Phố Wall ra sao khi các gói kích cầu đi qua?
(Vietstock) – Mặc dù nền kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng trở lại nhưng giới đầu tư chứng khoán vẫn đối mặt với nhiều bất ổn trong tuần tới khi dõi theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và bản báo cáo việc làm quan trọng.
Báo cáo chính sách hàng tháng của FED có thể cho thấy ngân hàng trung ương sẽ rút lại bớt các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Trong khi đó, bản báo cáo việc làm lĩnh vực dịch vụ và khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) sẽ cung cấp một số dấu hiệu ban đầu về tình hình nền kinh tế trong quý 4.
Mối quan ngại hiện nay của giới đầu tư là việc các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ có thể bị thu hồi quá sớm.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày Thứ Sáu do phản ứng quá nhạy cảm của nhà đầu tư trước các dấu hiệu yếu kém từ nền kinh tế. Chỉ số S&P 500 ghi nhận tháng giảm điểm đầu tiên trong vòng 8 tháng qua do nhà đầu tư vẫn còn khá hoài nghi về mức độ bền vững của đợt phục hồi.
Bên cạnh đó, vào ngày Thứ Tư, các thị trường tài chính cũng kỳ vọng vào sự thay đổi trong bản thông báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) với việc lãi suất cơ bản có thể được nâng lên vào cuối năm 2010.
Thông báo của FOMC, cùng với việc FED có thể bắt đầu thu hồi một số biện pháp gia tăng thanh khoản thông qua việc mua trái phiếu trước đó, sẽ gây tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán.
Theo dự đoán, số việc làm cắt giảm trong Tháng 10 có phần suy giảm. Tuy nhiên, nếu có bất ngờ tiêu cực nào xảy ra tương tự như tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp leo thang lên mức cao 26 năm, thì niềm tin vào đà hồi phục kinh tế sẽ bị lung lay và đẩy chứng khoán lao dốc.
Theo dự đoán từ các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters, giới tuyển dụng Mỹ đã cắt giảm khoảng 175,000 việc làm trong Tháng 10, giảm mạnh so với con số việc làm bị cắt giảm trong Tháng 9 là 263,000 việc làm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong Tháng 10 ước tăng lên mức 9.9% so với con số 9.8% trong Tháng 9.
Bản báo cáo việc làm trong lĩnh vực dịch vụ và tỷ lệ thất nghiệp sẽ được công bố vào Thứ Sáu tới.
Liên quan đến mùa kết quả kinh doanh quý 3, lợi nhuận và triển vọng của Ford, nhà sản xuất ô tô duy nhất của Mỹ tránh được nguy cơ phá sản, sẽ là một chỉ báo quan trọng cho biết tình hình doanh số bán ô tô trong bối cảnh không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào của Chính phủ.
Theo đó, báo cáo của Ford sẽ được đưa ra vào Thứ Hai, một ngày trước khi số liệu doanh số ô tô của Mỹ được công bố. Giới phân tích và các giám đốc điều hành kỳ vọng doanh số bán xe của Mỹ tăng từ 9.2 triệu đơn vị trong Tháng 9 lên 9.8 triệu đơn vị trong Tháng 10.
Được biết, doanh số ô tô Tháng 8 tại Mỹ đã tăng nhanh đến chóng mặt sau khi chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền” trị giá 3 tỷ USD của Chính phủ liên bang kích nhu cầu mua xe tăng mạnh.
Lĩnh vực nhà đất và những con số
Pulte Homes, công ty xây dựng nhà lớn nhất nước Mỹ sau khi sáp nhập với Tập đoàn Centex vào mùa hè vừa qua, sẽ báo cáo lợi nhuận vào ngày Thứ Tư. Nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao những nhận định và đánh giá về phương pháp quản lý của công ty này để tìm kiếm thêm các dấu hiệu phục hồi vững chắc của thị trường nhà đất Mỹ.
Doanh số nhà chờ bán Tháng 9 công bố ngày Thứ Hai được dự báo không đổi sau khi tăng vọt 6.4% trong Tháng 8.
Bàn về kế hoạch kết thúc chương trình tín thuế trị giá 8,000 USD cho người mua nhà lần đầu tiên, vốn là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho thị trường nhà đất trong suốt thời gian qua, có thể làm xáo động giới đầu tư. Chương trình tín thuế này chính thức hết hiệu lực vào ngày 30/11.
Được biết, Quốc hội đang xem xét đề xuất kéo dài chương trình này, nhưng trước khi hết hiệu lực hoàn toàn, chương trình này sẽ tiếp tục là yếu tố tác có tác động lên các thị trường tài chính.
Bội Mẫn – Phạm Thị Phước (Theo Reuters)
|