Thứ Ba, 13/10/2009 19:46

USD vẫn là đồng tiền chủ chốt của thế giới

Trước thực tế đồng USD suy yếu, có nhiều ý kiến cho rằng cần có đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế USD. Vậy tương lai của đồng USD ra sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xoay quanh vấn đề này.

PV: Thời gian qua đồng USD ngày càng tỏ ra yếu thế trên thị trường tiền tệ thế giới. Là một chuyên gia về tiền tệ, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Mấy tháng gần đây USD liên tục giảm giá so với các đồng tiền khác tính từ năm 2008 đến nay khoảng 23%. Đây là mức sụt giảm nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Điều này khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại về khả năng suy yếu và thậm chí là sụp đổ của USD, dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế mới, nhất là khi nợ của Chính phủ Hoa Kỳ rất lớn, kinh tế Hoa kỳ phục hồi chậm.

Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế như mua các tài sản xấu của các NHTM, thực tế dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ là khó rõ ràng.

Đồng USD yếu sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khả năng phụ hồi của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng không chỉ đến các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển - do các nước đang phát triển đều là nước xuất khẩu.

Đặc biệt nếu USD yếu, khả năng phụ hồi kinh tế của châu Âu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngân hàng trung ương các nước đều thống nhất là tìm cách phụ hồi dần giá trị của USD. Những ngày gần đây USD đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Tuy nhiên hệ thống tài chính quốc tế cũng đang đứng trước khó khăn và lo ngại về sự suy yếu của USD, cộng với mối lo khác về tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, cầu thế giới đang yếu, khiến nhiều quốc gia chưa thể ngừng các gói kích thích mà phải tiếp tục nỗ lực khôi phục, củng cố hệ thống tài chính, kích thích tiêu dùng. Tại hội nghị G20, Thủ tướng Anh đề nghị các nước cần phải chi thêm 2.500 tỷ USD cho kích thích kinh tế trong năm 2010, thậm chí có thể kéo dài kích thích cho đến khi kinh tế phục hồi hoàn toàn. Điều này có thể giúp đồng USD ổn định trở lại.

PV: Có ý kiến cho rằng cần có đồng tiền dự trữ quốc tế mới để thay thế USD. Quan điểm của ông về ý kiến này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng cần có đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế USD, như EUR, nhân dân tệ, hoặc quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.

Theo tôi, USD vẫn là đồng tiền chủ chốt của thế giới trong thập kỷ tới do USD có những ưu điểm nổi bật mà các đồng tiền khác không có được. USD là đồng tiền của một nền kinh tế mạnh nhất thế giới, chiếm tỷ trọng rất lớn trong thương mại quốc tế. Hoa Kỳ là nền kinh tế năng động và có một thị trường tài chính có chiều sâu, là nền kinh tế có năng suất lao động cao nhất và xếp hạng năng lực cạnh tranh luôn đứng ở vị trí số 1, số 2 thế giới.

Do vậy, thế giới không dễ tìm thấy một đồng tiền có khả năng thay thế USD. Tính đến cuối năm ngoái, gần 70% dụ trữ tiền tệ thế giới vẫn là USD. Hiện dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng 65% là USD.

Theo tôi, ít nhất vài chục năm tới vẫn chưa có đồng tiền của quốc gia nào có thể thay thế vị trí hàng đầu của USD.

PV: Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, tuy nhiên trước sự trồi sụt giá trị đồng USD nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp nên lựa chọn nhiều đồng tiền khác như EUR, Nhân dân tệ, Yên... làm phương tiện thanh toán. Theo ông như vậy có nên?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Các doanh nghiệp nước ta lâu nay thường lựa chọn USD như một phương tiện thanh toán quốc tế chủ yếu. Điều này cũng có cái lý của họ, do sự tin cậy, dễ nhận biết và đơn giản trong thanh toán. Hơn nữa, dân chúng nói chung chưa có thói quen sử dụng các ngoại tệ khác trên thị trường hối đoái để thay thế USD.

Tuy nhiên, điều đó có những điểm bất lợi cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp buôn bán với nhiều nước và thanh toán với nhiều loại đồng tiền khác đều được quy ra USD. Trong khi USD đang mất giá, rủi ro tỷ giá hối đoái doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu hết.

Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ chịu 3 loại chi phí: Chi phí giao dịch để chuyển đổi từ ngoại tệ khác sang USD: chi phí rủi ro của tỷ giá hối đoái trong điều kiện USD giảm giá; chi phí khi cầu về USD so với VNĐ và các đồng tiền khác so với VNĐ. Điều này làm tăng chi phí thương mại, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do vậy, theo tôi, các doanh nghiệp có thể khắc phục bằng cách lựa chọn các đồng tiền khác để thanh toán hoặc ký các hợp đồng swap, các hợp đồng phát sinh phòng ngừa rủi ro. Điều này đòi hỏi các NHTM hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn và cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro.

Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp có thể tận dụng đó là NHNN Việt Nam quản lý rất chặt chẽ tỷ giá hối đoái giữa USD, VNĐ, nhưng không đưa ra các yêu cầu quản lý khắt khe tỷ giá hối đoái giữa USD với các ngoại tệ khác. Đó chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiến hành các giao dịch khác với các NHTM trong việc lựa chọn đồng tiền thanh toán nào có lợi nhằm giảm thiểu rủi ro hối đoái.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   Giá vàng giảm nhẹ khi test tiếp mức cao kỷ lục mới (13/10/2009)

>   Sáng 13/09, giá vàng tăng nhẹ (13/10/2009)

>   Giá vàng đạt 2.000 USD/ounce trong 10 năm tới (13/10/2009)

>   Lội ngược dòng, đôla Mỹ trong nước tăng mạnh (12/10/2009)

>   Giá vàng đối mặt nguy cơ điều chỉnh giảm (12/10/2009)

>   Vẫn tồn tại hai tỷ giá (10/10/2009)

>   Giá vàng ổn định trên 23 triệu đồng vào ngày cuối tuần (10/10/2009)

>   Nền kinh tế mới nổi không nên trữ nhiều ngoại tệ (10/10/2009)

>   Nên đầu tư vàng dài hay ngắn hạn? (09/10/2009)

>   Đôla ngân hàng cao kỷ lục (09/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật