều tài sản được định giá bằng vàng. Người dân có thể mua bán vàng với số lượng lớn, vì thế cũng khó quản lý việc kinh doanh vàng của các quỹ đầu tư cũng như các hoạt động kinh doanh kiểu đầu cơ này.

* Thế còn vai trò của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)?

- Vàng miếng SJC đang chi phối vàng ở thị trường VN, vì thế làm giá vàng là làm giá bán vàng miếng SJC. Theo tôi, SJC là doanh nghiệp nhà nước nên họ không làm thế. Cũng có thể nhận định như thế khi xét về góc độ kinh tế.

Cách nay mười năm, chỉ cần 5.000 lượng là đã có thể bán/mua để đẩy giá vàng tăng được vài giá. Còn hiện nay, khi quy mô của thị trường đã lớn, theo tôi, cần phải có nguồn quỹ vàng cực lớn, không dưới 50.000 lượng/lần (60 triệu USD, khoảng 1.000 tỉ đồng) thì mới có thể làm giá. SJC không đủ nguồn lực như thế. Chỉ có ngân hàng mới có số vàng hoặc nguồn tiền lớn như thế. Nhưng chắc chắn họ không bao giờ đánh bạc trong thương vụ này để làm giá vàng vì rủi ro cực kỳ lớn khi giá vàng đảo chiều, thua lỗ sẽ rất nặng.

* Thế còn nguyên nhân dừng nhập khẩu vàng?

- Đúng ra thị trường vàng phải liên thông với thế giới theo cả hai chiều là có xuất có nhập. Trước đây, VN đã xuất hàng tỉ USD vàng nhưng sau đó lại không cho nhập khẩu trở lại. Từ đó gây méo mó thị trường, kể cả việc bị khai thác để đẩy giá lên. Nên cho thị trường liên thông hai chiều và có thể điều tiết hoạt động nhập khẩu thông qua chính sách thuế. Như thế thị trường sẽ lành mạnh hơn.

* Nếu thị trường vàng đang là sân chơi của những nhà đầu cơ, lướt sóng, vậy người dân có nên tham gia?

- Giá vàng thế giới tăng đột biến, trong nước có hiện tượng giá bị thổi lên cao, theo tôi, người nào có ý định mua vàng miếng để đầu tư thì nên đứng ngoài. Với những người có nợ vàng, đến kỳ đáo hạn phải trả nợ nên thu xếp kéo dài thời hạn trả nợ thì tốt, không được mới mua vàng để trả.

Trước mắt giá vàng sẽ còn căng thẳng. Nhưng không loại trừ giá sẽ giảm lại, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất USD trở lại.

Ông Nguyễn Thành Long (Tổng giám đốc SJC ):SJC khó bán giá rẻ hơn

* Quy mô thị trường vàng ngày càng lớn, lượng vàng SJC chủ yếu nằm ngoài thị trường, không trong tay SJC, vì thế giá cả do thị trường quyết định.

Hiện nắm vàng nhiều là các ngân hàng nhưng những nơi này cũng không thể mạo hiểm bán hoặc mua vào một lượng lớn vàng để làm giá vì rủi ro rất lớn.

Có một thực tế là nếu SJC có kìm giá, bán rẻ hơn thì các nơi khác cũng mua gom hết bởi nguồn vàng của SJC chỉ có giới hạn.

Thị trường vàng rất nhạy cảm và luôn mang yếu tố dây chuyền. Chỉ cần một nơi mua số lượng lớn, các nơi khác cùng muốn bán với giá cao, giá từ đó cứ tăng mạnh.

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước: Đã từ lâu Ngân hàng Nhà nước không còn can thiệp thị trường vàng vì đây chỉ là một loại hàng hóa bình thường. Các nước trên thế giới cũng làm tương tự. Vàng chỉ là “sân chơi” của một số đối tượng, không chi phối đến đời sống kinh tế - xã hội.

Sức mua có tăng?

Những ngày gần đây, có thông tin cho rằng người dân đã đổ xô đi mua vàng. Nhu cầu mua vàng trong dân ra sao? Lãnh đạo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết lượng vàng giao dịch trong vài ngày trở lại đây phổ biến từ 2.000-6.000 lượng/ngày, có ngày tăng, có ngày giảm. So với thời điểm giá vàng thấp hơn như trong tháng 6 và 7 có nhích nhẹ nhưng không đột biến đến mức phải xếp hàng. Ngay chi nhánh SJC Hà Nội vẫn đảm bảo đủ hàng cho người có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết sức mua vàng miếng tại TP.HCM những ngày gần đây rất yếu vì giá tăng quá cao. Còn tại Hà Nội sức mua có nhích hơn khoảng 9-10% so với thời điểm “ế ẩm” vài tháng trước chứ không tăng nóng.

Diễn biến cũng tương tự tại Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ). Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc công ty, cho biết hầu hết người dân mua lai rai, 1-2 chỉ là chủ yếu. Bà Chi nhấn mạnh sức mua này không thay đổi so với trước thời điểm giá vàng tăng.

Không ít đơn vị kinh doanh vàng khẳng định người dân đổ xô đi mua vàng nhưng lại từ chối thông tin về doanh số vàng đã bán ra. Một chuyên gia vàng nhận định với lượng giao dịch vài ngàn lượng vàng/ngày/đơn vị thì không có gì là đột biến vì số này chỉ đủ để thanh toán khoảng chục căn nhà. Đặc biệt, các ngân hàng đều cho biết không có tình trạng rút tiền gửi ở ngân hàng để mua vàng.

* Tại TP.HCM, các khu vực kinh doanh vàng lớn như Lê Thánh Tôn, chợ Tân Định (Q.1), chợ Vườn Chuối (Q.3) tình hình mua bán vàng miếng vẫn không “nóng”. Giá niêm yết của các cửa hiệu vàng tư nhân vẫn giữ khoảng cách so với giá tại SJC từ 50.000-100.000 đồng/lượng. - A.Hồng

Rối rắm vàng miếng và vàng tài khoản

Giá vàng tăng cao, ngoài yếu tố không nhập vàng còn do những hoạt động kinh doanh phức tạp chỉ gần đây mới có, đó là hoạt động kinh doanh vàng đối ứng của một số ngân hàng. Nghiệp vụ này cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng tăng nhanh.

Kinh doanh vàng đối ứng là cách ngân hàng khai thác chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá thế giới. Việc ngân hàng mua trong bán ngoài và ngược lại cũng đã giúp điều hòa cung - cầu vàng trên thị trường, qua đó ngân hàng được lợi.

Cách kinh doanh như sau: ngân hàng huy động 1.000 lượng vàng. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, ngân hàng bán 100 lượng ra thị trường, đồng thời mua đối ứng 100 lượng vàng từ thị trường thế giới. Khi giá vàng trong nước giảm, thấp hơn giá thế giới, ngân hàng mua lại số vàng đã bán ở trong nước và bán số vàng đã mua trên thế giới.

Lý do ngân hàng phải bán vàng ở trong nước nhưng lại mua đối ứng ở nước ngoài là do vàng huy động, vay vàng phải trả vàng. Vì vậy, ngân hàng luôn đảm bảo phải có đủ lượng vàng bằng với số đã huy động.

Thế nhưng nghiệp vụ này bị tình trạng thắt nút cổ chai do chủ trương không cho nhập vàng, dẫn đến thiếu vàng miếng và thừa vàng tài khoản.

Vàng trong nước giá tăng mạnh là vàng miếng (còn gọi là vàng vật chất), trong khi vàng được ngân hàng mua từ thế giới là vàng trên tài khoản (thường gọi là vàng ảo). Ngân hàng mua vàng trên tài khoản, muốn đưa về VN để dập ra vàng miếng thì phải có giấy phép nhập khẩu vàng.

Hiện Chính phủ không cho nhập vàng để kiểm soát nhập siêu (nhập nhiều hơn xuất). Vì vậy, dù ngân hàng có vàng nhưng không thể bán ra thị trường. Trong khi đó, số vàng miếng đã bán chưa kịp mua lại vì giá tăng cao. ngân hàng cũng không thể mãi mua vàng đối ứng từ thị trường thế giới mà phải mua lại đủ số vàng miếng đã bán. Nếu mua chậm ngày nào sẽ thiệt ngày đó. Ngân hàng quyết tâm cân đối lại số vàng miếng bán trước đây đã đẩy nhu cầu vàng miếng và giá cùng tăng cao.

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng mua lại vàng miếng đã thực hiện từ nhiều ngày qua. Khi các ngân hàng mua lại đủ số vàng miếng đã bán, sức ép lên giá vàng sẽ giảm đi. - T.Sơn

T.Tu

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Khổ vì “đô” lên giá (11/11/2009)

>   'Đô' tăng, giá xe máy, ôtô nhập khẩu tăng từng giờ (11/11/2009)

>   “Nếu có vàng lúc này, tôi sẽ bán!” (11/11/2009)

>   Nhảy múa cùng tỷ giá (10/11/2009)

>   Người dân tăng rút tiền ngân hàng để mua vàng (10/11/2009)

>   Vàng sát mốc 27 triệu đồng/lượng, vẫn "cháy" hàng (10/11/2009)

>   Vàng giảm giá khá mạnh, thị trường cháy hàng (10/11/2009)

>   Thị trường vàng bớt nóng (10/11/2009)

>   4 lý do khiến giá vàng trong nước tăng nóng (10/11/2009)

>   Giá vàng kéo giá đô la (10/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật