Kinh tế Mỹ - Chặng đường hồi phục còn gian nan
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vọt lên mức cao gần 10%, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đối mặt với khó khăn ngày một tăng về việc thực hiện các biện pháp mới để vực dậy nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng việc làm.
Tuy vậy, mức thâm hụt ngân sách cao có thể hạn chế sự lựa chọn của Chính phủ Mỹ khi xem xét các ý tưởng từ việc thúc đẩy các chương trình an sinh xã hội và mở rộng chương trình tín dụng thuế thông dụng lần đầu cho người mua nhà đầu tiên đến các đề xuất mới như sáng kiến thuế để khuyến khích doanh nghiệp thuê tuyển lao động.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tỏ ý FED sẽ chưa vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ và sẽ chỉ tăng lãi suất khi triển vọng kinh tế Mỹ được cải thiện.
FED đã và đang nới lỏng hàng loạt các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ áp dụng trước đó, nhằm giúp nền kinh tế quốc dân thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên trở lại đây.
Phát biểu tại hội nghị ban điều hành FED tại Washington ngày 8/10, ông Bernanke nói: "Ngay khi nền kinh tế có đủ sự cải thiện, chúng ta sẽ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ và quay trở lại với các biện pháp cân bằng nền kinh tế như trước đây".
FED đã giảm lãi suất xuống gần mức 0% với mục đích đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới này thoát ra khỏi suy thoái, đồng thời đổ một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế bị suy giảm từ tháng 12/07 này.
Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong tài khóa kết thúc cuối tháng 9/09 sẽ tăng gần 3 lần từ mức kỷ lục 459 tỷ USD tài khóa 2008, lên con số kỷ lục mới 1.400 tỷ USD (tương đương 9,9% GDP), chủ yếu do doanh thu từ thuế ngày càng sa sút, các khoản chi khổng lồ cho kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng và gói kích thích kinh tế nhằm cứu kinh tế Mỹ thoát khỏi một cuộc suy thoái kéo dài.
CBO cho biết thu ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2009 ước đạt tổng cộng 2.100 tỷ USD, giảm 420 tỷ USD (tương tương 17%) so với tài khóa 2008. Trong khi đó, chi ngân sách tài khóa này tăng 17,8% so với tài khóa 2008.
Hồi tháng 4/09, Nhà Trắng dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể vươn tới con số 1.580 tỷ USD trong tài khóa 2009. Chính phủ Mỹ cũng ước tính nước này sẽ thâm hụt tổng cộng 9.050 tỷ USD trong giai đoạn từ tài khóa 2009 đến tài khóa 2019, tăng 2.000 tỷ USD so với dự đoán đưa ra hồi tháng 2/09.
Theo CBO, trong số các khoản chi tốn kém nhất của Chính phủ Mỹ có 145 tỷ USD cho Chương trình Giải cứu các Tài sản xấu (TARP); 91 tỷ USD giải cứu 2 tập đoàn ngân hàng cho vay thế chấp khổng lồ là Fannie Mae và Freddie Mac; 100 tỷ USD được giải ngân theo gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD được thông qua hồi tháng 2/09.
Ngoài ra, khoản chi cho trợ cấp thất nghiệp của chính phủ tài khóa 2009 cũng đã tăng gấp đôi lên 120 tỷ USD. Kinh tế gia cao cấp Ed McKelvey của tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ), nhận xét suy thoái kinh tế Mỹ hiện nay đã xóa hết mọi việc làm tạo ra trong thời kỳ tăng trưởng trước đó.
Những điều chỉnh trong danh sách trả lương và khả năng số việc làm tiếp tục mất đi trong những tháng tới đồng nghĩa 8,3 triệu việc làm tạo ra trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2007 sẽ "bay hơi".
Lần duy nhất xảy ra tình trạng như vậy kể từ sau Thế chiến hai là giai đoạn giữa các cuộc khủng hoảng năm 1980 và 1981-1982.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ cũng có những dấu hiệu tích cực. Bộ Lao động Mỹ cho hay số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 3/10 đã giảm mạnh hơn dự kiến xuống còn 521.000 người, mức thấp nhất trong 9 tháng qua.
Đây được coi là một tín hiệu tốt cho thấy thị trường lao động Mỹ đang trở lại ổn định sau đợt xuống thấp vào tháng 9/09.
Theo giới kinh tế, thị trường lao động đang được cải thiện song với tốc độ chậm và nhìn chung, các số liệu cho thấy tình hình việc làm của tháng 10 sẽ tốt hơn so với tháng 9 (có tỷ lệ thất nghiệp là 9,8%, mức cao nhất trong 26 năm qua).
Ngày 8/10, chỉ số chứng khoán tổng hợp Standard & Poor's 500 của Mỹ đã tăng 0,8% sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 3/10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua.
Cùng ngày, đồng USD đã xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua so với đồng tiền của 6 đối tác thương mại chính của Mỹ trong lúc những dấu hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu đang kích thích nhu cầu mua vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn.
Chiều ngày 8/10 tại New York (Mỹ), Chỉ số Dollar Index được IntercontinentalExchange - sử dụng để theo dõi tỷ giá của đồng USD so với các đồng euro, yên Nhật, bảng Anh, dollar Canada, franc Thụy Sĩ và krona Thụy Điển - đã giảm 0,7%, còn 75,964 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/08.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ Shaun Donovan cho biết chương trình trị giá 75 tỷ USD được Chính phủ Mỹ đưa ra vào tháng 2/09 nhằm hỗ trợ 3-4 triệu chủ nhà trong 3 năm đã đạt được mục tiêu trong giai đoạn đầu khi giúp được 500.000 trong tổng số 1,2 triệu chủ nhà đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình./.
Vietnam +
|