Thủng ngân sách, Anh bán tài sản
Để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng, Chính phủ Anh sẽ bán một số tài sản nhà nước trong hai năm tới để thu về 16 tỉ bảng (25,3 tỉ USD).
BBC cho biết các tài sản sẽ được bán trong đợt đầu gồm Công ty cá cược Tote, tuyến đường sắt qua biển Manche nối liền Anh và Pháp, cầu và đường hầm qua sông Thames ở vùng Dartford, công ty cho vay sinh viên và 33% cổ phần tại tập đoàn năng lượng nguyên tử châu Âu Urenco.
Số tiền thu từ đợt bán đầu tiên này dự kiến khoảng 3 tỉ bảng (4,8 tỉ USD). Sau đó, chính quyền các địa phương tại Anh sẽ bán tài sản địa phương để thu về 13 tỉ bảng (20,5 tỉ USD). Danh sách các tài sản địa phương cần bán đã được liệt kê trong một báo cáo chính phủ năm 2007.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết sẽ chi số tiền thu được vào các khoản đầu tư mới và trả nợ công. Phản ứng trước tuyên bố của thủ tướng, Đảng Bảo thủ đối lập khẳng định việc bán tài sản công có thể là cần thiết để chống chọi khủng hoảng trước mắt, nhưng không phải là biện pháp thay thế cho một kế hoạch chống thâm hụt ngân sách lâu dài. Ông Brown cũng thừa nhận Anh cần một kế hoạch có thể thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. “Chỉ có tăng trưởng mới là chìa khóa giúp trả nợ công” - ông Brown khẳng định.
Theo báo Guardian, hiện thâm hụt ngân sách của Anh đã lên đến mức kỷ lục 220 tỉ bảng (348 tỉ USD), tương đương 12% GDP. Làm thế nào để cắt giảm thâm hụt ngân sách là vấn đề nóng nhất trước kỳ bầu cử quốc hội tháng 6-2010. Tuần trước, Đảng Bảo thủ đối lập tuyên bố nếu được người dân lựa chọn thì sẽ dãn độ tuổi về hưu từ 65 sang 66 từ năm 2016 để tiết kiệm chi phí.
Tuổi Trẻ
|