Thứ Hai, 19/10/2009 09:34

USD ngoài yếu trong mạnh

Trên các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin USD suy yếu so với những đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới như EUR, bảng Anh, yen Nhật... Chỉ số lòng tin USD, thước đo sức khỏe USD đang ở mức thấp nhất kể từ hơn 14 tháng qua.

Mức tăng/giảm của tỉ giá VND/USD trong các tháng

Đơn vị: đồng

Tháng 1

0

Tháng 6

+4

Tháng 2

+7

Tháng 7

+13

Tháng 3 (*)

+321

Tháng 8

+7

Tháng 4

-6

Tháng 9

+16

Tháng 5

-1

Tháng 10

+11

(*) Trong tháng 3-2009 Ngân hàng Nhà nước mở biên độ biến động tỉ giá từ 3 lên 5%.

Ảnh hưởng rõ nhất mà trong nước cảm nhận được là giá vàng tăng phi mã. Doanh nghiệp nhập khẩu cũng cảm thấy nóng khi tỉ giá VND/EUR liên tục tăng vì EUR lên giá so với USD.

USD yếu đi, lo nhiều có thể không phải là người Mỹ. Đúng là có chuyện một số nước muốn tìm đồng tiền khác thay USD trong thanh toán mua bán dầu hoặc dự trữ ngoại hối nhưng đó là chuyện lâu dài. Còn lúc này thì chính phủ nhiều nước đang muốn làm thay người Mỹ để vực dậy sức khỏe của USD. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói rằng USD mạnh là rất quan trọng và Mỹ cần hành động để giúp USD phục hồi.

Thật ra USD yếu đi một phần do đầu cơ tiền tệ. Giới đầu cơ lại vung tay bán khống USD, đẩy giá đồng tiền này giảm sâu. Nhưng hậu quả của USD yếu đã gây quan ngại cho các nước xuất khẩu, vì thế cũng đã xuất hiện một làn sóng cứu USD. Ngân hàng trung ương những nước có đồng tiền bỗng dưng mạnh lên so với USD đang tìm cách mua USD để giữ cho đồng bản tệ của mình thôi lên giá.

Các nước đang tìm cách sớm thoát ra khỏi ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế, và một trong những biện pháp đó là làm đồng tiền của quốc gia mình suy yếu để hỗ trợ xuất khẩu. Lúc này, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã bớt tăng thêm, xuất khẩu cũng tăng thì ở châu Âu vẫn ngụp lặn trong khó khăn. Vì thế, không chóng thì chầy sẽ nổ ra cuộc chạy đua làm mất giá đồng tiền quốc gia để duy trì lợi thế xuất khẩu nhân sức mua trên thế giới hồi phục sau khủng hoảng kinh tế.

Cuộc đua này đã từng xảy ra, thậm chí dẫn đến “đụng chạm”. Đình đám nhất là vụ Trung Quốc với Mỹ và các nước châu Âu khi các nước này cho rằng Trung Quốc đã để giá nhân dân tệ quá thấp và hối thúc nước này phải điều chỉnh để nhà xuất khẩu của Trung Quốc bán USD, EUR nhận được ít nhân dân tệ hơn.

* Còn tại VN, tỉ giá VND/USD đang dần nhích nhẹ. Tỉ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố đã vượt ngưỡng 17.000 đồng/USD. Giá bán USD do các ngân hàng niêm yết cuối tuần qua đạt 17.853 đồng/USD. Tỉ giá tăng thường dẫn đến người mừng kẻ lo. Nhưng lần này thị trường lại khá yên ả.

Các chuyên gia cho rằng sự bình yên của thị trường có thể xuất phát từ cách điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Nếu xem điều hành tỉ giá như thả diều thì thay vì đột ngột nới dây diều, Ngân hàng Nhà nước đã bước dần lên chỗ cao hơn. Con diều vẫn bay cao hơn nhưng lại không gây sốc, chao đảo so với trường hợp nới rộng dây thả diều.

Trước đây, đã có lúc tỉ giá được neo chặt bằng tỉ giá liên ngân hàng trong thời gian dài, sau đó được tăng thêm thông qua mở biên độ biến động tỉ giá. Những lần điều chỉnh đột ngột này khiến doanh nghiệp giữ USD qua một đêm có thêm tiền, còn người nợ USD thì mất thêm tiền. Từ đó dẫn đến tình trạng găm giữ USD để hưởng chênh lệch tỉ giá hoặc bớt thiệt hại do tỉ giá tăng thêm. Nay thì cứ mỗi tháng tỉ giá thêm mươi đồng, nhưng lại xóa đi kỳ vọng tỉ giá sẽ còn tăng đột biến.

Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định điều hành tỉ giá theo tín hiệu thị trường. Các chuyên gia cũng phân tích lý do cũng như lợi và hại khi tỉ giá được nới rộng quá mức. Đó là nợ quốc gia tăng thêm; gây áp lực lên lạm phát (do hàng nhập khẩu, trong đó có xăng dầu, nguyên liệu tăng); USD trên thế giới đang mất giá.

Tỉ giá đang nhích nhẹ. Cân đong thiệt hơn thì người giữ VND vẫn có lợi hơn so với USD. Với doanh nghiệp xuất khẩu, dù chưa thỏa mãn nhưng cứ sau mỗi chu kỳ xuất khẩu, bán USD, số VND thu được sẽ nhiều hơn. Và thị trường ngoại hối đã hoạt động nhịp nhàng hơn sau một thời gian đóng băng.

T.Tu

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Giá vàng tăng trở lại sau áp lực chốt lời (19/10/2009)

>   Các nước Mỹ Latin sắp có đồng tiền chung (18/10/2009)

>   Giao dịch vàng cuối tuần, tiếp tục đà giảm giá (17/10/2009)

>   Câu chuyện về đồng đô la (17/10/2009)

>   Nên neo nhiều tỷ giá vào rổ ngoại tệ (17/10/2009)

>   Chênh lệch tỷ giá được tính vào chi phí hoặc doanh thu (16/10/2009)

>   Doanh số giao dịch USD liên ngân hàng giảm mạnh (16/10/2009)

>   Mỹ chỉ trích TQ thiếu linh hoạt trong điều hành đồng NDT (16/10/2009)

>   Giá vàng sụt 20.000 đồng/chỉ (16/10/2009)

>   Tăng tỷ giá liên ngân hàng ổn định thị trường ngoại hối  (16/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật